21:16 06/01/2020 Sau 3 năm Hải Phòng triển khai Đề án mô hình điểm quản lý thức ăn đường phố: “Cải thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) thức ăn đường phố giai đoạn 2017 – 2020”, đã thu được những kết quả tích cực, vừa nâng cao ý thức của các chủ cơ sở kinh doanh, vừa quảng bá hình ảnh du lịch thành phố gần gũi, thân thiện với du khách.
Theo số liệu thống kê, tổng các cơ sở thuộc diện của đề án gồm 977 cơ sở, trong đó 10 phường điểm, 854 cơ sở và 123 cơ sở thuộc tuyến phố ẩm thực (đường Lê Hồng Phong 91 cơ sở; tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh 32 cơ sở).
Để tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, từ năm 2017, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo chọn 2 tuyến đường chính gồm đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) và đường Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân) để triển khai mô hình điểm tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm thức ăn đường phố - bởi khu vực này không chỉ là 2 tuyến phố lớn nằm khu vực trung tâm thành phố mà nơi đây còn tập trung khá nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Theo đó, Ban điều hành triển khai đề án thành phố phối hợp với cơ quan chức năng và các địa phương đã tiến hành rà soát, kiểm tra tất cả các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm; tổ chức cho các chủ hộ ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; tuyên truyền, tập huấn 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm và tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho các chủ cơ sở kinh doanh. Tại 2 tuyến phố này, các chỉ tiêu khám sức khỏe, tập huấn kiến thức ATTP và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đều đạt 100%; kết quả kiểm tra ATTP đạt hơn 80% (chỉ tiêu đặt ra 80%).
Đại diện Ban điều hành triển khai đề án, cho biết: Qua thực hiện mô hình, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn được thực hiện đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả; ý thức của người kinh doanh thức ăn đường phố được nâng lên, tạo sự đồng tình, yên tâm đối với người dân và du khách.
Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố sau khi được tuyên truyền, tập huấn đã thực hiện nghiêm các biện pháp chế biến thực phẩm hợp vệ sinh, thức ăn được bao gói cẩn thận, để trong các tủ kính có che chắn kỹ; người bán hàng sử dụng găng tay trong quá trình chế biến thực phẩm; có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm, trang bị đầy đủ dụng cụ, túi đựng rác thải...
Còn chị Nguyễn Thị Hà, chủ cơ sở kinh doanh ăn uống trên đường Nguyễn Đức Cảnh chia sẻ: Trước đây, chúng tôi cứ nghĩ chỉ cần làm đồ ăn ngon là bán được hàng, chứ chưa quan tâm nhiều đến dụng cụ chế biến, cách bảo quản... Được hướng dẫn, phổ biến các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi đã thay đổi nhận thức, tự giác thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm bảo đảm sức khoẻ cho người tiêu dùng, góp phần quảng bá hình ảnh của thành phố.
Hơn nữa, nhờ áp dụng các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khách hàng đến cửa hàng của chúng tôi nhiều hơn. Cùng chung quan điểm, chị Hoàng Thị Dịu, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho hay, đây đã là lần thứ 3 đến du lịch tại Hải Phòng, bởi đây là địa phương có nhiều phong cảnh đẹp, thời tiết mát mẻ, lại có nhiều món ăn tươi, ngon, được bảo quản, chế biến sạch sẽ, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp...
Có thể thấy, Đề án mô hình điểm quản lý thức ăn đường phố thời gian qua đã và đang phát huy tốt hiệu quả, góp phần nâng cao hiểu biết về vệ sinh an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và các nhân viên bán hàng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh du lịch của thành phố Cảng ngày càng thân thiện, mến khách.
Tiếp tục củng cố và duy trì mô hình, đặc biệt là vào những ngày giáp Tết Nguyên đán 2020, Ban điều hành triển khai đề án đang tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại tất cả các cơ sở kinh doanh ăn uống. Đồng thời, định kỳ tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác này, nhanh chóng nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn.
TB
09:09 24/11/2024
13:27 22/11/2024
15:26 16/11/2024