Tây Ban Nha lay lắt trong khủng hoảng

14:43 25/10/2012

Tây Ban Nha đã “thế gót” Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland thành tâm điểm trong khủng hoảng nợ của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) sau khi nước này không thể thực hiện được các mục tiêu đề ra về ngân sách năm 2011.
Tây Ban Nha đã “thế gót” Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland thành tâm điểm trong khủng hoảng nợ của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) sau khi nước này không thể thực hiện được các mục tiêu đề ra về ngân sách năm 2011.

Người dân biểu tình phản đối thắt lưng buộc bụng
Người dân biểu tình phản đối thắt lưng buộc bụng

Tình hình xã hội Tây Ban Nha căng thẳng trong nhiều tháng qua do khó khăn kinh tế và nạn thất nghiệp trầm trọng với tỷ lệ người không có việc làm lên tới gần 25% lực lượng lao động. Trong tháng 9-2012, số người đăng ký thất nghiệp lên tới 4,71 triệu người trong bối cảnh mùa du lịch kết thúc và các doanh nghiệp đành phải để công nhân ra đi. Hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra trong thời gian gần đây phản đối việc chính phủ áp dụng các biện pháp kinh tế “thắt lưng buộc bụng” để khắc phục khủng hoảng.

Ở thủ đô Madrid, dấu ấn khủng hoảng kinh tế chưa hằn rõ lắm nhưng đối với tầng lớp lao động ở ngoại ô Mostoles, cái đói đã “gõ cửa” từng nhà. Tại Trung tâm phân phát thực phẩm San Simon de Rojas, rất nhiều người đang phải làm quen với cuộc sống trên đường phố. Antonio Molino Pelaez, một công nhân xây dựng bị thất nghiệp tuyệt vọng cho biết: “Tôi đã từng có việc làm, đã từng sống rất tốt. Tôi không có nhiều tiền nhưng tôi có đủ tiền để mua thức ăn. Giờ tôi khó có thể sống nổi. Tôi không có gì cả. Tôi đã 41 tuổi và tôi sẽ chẳng có hy vọng gì nữa. Tôi không có tương lai”.

Pelaez phải đến đây ăn sáu ngày một tuần. Chủ nhật trung tâm này đóng cửa, anh sẽ không ăn. Việc không có vợ hay gia đình lại là điều mà giờ anh cảm thấy may mắn. Tuy nhiên, rất nhiều người đến trung tâm này có gia đình và họ đang phải sống lay lắt từng ngày vì không có đủ tiền mua thức ăn. Bên cạnh bữa sáng, họ đến đây để ăn sandwich vào bữa trưa. Lorenzo Inche, một kỹ sư thất nghiệp cho biết: “Rõ ràng tình hình đã trở lên vô cùng khắc nghiệt, không chỉ đối với tôi mà đối với toàn bộ thế hệ của chúng tôi. Có hàng triệu kĩ sư không có việc làm”.

Trước đây trung tâm San Simon de Rojas chỉ phải đón 50 người một ngày, nhưng hiện tại mỗi ngày có hơn 700 người đến đây để đăng kí ăn. Amparo Ramos, tình nguyện viên của trung tâm, cho biết: “Tình hình đã thay đổi rất nhiều, nhiều gia đình đến đây cả nhà để ăn. Còn có cả người vô gia cư và người nhập cư. Nhiều người không còn nhà ở vì họ không có việc làm và giờ nếu trả tiền thuê nhà, họ sẽ không còn tiền mua thức ăn”.

Sang năm 2013, Tây Ban Nha sẽ cắt giảm các khoản chi tiêu công khoảng 39 tỷ euro (tương đương 50 tỷ USD) và đồng thời áp dụng các biện pháp tăng thuế nhằm giảm thâm hụt ngân sách công cộng. Để thực hiện cắt giảm chi tiêu, chính phủ nước này sẽ thực hiện cắt giảm chi tiêu của các bộ và cơ quan chính phủ 8,9%, ngừng tăng lương trong khu vực công cộng, tìm các biện pháp để tiết kiệm 7 tỷ euro trong chi phí y tế và giáo dục, tiếp tục cải cách thị trường lao động, tinh giản bộ máy hành chính… Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định Tây Ban Nha sẽ không thể đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách trong năm 2012 và 2013, với nợ công của nước này sẽ tăng lên tương đương trên 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm tới do phải tái cấp vốn cho lĩnh vực ngân hàng.

Việt Anh (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông