Trăng muộn...

16:22 03/04/2016

 

...
...

Đã hơn 12 giờ đêm rồi mà Hường vẫn chưa thể nào ngủ được. Đôi mắt cô mặc dù đã díp lại nhưng đầu óc thì cứ miên man suy nghĩ về cuộc gặp gỡ chiều nay với Thìn - một người đàn ông tầm thước và từng trải. Ngoài kia, ánh trăng muộn heo hắt, sáng lờ mờ nhưng lại muốn len vào khung cửa sổ để thổn thức cùng cô gái đã qua cái thởi xuân sắc, ngấp nghé tuổi 40...

1. Nếu như ai đó bảo Hường ế cũng đúng, bởi 40 rồi cô vẫn phòng không đơn chiếc. Mà cũng lạ, Hường đâu phải xấu, thậm chí ở cái xóm nhiều hoa khôi này, nhan sắc của cô cũng được liệt vào hạng tốp ten ấy chứ. Thế mà không hiểu sao mãi chẳng thấy cô lấy chồng, hay là cao số nhỉ. Đoán già, đoán non vậy thôi, chứ ai hiểu được hoàn cảnh gia đình Hường thì mới vỡ nhẽ vì sao cô không chịu xây dựng gia đình.

Là chị cả trong một gia đình có bốn người con, từ bé Hường đã có thâm niên bế em đến vẹo cả lưng, nhưng đó cũng là niềm hãnh diện của cô vì mấy đứa em rất ngoan, thương yêu nhường nhịn nhau và biết nghe lời chị. Kinh tế gia đình Hường cũng không đến nỗi nào. Bố Hường là chủ của một xưởng cơ khí nhỏ, cộng với sự tần tảo của mẹ, chị em Hường có cuộc sống khá đầy đủ, được ăn học đàng hoàng như chúng bạn. Nhưng rồi một biến cố đau lòng xảy ra đã khiến gia đình Hường lâm vào cảnh bi đát.

Số là ông Chiến bố Hường rất tham việc, việc làm trong xưởng còn chưa hết nhưng hễ ai kêu làm gì cũng đi ngay. Rồi trong một lần đang hàn sắt thì chẳng may ông bị ngã từ tầng hai xuống đất, chấn thương nặng, tính mạng bị nguy hiểm. Bà Loan lúc này chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, dồn hết tiền trong nhà và đi vay thêm để cứu chồng. Trời cũng thương, ông Chiến qua được cơn nguy kịch nhưng di chứng để lại thì rất nặng nề, ông bị liệt nửa người, phải ăn nằm một chỗ. 

Đang sức vóc như thanh niên, giờ trở thành người tàn phế, mọi sinh hoạt chỉ gói gọn trên chiếc giường, ông Chiến chán lắm, ông muốn mình chết quách đi cho đỡ khổ vợ con. Nghĩ vậy, ông lấy hết sức lật từ giường xuống nền nhà để tự vẫn, nhưng cú ngã chỉ làm ông thêm đau đớn. Mấy đứa con thì thay nhau túc trực canh bố không cho ông Chiến tiếp tục làm liều. Còn bà Loan thì kêu người về bán hết cả máy móc của xưởng, lấy tiền chạy ngược chạy xuôi tìm bác sỹ giỏi, thầy thuốc hay về chữa cho chồng, tuy nhiên bệnh tình chẳng hề thuyên giảm. Đã thế phần bị liệt do không vận động được nên có dấu hiệu hoại tử, rồi ông Chiến nhắm mắt, xuôi tay, bỏ lại người vợ tiều tụy cùng đàn con nheo nhóc...

2. Làm xong đám tang chồng, bà Loan càng héo hon hơn. Bao nhiêu sức lực đã cạn kiệt, bà không biết phải rồi đây phải chống chọi như thế nào cảnh đời nghiệt ngã này. Bốn đứa con thì còn quá nhỏ để thích nghi và chấp nhận với cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn đang mở ra trước mắt. Duy chỉ có Hường (lúc ấy mới là học sinh lớp 7), bắt đầu nhận thức được gia đình đã mất đi trụ cột, mẹ thì không còn được khỏe, gánh nặng gia đình cô phải san sẻ, đúng hơn với vai trò là chị cả, Hường phải có trách nhiệm lo cho gia đình trong cơn giông bão này.

Cô bé 13 tuổi xin phép mẹ nghỉ học để ra chợ phụ bán hàng cho một người quen, kiếm thêm chút tiền phụ giúp mẹ nuôi các em. Nhìn đứa con gái còn ít tuổi nhưng có hiếu, hi sinh sự học của mình vì gia đình, bà Loan thương Hường lắm, nhưng cũng đành gạt nước mắt và chiều theo con gái, chứ một mình bà khó mà xoay xở nuôi 5 miệng ăn, lại còn phải chắt chiu để trả nợ nữa. Tuy nhiên, được cái Hường cũng tháo vát, mau mồm mau miệng nên bán hàng lúc nào cũng đắt như tôm tươi, mọi người ở chợ ai cũng quý mến, nhiệt tình giúp đỡ.

Thời gian trôi nhanh, cô bé Hường còm nhom ngày nào chẳng mấy chốc vụt lớn thành một thiếu nữ xinh xắn, đẹp mặn mà, làm cho không ít nam "thượng đế" phải thẫn thờ khi giáp mặt cô gái bán hàng duyên dáng này. Tuy nhiên, Hường chẳng mảy may để ý đến mọi chuyện xung quanh, việc của cô là bán cho thật nhiều hàng, được tăng lương, tích góp một khoản để mua một ki ốt nhỏ, chứ không phải làm thuê nữa. Và niềm vui cũng đến với Hường khi một người họ hàng thương tình nhượng rẻ lại cho một ki ốt ở vị trí thuận lợi.

Dốc hết tài bán hàng, Hường từng bước tạo được một số mối quen, vừa bán buôn, vừa bán lẻ nên thu nhập khá ổn. Mấy đứa em tự hào về chị lắm, chúng tự bảo nhau học tập cho giỏi để không phụ những lo toan, vất vả của chị. Còn bà Loan thì thôi hẳn việc đồng áng, ra chợ phụ con bán hàng. Từ ngày có mẹ trông coi giúp, Hường bắt đầu xuôi ngược mãi tận cửa khẩu để lấy hàng về bỏ mối lại các tiểu thương trong chợ. Công việc tiến triển ngày một tốt, Hường thuê thêm mấy ki ốt nữa mở rộng kinh doanh. Từ một người làm thuê, bằng nghị lực của mình, Hường đã là bà chủ với số vốn cũng tương đối. Cô bảo đấy là do bố linh thiêng phù hộ nên gia đình đã tạm vượt qua khó khăn, tạo dựng được cuộc sống no đủ. Nhất là đàn em đã có đứa vào đại học, đứa thì học sinh giỏi huyện, đứa út lại có năng khiếu về thể thao, được chọn vào đội điền kinh của nhà trường đi thi đấu giải thành phố...

3. Khỏi phải nói niềm hạnh phúc của Hường, sau bao biến cố của cuộc đời, gia đình cô lại đầy ắp tiếng cười và cuộc sống sung túc. Nhưng rồi tai ương một lần nữa ập đến. Đó là vào một buổi sáng ngày rằm, có tiểu thương trong chợ không biết thắp hương kiểu gì đã gây ra cháy. Đám cháy lan nhanh, bùng lên dữ dội. Mọi người trong chợ nháo nhác vừa cứu hàng hóa, vừa tìm cách thoát thân. Hường và mẹ cũng cuống cuồng với đống tài sản có nguy cơ biến thành tro. Hường bảo mẹ chạy ra ngoài trước kẻo nguy hiểm, còn mình chọn thứ hàng có giá trị nhất hì hục vác chạy ra khỏi đám cháy. Tuy nhiên, bà Loan thì lại xót của vẫn cố bê một thứ ra. Nhưng do sức yếu, mắt mờ, bà Lan ngã dúi dụi, không thể đứng dậy được, mà đám cháy đã lan gần tới nơi...

Sự hỗn loạn đến tột cùng, tiếng kêu cứu yếu ớt của bà Loan chẳng ai nghe thấy. Ngay cả Hường vừa mới ra ngoài, cô nhìn quanh thì không thấy mẹ đâu, hoảng hốt chạy tìm khắp nơi, gào khản cả tiếng nhưng vô vọng. "Mẹ ơi, không lẽ mẹ mắc kẹt trong ấy" - Hường bất chấp nguy hiểm toan nhảy vào đám cháy để cứu mẹ, song được mọi người giữ lại. Cô quỳ sụp xuống khóc thảm thiết...

 Hường lại lâm vào cảnh tay trắng, nhưng đau đớn hơn là cô không còn mẹ. Người mẹ mà cả một đời hi sinh cho chồng, cho con, đến khi về già vẫn không được yên thân, phải chết một cách đau đớn nhất. Hường ân hận lắm, đáng lẽ ra cô phải dìu mẹ ra khỏi khu vực nguy hiểm rồi mới nghĩ đến việc cứu hàng, nhưng trời ơi, một chút sơ sẩy đã khiến cô vĩnh viễn mất người mẹ của mình...

4. Hơn 10 năm sau cái ngày ra đi của mẹ, Hường vẫn ở vậy. Cô hết lo cho thằng hai lấy vợ, em ba lấy chồng, và đứa út đi xuất khẩu lao động, mà không để ý rằng tuổi thanh xuân của mình đã qua đi từ bao giờ. Ngoảnh đi, ngoảnh lại, Hường thấy mình toan về già, ai mà thèm lấy một bà cô béo tròn, béo trục này nữa. Nhiều đêm một mình trong căn gác lạnh, Hường cũng thèm lắm hơi ấm của một người đàn ông yêu thương, nhưng cũng đành tặc lưỡi mặc kệ duyên phận...

Cho đến một buổi chiều, khi đang dọn hàng đi về thì Hường bắt gặp một ánh mắt rất lạ của một người đàn ông đang nhìn mình từ ki ốt đối diện. Và chẳng hiểu sao ánh mắt ấy làm Hường bối rối đến lạ lùng. Rồi người đàn ông ấy tiến đến gần cô và nở một nụ cười đầy sự thân thiện, ấm áp. Bất giác Hường cũng tủm tỉm cười đáp lễ, nhưng sau đó lại lúng túng, chẳng biết làm sao với vị khách lạ này thì chị Nga - một tiểu thương ở chợ - tiến lại vồn vã nói: "Hường à, dọn hàng sớm thế em, gợm hẵng đã, chị có chuyện nói với em". "Dạ cũng vãn khách rồi, em định về, có chuyện gì chị nói đi".

Chị Nga vỗ vai người đàn ông đứng cạnh rồi ôn tồn bảo: "Chú mạnh dạn lên, đàn ông gì mà chẳng mau miệng mau mồm một tý"-đoạn quay sang bảo Hường: "À đây là Thìn, em họ chị, vợ mất đã hơn 3 năm rồi, nay chị đưa chú ấy đến..." - chưa để chị Nga nói xong, Hường phá lên cười rồi nói: "Bà chị định mai mối cho em đấy à, rõ thật không lãng mạn gì cả. Giới thiệu thì cũng phải quán cà phê cà pháo gì chứ, ai lại đường đột giữa chợ thế này, ngại chết". "Ừ thì chị...". "Em đùa thôi, cảm ơn ý tốt của chị, nhưng em là gái già rồi...". "Thì chú ấy có trẻ nữa đâu, hay chiều nay hai đứa về nhà chị ăn cơm, sẵn dịp làm quen nhé. Ơ kìa chú Thìn, mời người ta một câu đi chứ. Chú chỉ được cái hiền lành, chẳng biết tán gái gì cả". "Thì chị và cô ấy nói hết phần em rồi còn gì. Thống nhất là về nhà chị Nga ăn cơm nhé! Hường, cô tham dự được chứ" - Thìn nhỏ nhẹ. "Vâng, em cứ được mời ăn thì khó từ chối lắm, em béo thế này tham ăn lắm đó. Nào lên đường thôi"...

Không ngờ Hường hào hứng đến nhà chị Nga đến vậy, mặc dù cô cũng chẳng biết mình sẽ như thế nào trong bữa cơm đặc biệt này. Tuy nhiên, như linh tính mách bảo, cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ là một bước ngoặt của đời mình. Thìn là một người đàn ông khá thú vị, ăn nói nhẹ nhàng. Anh không ngại ngần cởi mở về cuộc sống gia đình, cảnh gà trống nuôi con sau sự ra đi của người vợ. Nhưng dù gì đó là số phận, muốn hay không cũng phải chấp nhận. Thìn chia sẻ là đã nghe chị Nga kể chuyện về Hường, về hoàn cảnh khá đặc biệt của cô, anh rất cảm thông và muốn được bầu bạn với cô. Anh thừa nhận là đã nhiều lần đến chợ, đứng nhìn Hường từ xa, trong lòng rất cảm mến cô gái nghị lực và giàu đức hi sinh như cô...

"Chết, em có người nhìn trộm nữa cơ à, ôi xấu hổ quá. Thôi em về đây, hẹn hôm khác gặp lại anh" - Hường đứng dậy chào, rồi dắt xe ra về, trong lòng cảm thấy phấn chấn. Và tối hôm đó là khoảng thời gian khó ngủ của Hường. Ngoài kia, ánh trăng muộn vẫn phảng phất, len lỏi, thổn thức...

QUẢNG BÌNH


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông