Tăng cường sự giám sát của cộng đồng trong quản lý thức ăn đường phố

18:10 03/08/2017

Đó là giải pháp nổi bật trong triển khai Đề án mô hình điểm quản lý thức ăn đường phố “Cải thiện điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố giai đoạn 2017-2019” theo Quyết định 541của UBND thành phố ngày 13-3-2017. Hiện thành phố đang triển khai giai đoạn 1 của đề án. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế thành phố trong năm 2017. Sở Y tế là đơn vị chủ trì thực hiện đề án.

Xây dựng khu ẩm thực đảm bảo ATTP

Đề án mô hình điểm quản lý thức ăn đường phố “Cải thiện điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố giai đoạn 2017 – 2019” tập trung cải thiện điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố tại 10 phường chọn làm điểm thuộc 4 quận gồm: Gia Viên, Máy Tơ, Lạch Tray (quận Ngô Quyền), An Biên, Hàng Kênh, Nghĩa Xá (quận Lê Chân), Quán Toan, Sở Dầu, Quang Trung (quận Hồng Bàng), Trần Thành Ngọ (quận Kiến An).

Cùng với đó, thành phố sẽ triển khai 2 mô hình “Khu ẩm thực bảo đảm ATTP” tại quận Lê Chân và quận Ngô Quyền. Tại đây, người kinh doanh dịch vụ ăn uống được bố trí tập trung vào một địa điểm cố định. Nguồn nguyên liệu cung cấp để sản xuất, chế biến thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm ATTP.  

Khu ẩm thực có khu chế biến ăn uống hợp vệ sinh, có hệ thống cấp nước sạch, hệ thống xử lý chất thải, nước thải; người bán hàng được tham gia các lớp tập huấn cung cấp kiến thức về ATTP, được khám sức khỏe định kỳ…

Toàn thành phố hiện có 9170 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phần lớn là loại hình thức ăn đường phố

Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2017, từ thành phố đến các quận, phường thực hiện mô hình điểm thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa đề án của địa phương mình.

Ngay sau hội nghị triển khai đề án (ngày 25-7- 2017) , Chi cục An toàn thực phẩm thành phố - đơn vị được giao là cơ quan thường Thường trực của Sở Y tế trong thực hiện đề án đang hỗ trợ các phường làm điểm triển khai thu thập số liệu cơ sở thực phẩm, đánh giá thực trạng trước khi triển khai đề án; triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý cấp quận, phường điểm; các phường thành lập tổ giám sát ATTP. Tại hai quận Lê Chân, Ngô Quyền, tập trung xây dựng 2 khu ẩm thực bảo đảm ATTP…

Cụ thể hơn, để thực hiện đề án đạt hiệu quả cao, thành phố xây dựng lộ trình thực hiện thành 2 giai đoạn. Giai đoạn từ tháng 5- 2017 đến tháng 6- 2018, triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với cơ sở dịch vụ ăn uống cố định tại 10 phường điểm của 4 quận với mục tiêu: phấn đấu 90% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cố định tại 10 phường này được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 50% số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại các phường điểm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo nội dung Thông tư số 30 của Bộ Y tế. Cùng với đó, thành phố xây dựng 2 khu ẩm thực bảo đảm ATTP tại quận Lê Chân và Ngô Quyền.

Giai đoạn 2, từ tháng 6-2018 đến tháng 12-2019, cùng với việc duy trì 10 mô hình điểm tại 10 phường, thành phố chuẩn bị các điều kiện để nhân rộng mô hình ra 30 phường trên địa bàn thành phố vào năm 2020; duy trì 2 mô hình quản lý khu ẩm thực tại quận Lê Chân và Ngô Quyền.

Đến năm 2019, thành phố bắt đầu đưa loại hình kinh doanh dịch vụ hàng rong, lưu động (không có địa điểm cố định, các dịch vụ ăn uống trong chợ) vào quản lý ATTP; phấn đấu 100% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cố định có chứng nhận đăng ký kinh doanh vào quản lý; 90% số cơ sở này được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và 70% số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đạt điều kiện bảo đảm ATTP theo Thông tư 30 của Bộ Y tế.

Đến năm 2019, thành phố sẽ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ hàng rong, lưu động vào quản lý ATTP

Tăng cường giám sát của cộng đồng

Đề án mô hình điểm quản lý thức ăn đường phố “Cải thiện điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố giai đoạn 2017 – 2019” rất quan tâm đến việc nâng cao năng lực quản lý cho hệ thống cơ quan chức năng trong bảo đảm ATTP đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố ở các phường làm điểm; tăng cường năng lực giám sát của cộng đồng trong công tác này. Tổng kinh phí ngân sách dành thực hiện đề án là hơn 2,9 tỷ đồng, ngoài ra có nguồn kinh phí xã hội hóa.

Điểm nhấn của đề án là có các giải pháp để tăng cường năng lực giám sát của cộng đồng về bảo đảm ATTP. Tại 10 phường điểm sẽ thành lập tổ giám sát ATTP với số lượng 5 người/ tổ, thành phần gồm: lãnh đạo UBND phường, cán bộ y tế, công an, tổ trưởng tổ dân phố hoặc cộng tác viên ATTP, đại diện các hội, đoàn thể của tổ dân phố.

Hàng tuần, tổ giám sát tuyên truyền về ATTP, tư vấn cho người kinh doanh, người tiêu dùng về ATTP. Hàng tháng, tổ giám sát ghi chép, báo cáo những ưu điểm, hạn chế của cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố với Ban chỉ đạo ATTP địa phương (cấp phường) để có hình thức xử lý phù hợp, phản ánh những kiến nghị của chủ cơ sở kinh doanh với Ban chỉ đạo. Tổ giám sát thực hiện kiểm tra ATTP tại các cơ sở 1 quý/lần. 

Huyền Trâm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông