Phải biết sợ khi nguồn nước ngọt bị ô nhiễm

    16:33 20/05/2022

    Theo Sở Tài nguyên Môi trường, hiện có hơn 300 điểm xả nước thải có ảnh hưởng tới nguồn nước sông Rế. Có 3 nguồn thải chủ yếu. Thứ nhất là nguồn thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các khu, cụm công nghiệp, trường học. Thứ hai là nguồn từ các khu dân cư tập trung và phân tán. Nguồn thứ ba là từ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là diện tích đất canh tác nằm trong lưu vực thoát nước của sông Rế, với tổng diện tích khoảng 3000 ha.

          Tại sông Đa Độ, cũng có tới 364 tổ chức, cá nhân đang có hoạt động xả nước thải, bao gồm 247 điểm xả thải của doanh nghiệp, bệnh viện, nhà hàng thuộc An Lão, Kiến An, Kiến Thụy, Dương Kinh; 117 điểm xả của các trường học; trang trại chăn nuôi…

         Chỉ nhìn vào những con số này thôi thì dù người ít hiểu biết nhất cũng phải biết sợ. Vì 2 con sông này là nguồn cung cấp nước ngọt cho thành phố. Nước ăn, nước uống hàng ngày của người dân thành phố là từ đây. Thế mà, thượng vàng hạ cám đang hàng ngày hàng giờ đổ xuống sông, không chỉ giết chết các dòng sông mà là mối nguy hại vô cùng lớn đến an toàn vệ sinh nguồn nước.

    Theo quy định hiện hành, trách nhiệm tham mưu, thẩm định hồ sơ cấp phép xả thải vào sông Rế và sông Đa Độ thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; trách nhiệm quản lý sông Rế thuộc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải; sông Đa Độ thuộc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ. Tuy nhiên, với thực tế xả thải như trên thì rõ ràng, cơ quan quản lý cũng đang bất lực. Số được cấp phép chưa thấm tháp gì. Chỉ biết, dòng sông đang ô nhiễm.

       Qua nhiều cuộc họp, cuộc làm việc, qua các diễn đàn tại HĐND thành phố, trước ý kiến, kiến nghị cử cử tri và nhân dân, một số giải pháp cũng đã được đưa ra. Cụ thể là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung cho các khu đô thị  và khu dân cư trên địa bàn thành phố (khoảng 17 nhà máy).

    Hiện thành phố mới vận hành Nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm với công suất 36.000 m3/ngày đêm nhưng phạm vi thu gom nước thải không lớn. Thứ hai là xây dựng tuyến thoát nước từ kênh Bắc Nam Hùng ra sông Cấm nhằm chuyển toàn bộ nước thải ra sông Cấm, không để chảy vào sông Rế.

    Thứ ba là yêu cầu các địa phương triển khai ngay việc lập dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực ven nguồn nước ngọt, ngăn chặn xả thải vào các nguồn nước này, trước mắt tập trung vào các khu vực: thị trấn Rế, Núi Đối, An Lão, quận Kiến An.

         Cùng với đó là các biện pháp như cắm mốc bảo vệ hành lang bảo vệ các nguồn nước; điều chỉnh quy hoạch tưới tiêu kết hợp với thoát nước thải công nghiệp, sinh hoạt theo hướng không xả nước thải vào nguồn nước; tăng cường quản lý, kiểm soát dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; kiểm soát nước thải từ các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhà máy, cơ sở sản xuất trong phạm vị lưu vực nguồn nước. Sở Tài nguyên Môi trường duy trì tần suất quan trắc định kỳ chất lượng nước trên các sông và chủ động có kịch bản ứng phó khi phát hiện ô nhiễm các nguồn nước.

        Như thế, có thể thấy, các giải pháp rất nhiều và cũng rất thuyết phục nhưng nhiều ý kiến người dân cho rằng không dễ làm và cũng không thể làm nhanh. Bởi hầu hết phải lập và thực hiện các dự án. Cũng có nghĩa là tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngọt sẽ còn dài dài mặc dù đã được nói tới, được cảnh báo từ nhiều năm nay.

    Xem ra, không chỉ với các ngành quản lý mà ngay chính các doanh nghiệp, các tổ chức, các hộ dân phải biết sợ, phải thấy rằng mình sẽ sử dụng chính nguồn nước mà mình xả thải vào, may ra mới giảm được phần nào sự ô nhiễm. Cần nhớ, chỉ giảm thôi chứ để giải quyết thấu đáo, tận gốc cần có sự vào cuộc đồng bộ, tổng thể của thành phố. Không lẽ, Hải Phòng cứ phải chịu mãi cảnh sử dụng nguồn nước ngọt bị ô nhiễm?

                                                                                                                                                         Hồng Thanh

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông