Thú chơi cây cảnh mùa xuân

12:36 10/02/2013

Mỗi độ xuân đến, tết về, nhà nhà lại nô nức tìm đến với hoa đào, quất cảnh. Bao năm vẫn thế. Vậy năm nay, thị trường hoa, cây cảnh có gì mới?
Mỗi độ xuân đến, tết về, nhà nhà lại nô nức tìm đến với hoa đào, quất cảnh. Bao năm vẫn thế. Vậy năm nay, thị trường hoa, cây cảnh có gì mới?

Là cơ sở trồng đào và quất cảnh lớn nhất của thành phố, bao năm qua, các nghệ nhân làng hoa Đồng Dụ, Đặng Cương, An Dương, đã không ngừng phát huy nghề truyền thống cha ông, tiếp tục tìm tòi, sáng tạo cấy ghép ra một số lượng cây cảnh lớn để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Và để tạo ra những “tác phẩm” nghệ thuật tươi đẹp tô điểm cho đời, người nghệ nhân trồng cây chỉ có đôi bàn tay khéo, óc sáng tạo, con mắt thẩm mỹ thì chưa đủ mà còn cần phải có niềm đam mê.

Theo ông Đức, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề trồng đào, quất cho biết: “Nghề này đòi hỏi người nghệ nhân phải dày dạn kinh nghiệm, kiên trì, tỉ mỉ cần mẫn sớm tối chịu đựng nắng mưa, giá rét mới có thể gắn bó với nghề. Chăm sóc cả hai loại cây này đều yêu cầu kỹ thuật, kinh nghiệm rất cao ở tất cả các khâu: ghép mắt, chăm bón, uốn tạo thế cho đến khâu bẩy cây. Để có một vụ cây cho thu hoạch, người trồng cây phải mất 2 năm chuẩn bị giống. Cả một năm đầu là mua đào dại về tiến hành ghép mắt, chăm bón tạo thành cây dưỡng. Sang năm thứ 2 mới đưa cây vào cắt tỉa, uốn tạo thế. Tạo được thế cây đã khó, để cho cây ra hoa hoặc tạo quả chín đúng vào dịp Tết lại càng khó. Làm được điều đó đòi hỏi mỗi người chúng tôi phải biết căn cứ vào tình hình thời tiết mà có kế hoạch cắt cành, hãm/khoanh gốc để lấy nụ hoa, quả cho đúng dịp…”.

Đào là loại cây đặc trưng của miền Bắc, chỉ nở hoa vào mùa xuân. Nếu như người thủ đô chuộng đào bích - loại đào có hoa màu hồng thắm, mang sắc thái cổ truyền thì người dân Hải Phòng lại sính đào phai bởi theo quan niệm của phần lớn những người sành chơi đào: đào phai có màu hồng nhạt - hồng phấn, khi trưng bày sắc hoa đào sẽ làm cho không gian trở nên tươi sáng. Nó mang trong mình một vẻ đẹp thuần khiết và rất mực thanh tao. Nhìn cánh hoa đào khẽ đung đưa trước gió, ta có cảm giác như sức sống đang căng tràn, một bầu không khí trong lành tràn ngập khắp không gian đất trời.

Chính vì thế mà sắc hồng phấn của hoa đào trở thành biểu tượng cho một năm mới tràn trề sức sống, rất hợp với sự đổi mới, ngày một đi lên của thành phố Cảng thân yêu.

Bên cạnh đào là quất. Theo quan niệm dân gian, sắc vàng của quất là màu của vua chúa xưa kia và cũng là màu của nhà Phật. Nó là biểu tượng của ánh nắng ấm áp, sự hiền hòa và chí tiến thủ, mang lại cho mọi người cảm giác tươi vui, đầm ấm; sự may mắn, hạnh phúc trong mùa xuân. Có lẽ vì thế mà bao năm qua, cứ mỗi độ xuân đến là cặp đôi đào-quất lại sánh vai nhau khoe sắc trên khắc các ngả đường, con phố, từ trung tâm thành phố cho tới các chợ đầu mối, chợ cóc, ngã 3, ngã 4, gần trung tâm các quận, huyện rồi rực rỡ, tranh hoàng, ấm áp vào trong mỗi ngôi nhà.

Nói đến thú chơi cây cảnh, đặc biệt là loại cây lộc đầu năm thì chúng ta không thể không bàn đến “thế” - kiểu dáng của cây. Ứng với mỗi thế cây được uốn tạo, người nghệ nhân đều ký thác, gửi gắm trong đó một thông điệp riêng, phù hợp với sở nguyện của từng gia chủ. Ông Trinh, một người gắn bó, tâm huyết với nghề gần 30 năm nay chia sẻ: Nhìn chung trên địa bàn thành phố, đào và quất được uốn tạo với các thế chủ yếu như: mẫu tử, ngũ phúc, tam đa, long thăng, bạt phong…

Thế “mẫu tử” là cây gồm có 2 nhánh. Một nhánh mẫu - mẹ: thanh, cao, tán rộng hơn bao bọc nhánh tử - con. Nhánh con luôn quấn quýt, nương tựa vào nhánh mẹ; hệt như tình mẫu tử thiêng liêng. Đây là kiểu dáng được tất cả mọi người ưa chuộng. Thế “ngũ phúc” là cây có 5 nhánh, các nhánh lên song hành cùng nhau, nhánh ở giữa nhỉnh hơn một chút, 4 nhánh còn lại vây đều bốn xung quanh. Nhánh ở giữa tượng trưng cho chữ “phúc” chỉ người phúc hậu, luôn làm việc thiện, 4 nhánh còn lại lần lượt là: “lộc, thọ, an, khang”. Cả 5 nhánh tạo thành cây với nghĩa tượng trưng cho những con người phúc hậu, nhân từ được trời ban lộc, ăn lộc trời cho sống thọ, luôn mạnh khỏe và sống êm ấm, hạnh phúc với con cháu. Thế cây này cũng được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là các bậc hưu trí “muốn sống lâu, an hưởng tuổi già, sum vầy bên con cháu”.

Còn thế “tam đa” là thế cây có 3 nhánh, ứng với 3 ông “phúc, lộc, thọ”. Cả 3 nhánh đều tròn, đẹp, biểu tượng cho sự sung túc, giàu sang, sống lâu. Không những thế, “tam đa” còn tượng trương cho “thiên, địa, nhân”. Đó là sự hòa hợp giữa “trời - con người - đất”, trong đó con người là trung tâm của vũ trụ - là nhánh ở giữa, 2 nhánh “thiên, địa” ở đều 2 bên, tạo ra thế “kiềng ba chân” vô cùng vững chãi. Đây là thế tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu, bất diệt, được rất nhiều doanh nhân lựa chọn để trưng bày ở tiền sảnh, trong văn phòng, trước cổng cơ quan với ngụ ý: cầu mong một năm mới phát đạt, vị thế của cơ quan, doanh nghiệp sẽ được củng cố vững chắc và ngày càng nâng cao.

Được rất nhiều bạn trẻ và những người trung niên ưa chuộng là 2 thế “bạt phong hồi đầu” và “long thăng”. Bạt phong hồi đầu là thế cây nghiêng như bị gió xô đẩy mạnh, tất cả các nhánh cây đều nghiêng về một phía, nhưng ngọn cây luôn cất lên cao. Còn thế “long thăng” - rồng bay lại là thế có gốc cây hệt như đầu rồng, thân hình uốn lượn, đuôi vẫy đập tạo dáng cho rồng cất cánh bay lên…

Đào và quất đều có thể trang trí ở tất cả các nơi, từ phòng khách đến ban công, ngoài tiền sảnh hay trong văn phòng rồi ra trước cổng các công ty, xí nghiệp… Màu sắc và độ bền của hoa đào và quả quất có nghĩa rất lớn đối với tư tưởng của gia chủ. Hầu hết mọi nhà đều cho đó là báo hiệu của tương lai. Nếu quả quất tươi lâu hay hoa đào mà nở rộ đúng vào dịp giao thừa hay sáng mồng một tết thì đó là báo hiệu một năm mới may mắn, sung túc, hạnh phúc với các thành viên trong gia đình. Cho nên dù được đặt ở đâu, với bất cứ kiểu dáng nào thì khi chọn cây, các nghệ nhân cũng khuyên chúng ta cần chú ý: Nếu là quất thì phải đảm bảo sự sum xuê, lá xanh tốt, quả chi chít, chín vàng tươi. Một cây quất được gọi là “tứ quý” phải là cây: vừa có lộc vừa có hoa, vừa có quả xanh vừa có quả chín. Chọn đào thì thân cây phải tươi, tán đều, nụ to đều, cành hoa dày nhưng phải đâm lộc. Ngọn cây của đào cũng như quất phải ở thế vươn lên.

Gần đây, do tác động của kinh tế, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn nhưng thú chơi hoa đào, quất cảnh ngày xuân của người dân thành phố vẫn được duy trì. Theo ông Phạm Văn Chiến, một nghệ nhân làng hoa cho biết: “Hiện nay, đối với cây đào, bà con chúng tôi đã hái hết lá, chuẩn bị cho ra hoa. Cây quất đã buộc lại để bắt đầu lấy quả và lộc. Như thường lệ, chỉ còn 2 tuần nữa là khách ở khắp nơi sẽ đến đặt mua hàng cho gia đình hoặc cơ quan, xí nghiệp.

Mặc dù giá cả thị trường có nhiều biến động nhưng theo xu hướng hiện nay thì giá đào, quất không thể thấp hơn năm ngoái, bởi mọi chi phí phân bón, thuốc trừ sâu… cho cây đều tăng. Giá trung bình đối với đào là: 4 trăm đến trên 1 triệu đồng/cây đào nhỏ; loại đào đá, to, lâu năm: 2.5-7 triệu đồng/cây; quất: 5 trăm - trên 3 triệu đồng/cây. Ngoài ra, cũng như mấy năm trước đây, để tạo điều kiện cho bà con vui xuân đón tết cùng đào và quất, các chủ vườn làng hoa Đồng Dụ - Đặng Cương - An Dương còn có dịch vụ cho thuê cây cảnh (không giới hạn thời gian). Đối với các gia đình mua cây, nếu chơi xuân xong không có điều kiện trồng cây thì người chơi có thể bán lại cho chủ vườn với giá bằng 10-15% giá thành khi mua”.

Màu xanh của lộc non cùng sắc hồng của hoa đào, màu vàng tươi của quả quất được trang hoàng rực rỡ cùng hàng ngàn ánh đèn lấp lánh muôn màu với những phong bao lì xì hái lộc đầu năm sẽ mang lại thật nhiều tài lộc, may mắn, niền tin, hi vọng cho mỗi thành viên. Chúc một năm mới: ấm áp, an lành, sung túc, hạnh phúc sẽ đến với mọi nhà.

Khánh Chi


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông