21:59 04/11/2017 Cô em họ của tôi bực mình quăng thùng bia xuống sàn nhà, miệng cằn nhằn với chồng: “Cứ làm ra vẻ sành sỏi lắm, mất toi con lợn chưa, về ông xem cái ti vi mới ấy, còn đây xem cái cũ, trông thấy là muốn đập ra rồi…”. Tôi pha mấy cốc nước chanh đưa cho hai vợ chồng, chỉ cười chứ chẳng dám nói gì, vì tính cô em “phổi” này, thêm lời có khi lại “đổ dầu vào lửa”…
“Đại gia” mới nổi…
Chuyện là chiều hôm trước, Hà điện ra từ quê: “Mai anh rỗi, đi chợ mua sắm với vợ chồng em, vừa cân được lứa lợn anh ạ!”. Nghe xong, tôi bụng bảo dạ: “Đôi này tự dưng đổi gió máu nhỉ, hạt thóc cắn làm đôi không dám vứt đi mà bày đặt ra phố mua sắm”. Xem lại lịch làm việc, thấy không có gì quan trọng, nên tôi cũng dành một buổi tiếp vợ chồng Hà, vừa là anh em con chú bác, lại học cùng phổ thông với nhau mà.
Sáng sớm, gió lạnh cuối thu chưa kịp vặn mình thì vợ chồng Hà đã bấm chuông cửa, tôi còn ngái ngủ nhưng nhìn thấy bọn hắn à ơi như vợ chồng son, đứng đợi bên cạnh chiếc Honda AirBlade đời mới mà thấy tỉnh hẳn. Chẳng thèm vào nhà, Hà giục cuống: “Đi thôi bác ơi, sáng sớm bọn nó vừa mở cửa, mặc cả dễ mua…”. Tôi nói: “Siêu thị nào mở cửa giờ này…”. Hà cười lớn: “Vừa ở quê ra em tăm rồi, có mấy cửa hàng quần áo thanh lý ác lắm, tiện sắm cho chồng con em mấy bộ rồi hãy đi siêu thị”.
Đánh răng rửa mặt qua quýt, tôi lấy xe đi luôn. Mang tiếng sống ở phố mà ra đường cứ phải đi theo những cái chỉ tay của Hà, rồi điểm đầu tiên dừng chân là phố Mê Linh. Tôi và Cường – chồng Hà chưa kịp tắt máy xe, Hà đã tót vào một cửa hàng treo biển “Hàng mới nhập-đại hạ giá”. Tôi nhìn mà hoài nghi, hàng gì vừa mới nhập đã đại hạ giá? Mà ngày nào tôi chẳng đi qua đường này, tấm biển chềnh ênh treo mấy năm nay rồi, nhưng không dám ngăn, mà ngăn thế quái nào được! Hà nghển cổ nhìn, sờ rồi thử, được chiếc áo ưng ý, hỏi giá, cô chủ hàng xởi lởi: “Chị tinh mắt thật, hàng độc đấy, sáng ra em nói một lời, chị cho em xin chín trăm tám mươi ngàn…”. Vừa nghe thế, Cường nhảy xổ vào: “Vải gì trông như diềm bâu mà đắt thế à, năm chục tôi cũng chẳng mua”. Hà cũng có vẻ thấy choáng, nhưng vẫn nguýt chồng rồi thỏ thẻ: “Chất này mát, nhưng cũ mốt rồi, em nói chát thế, ba trăm bán không?”. Cô chủ tím ngay mặt: “Sáng ra mà chị trả thế em bán cho ai, có thiện chí em bớt cho tám chục…”. Hà vung vẩy: “Trả thế, bán được thì bán…”, vừa nói Hà vừa kéo chồng đi ra.
Tưởng thế là xong, ai dè tiếng cô chủ lảnh lảnh vang lên: “Thì đây bán, đại hạ giá rồi đấy…”. Nhưng Hà cuống quýt giục chồng: “Đi nhanh lên…”. Cường rồ máy chở vợ phóng đi, tôi ất ơ đi sau nghe rõ tiếng chửi tá lả văng ra từ cái miệng xinh như mộng của cô chủ, liếc lại thấy cô ta còn túm tờ giấy, tay cầm chiếc bật lửa đốt vía khua khua ném theo. Chạy lên một đoạn, thấy một cửa hàng đề biển “Thanh lý - đại hạ giá” khác, nghĩ là vợ chồng nhà kia chả còn mặt mũi nào, ai dè lại thấy Hà lao xuống. Thêm một cô xinh xắn nữa, miệng cười tươi như hoa kéo tay Hà vào: “Dãy ngoài là hàng hiệu, trong kia hàng đồng giá 150k, còn bên này là hàng thanh lý…”.
Có vẻ như đã rút được kinh nghiệm, Hà bỏ qua hàng hiệu, lao vào chỗ đồng giá bới loạn, rồi quay sang đống thanh lý. Chọn mãi được một chiếc áo, vạch ra thấy đứt hai chiếc cúc cổ, lại có vết rách ở dưới gấu, Hà lẩm bẩm: “Hàng mới mà thế này à?”. Cô chủ ve vãn: “Cúc em đính lại cho, còn rách chỗ ấy lo gì, dáng chị mặc cho áo trong quần rất đẹp, lại che được gấu rách…”, “Bao nhiêu tiền?”, “Hàng lỗi lấy chị trăm hai…”. Chưa nghe dứt lời, Cường đã lôi vợ: “Đi đi, có tiền mà phải mặc đồ rách à…”, rồi ra mặt hằm hằm khiến cô chủ tức đỏ mặt nhưng không dám phản ứng. Đúng là đổi đời, trước kia năm nào vợ chồng Cường cũng ra nhà tôi vét voi quần áo cũ, nói là ở quê chỉ mặc đi làm che cho kín thân chứ không cần mới, thế mà chỉ mở gia trại nuôi gà, nuôi lợn mấy vụ đã rủng rỉnh theo lối “đại gia” rồi.
Lần này ra phố, quần áo chỉ là chuyện phụ, còn theo Cường thì việc chính là thửa cái ti vi đẹp về xem bóng đá. Sau đận thất bại đầu tiên, bọn tôi bỏ qua cơ man các cửa hàng “đại hạ giá” trên đường Mê Linh, Cát Dài, Cầu Đất, Lê Lợi… cho đến lúc câu chuyện về thời trang kết thúc. Chạy vòng về cửa hàng điện máy trên đường Lê Hồng Phong, lần này đến lượt Cường chủ động, xem qua một lượt rồi quyết lấy chiếc Samsung 42in gần hai hai triệu đồng, lại còn được khuyến mại một thùng bia Heineken và chiếc mũ bảo hiểm nữa. Hà quay sang tôi giải thích: “Bọn em xem quảng cáo và khảo giá trên mạng rồi, gì chứ hàng điện tử nhà em sành lắm”. Chỉ mất mấy phút thanh toán, Cường cho địa chỉ để nhân viên chở hàng đến, rồi cuộc hành trình kế tiếp được chọn là siêu thị bách hóa cùng tuyến đường.
Lượn qua vài vòng siêu thị, thấy quần áo giá rẻ đổ đống, Hà hí hửng chọn một lô “xích xông” cho cả nhà. Rồi thì mắm Nam Ngư, dầu gội đầu Clear, thuốc đánh răng Colgate, nước rửa bát Sunlight… Đến hàng điện tử, Cường chăm chú xem một lượt, và ngẩn người trước chiếc ti vi Samsung 42in niêm yết 19.990.000 đồng. Hắn sờ nắn, lật nghiêng soi mã, rồi lẩm bẩm: “Y chang chiếc mình vừa mua…”. So ra, thùng bia gần 400 nghìn đồng, cái mũ khoảng 100 nghìn đồng, “Thế là vẫn đắt mất triệu rưỡi…”. Nghe chồng than, Hà nhảy cẫng lên: “Đã bảo khảo cho kỹ lại không nghe, giờ làm thế nào, quay lại trả cái kia xem có được không?”. Đến nước này tôi phải giải thích, rằng kia cũng là siêu thị, thuận mua vừa bán, hóa đơn xuất rồi không trả lại được. Hà nổi đóa: “Thôi về… về…, chẳng mua với sắm gì nữa, mất toi con lợn…”.
Thay cho lời kết
Mấy năm gần đây, chuyện quảng cáo “loạn” có thể ví như mê cung, không quá khó để nhận thấy những cái bẫy “khuyến mại cuội” giăng khắp các tuyến đường của thành phố, len lỏi cả trong siêu thị và đang lan ra vùng ngoại ô. Ở đâu người tiêu dùng cũng có thể thấy những tấm biển “siêu khuyến mại”, “đại hạ giá”, “hàng mới nhập”, “thanh lý xả hàng”, “săn hàng giá rẻ”, “Madein Vietnam”… đua nhau nở rộ, mà chẳng thấy cơ quan quản lý nào đụng vào.
Nhưng chuyện quảng cáo “cuội” đâu chỉ có ở các tiểu quán vốn bị coi là “ăn theo nói leo” như trên, mà ngay các đại gia siêu thị cũng không bỏ qua cơ hội “đánh” vào tâm lý người tiêu dùng. Chỉ khác là, đôi khi họ lách luật mà giả như nhà quản lý có muốn xử lý cũng khó. Chẳng hạn như một siêu thị to bậc nhất, trên bảng giá luôn in giá trước thuế to đùng, dòng thanh toán nhỏ xíu tinh mắt mới thấy, khiến nhiều vị khách lấy hàng xong mới ngỡ ngàng. Hoặc như siêu thị khác quanh năm có hai giá, một bị gạch ghi là giá cũ, một là giá bán thật làm khách hàng lúc nào cũng tưởng mình được mua rẻ, dù cái “giá cũ” cao ngất ngưởng chưa bao giờ có thật.
Được biết Nhà nước đã có nhiêu văn bản quản lý, quy định và hướng dẫn việc quảng cáo, khuyến mại, thanh lý hàng hóa. Cụ thể Điều 4 Nghị định 37/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ: “Chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và không được xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng…” và “Không được lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để thực hiện khuyến mại nhằm phục vụ cho mục đích riêng của bất kỳ thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân nào.”. Tiếc rằng trên thực tế, thị trường không diễn biến như vậy.
Gia Lê
22:06 23/07/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết