Quốc hội thảo luận về phát triển KTXH; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

16:56 25/05/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, sáng 25-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại Tổ 12 cùng đoàn Bắc Ninh, Kiên Giang.

                                                         Nhận diện rõ các nút thắt, điểm nghẽn để tháo gỡ

        Tại tổ 12, các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội từ cuối năm 2021 đến những tháng đầu năm nay. Đồng thời đánh giá cao chất lượng các báo cáo thẩm tra của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, cho thấy Quốc hội nhận diện chính xác, đánh giá sâu sắc những vấn đề đang đặt ra.

     Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ thể hiện năng lực của các cơ quan của Quốc hội mà quan trọng hơn sẽ là định hướng để Quốc hội xem xét, hoàn thiện thể chế và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền hiệu quả hơn. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng lo ngại về sự bền vững trong phục hồi, phát triển kinh tế trước những diễn biến phức tạp về địa chính trị, kinh tế trên thế giới, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn chậm được khắc phục như giải ngân đầu tư công, giải ngân gói chính sách tài khoá tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội… 

                                      

                          Quang cảnh thảo luận tại tổ 12 của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Bắc Ninh, Kiên Giang

       Quan tâm đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị Chính phủ làm rõ hơn tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng đối với hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động tiêu cực của chuỗi cung ứng.

    Về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Lã Thanh Tân đồng tình với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng với những kết quả nổi bật. Các công cụ của chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt và đồng bộ; có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để điều tiết những thanh khoản làm bình ổn thị trường tiền tệ. Ngoài ra còn có sự kiểm soát theo đúng mục tiêu và cung ứng nguồn vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế. Đại biểu đồng tình kéo dài thời gian thực hiện NQ 42.

                               

                                       Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Lã Thanh Tân phát biểu thảo luận

       Đại biểu  Tống Văn Băng (Hải Phòng) đề nghị sớm tăng lương cho cán bộ công chức; có chính sách cụ thể để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm một lần; có cơ chế, chính sách, nhất là về đào tạo đối với lao động 15-18 tuổi…

      Đại biểu Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đề nghị Chính phủ có hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương, trong đó có Hải Phòng. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Quốc hội ban hành nghị quyết 35 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng từ tháng 11- 2021 nhưng hiện vẫn còn nhiều quy định đang chờ hướng dẫn. Thành phố mong muốn sớm có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để nghị quyết của Quốc hội nhanh chóng đi vào cuộc sống. Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng chí Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang đề cập tới hiệu quả trong chủ trương tinh giản biên chế. Tuy nhiên theo đồng chí, trên thực tế vẫn đang phát sinh nhiều vướng mắc, nơi cần thì không được tăng biên chế, nơi có biên chế thì hiệu quả không như mong muốn. Vì thế, đồng chí Trần Lưu Quang đề nghị tăng cường phân cấp cho các địa phương về biên chế, để các địa phương có quyền chủ động, bảo đảm sự linh hoạt trong sử dụng biên chế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.  

                                                      

        Đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang phát biểu tại thảo luận tổ

    Về giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhận định áp lực rất lớn, như tại Hải Phòng, nguồn lực đầu tư khá lớn, hiện còn hơn 5000 tỷ đồng chưa phân bổ nhưng tiến độ giải ngân rất chậm. Một trong những nguyên nhân kìm hãm đó là tư tưởng sợ sai, không dám làm. Từ thực tế đó, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị cần nghiên cứu có quy định, nguyên tắc cụ thể, rõ ràng. Nếu cán bộ nào cố tình làm sai sẽ bị xử lý nghiêm. Nhưng nếu sai do rủi ro, do cơ chế thì cũng cần cân nhắc, xác định rõ để khuyến khích, động viên cán bộ.

      Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 đặt mục tiêu 5 năm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7%. Năm 2022, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%, cộng thêm 2% từ thực hiện gói chính sách theo Nghị quyết 43 của Quốc hội thì mục tiêu tăng trưởng cả năm sẽ là 8-8,5%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của năm 2021 theo báo cáo chính thức của Chính phủ chỉ đạt 2,58% (so với 2,91% đã báo cáo). Ngân sách tăng thêm gấp 9 lần số ước thực hiện nhưng tăng trưởng lại giảm. Do đó, vấn đề quan trọng nhất bây giờ, theo Chủ tịch Quốc hội, là làm thế nào để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 8-8,5% và đạt mục tiêu 5 năm như Nghị quyết Đại hội Đảng 13 đã đề ra. Đây là thách thức rất lớn.  

                               

                                             Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại thảo luận tổ

    Chia sẻ những vấn đề đại biểu Quốc hội lo lắng như giải ngân đầu tư công chậm, giải ngân gói chính sách tài khoá, tiền tệ theo Nghị quyết 43 quá chậm…, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây cũng là những vấn đề mà Quốc hội và Chính phủ đang rất quan tâm. “Chi ngân sách nói chung hiện nay đang rất khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Đầu tư công cũng rất thấp, cả năm 2021 chỉ đạt hơn 70%, vốn ODA cũng chỉ giải ngân 32,85%. Gói kích thích kinh tế hiện chưa giải ngân được, hiện mới có danh mục gửi sang UBTVQH, mới chỉ có tên danh mục chứ chưa phải là các dự án đã chuẩn bị đầu tư xong. Gói chính sách về y tế là chưa có danh mục đầu tư nào. Hỗ trợ “Sóng và máy tính cho em” cũng chưa giải ngân được… “.

    Nêu thực tế này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu từ thực tiễn sâu sát với địa phương phân tích kỹ vấn đề này. Tiền có nhưng không tiêu được. Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan đến phòng, chống dịch COVID– 19, Quốc hội,  Chính phủ đã có nghị quyết cho phép mua theo cơ chế đặc cách, đặc biệt, đặc thù nhưng xuất hiện trạng thái một số nơi không dám mua và một số nơi mua thì sai.  “Trong giai đoạn phục hồi kinh tế mà tiền có không tiêu được thì không biết vướng do đâu? Phải làm cho rõ. Thể chế là không vướng gì cả. Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế chính sách đặc cách, đặc thù, đặc biệt rồi, cho phép cả chỉ định thầu, tức là ở mức cao nhất rồi, không còn gì mà mở thêm được nữa ”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định. 

      Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế và chi tiêu ngân sách nhà nước rất thấp. Đọc quyết toán ngân sách năm 2021 sẽ thấy, tình trạng này kéo dài mấy năm nay, một năm mà chi chuyển nguồn hơn 600 nghìn tỷ đồng. Không phải là không có tiền mà là có tiền nhưng không tiêu được. Quốc hội và Chính phủ đều băn khoăn vấn đề này, các đồng chí là người sát nhất ở địa phương xem lý do vì sao không tiêu được? Cần phải có giải pháp mới cho những vấn đề cũ, những vấn đề đã kéo dài nhiều năm, trầm kha. Nhưng giải pháp mới là gì? Nếu chúng ta không bàn vấn đề này thì Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong cũng không chuyển biến được trong thực tiễn. Những vấn đề về vĩ mô thì Quốc hội, Chính phủ phải tập trung, nhưng ở cấp độ thực hiện ở cơ sở như thế nào?” Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu từ thực tiễn sâu sát tại địa phương, bộ, ngành tập trung thảo luận, hiến kế cho Quốc hội, cho Chính phủ về vấn đề này.

     Trước một số ý kiến cho rằng cần ban hành Luật hoặc có khung khổ pháp lý cao hơn để xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết 42 chính là luật về xử lý nợ xấu. Tình huống đặc biệt nên Quốc hội mới ban hành Nghị quyết này. Về mặt nguyên tắc, các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết này chỉ áp dụng trong thời gian nhất định. Không có luật riêng nào về xử lý nợ xấu nữa. Cũng không có khung nào nữa vì khung này (theo Nghị quyết 42) là cao nhất rồi. Bây giờ Quốc hội quyết định cho phép kéo dài đến hết năm 2023, trong quá trình đó phải có  các quy định trình Quốc hội sửa đổi trong Luật Các tổ chức tín dụng, chậm nhất là Kỳ họp đầu năm 2023 để khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, sang năm 2024 thì đã có Luật Các tổ chức tín dụng thay thế.

                                      Thảo luận sôi nổi về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

      Điều hành phiên họp chiều 25-5,  Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nêu 9 nhóm vấn đề cơ bản và 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau về cung cấp dịch vụ về phổ biến phim trên không gian mạng, về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh và một số vấn đề khác của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

                                                       

                    Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành thảo luận về Luật Điện ảnh (sửa đổi)

     Dự thảo Luật gồm 8 Chương 50 Điều được hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Dự thảo Luật đạt được sự đồng thuận nhất trí giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan trình.

     Để tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật, trong phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát biểu rõ quan điểm, ngắn gọn. Đồng thời, cuối phiên thảo luận  đại diện cơ quan trình và cơ quan thẩm tra dự án Luật sẽ báo cáo giải trình để làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm.

            Nhiều ý kiến  đại biểu Quốc hội cho rằng, 4 vấn đề quan trọng đối với điện ảnh hiện nay là phải bảo đảm tư tưởng, định hướng của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đúng pháp luật; không đi ngược lại thuần phong mỹ tục dân tộc; và gắn với kinh tế, du lịch. Trong bối cảnh chúng ta muốn thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh, thì phải gắn điện ảnh với kinh tế, du lịch mới tạo ra giá trị gia tăng và tác phẩm điện ảnh mới có đời sống dài lâu.

               Đồng thời, phải có sự đổi mới, cởi mở về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, coi đây là cách để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia, cùng với Nhà nước, phát triển điện ảnh Việt Nam. Các quy định trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần giảm bớt giấy phép con, làm rõ các hình thức góp vốn làm phim.

      Cơ chế hợp tác công - tư không chỉ trong lĩnh vực sản xuất phim, mà còn cả ở khâu phổ biến phim, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bởi thực tế hiện nay, được xem phim chiếu rạp vẫn là điều xa xỉ với đa số người dân ở những khu vực này. Mọi sửa đổi pháp luật cần hướng tới đưa các tác phẩm điện ảnh giá trị đến với đông đảo quần chúng nhân dân để điện ảnh thực hiện chức năng quảng bá, tuyên truyền, giáo dục của mình, gắn với các mặt đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, từ đó tác động trở lại cho ra đời những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao.

                                                                                                                                            Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông