UBND thành phố làm việc với Đoàn công tác của Bộ Công thương về xây dựng Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam

23:13 24/05/2023

Chiều 24-5, UBND thành phố làm việc với Đoàn công tác của Bộ Công thương về xây dựng Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng ban chỉ đạo Đề án; Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công thương, Phó Trưởng ban chỉ đạo Đề án; đại diện các thành viên ban chỉ đạo Đề án; các chuyên gia, cán bộ, chuyên viên các Cục, Vụ thuộc Bộ Công thương. Về phía thành phố, có đồng chí Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Các đại biểu tham dự hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Bùi Quang Hải – Giám đốc Sở Công thương cho biết, Hải Phòng là thành phố duy nhất trong khu vực phía Bắc có đủ 5 phương thức vận tải gồm đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển và đường thủy nội địa cùng các điều kiện địa lý tự nhiên và hệ thống cảng biển thuận lợi cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics và trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc.

Hoạt động của dịch vụ logistic tại thành phố Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như đồng bằng sông Hồng. Giai đoạn 2011-2020 tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 18% đến 23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố từ 10% đến 15%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 25% đến 30%.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị

Trong những năm qua, hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã được quan tâm, xác định vị trí chủ lực, có những bước phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, thu hút và huy động được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, qua đó tiếp tục duy trì vai trò là trung tâm logistics, cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc.

Hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, trong đó có khoảng 30 công ty, tập đoàn logistic đa quốc gia như DHL, UPS, FedEX,… chiếm 70-80% thị phần logistics. 

Về định hướng phát triển logistics, thực hiện chỉ đạo từ Nghị quyết 45-NQ/TW; Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại”.

Phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển, hạ tầng kết nối và hạ tầng logistics bảo đảm thông qua toàn bộ lượng hàng xuất nhập khẩu và nội địa của khu vực phía Bắc bằng đường biển; xây dựng cảng cửa ngõ Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ quốc tế có chức năng trung chuyển container…

Thành phố Hải Phòng phát triển dựa trên 3 trụ cột: Cảng – Công nghiệp – Dịch vụ&du lịch, thúc đẩy tri thức và lối sống văn hóa hàng hải. Củng cố các lợi thế cạnh tranh của Hải Phòng về các lĩnh vực công nghiệp, hậu cần và vận chuyển, giáo dục, nghiên cứu và kinh doanh hàng hải…

Giám đốc Sở Công thương Bùi Quang Hải báo cáo một số nét cơ bản về hiện trạng hạ tầng logistics của thành phố

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp các ý kiến xây dựng, phát triển dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng và Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường nhấn mạnh, thành phố Hải Phòng rất quan tâm đến Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Logistics là lĩnh vực lớn nhưng tại Hải Phòng hiện đang bị chồng lấn nhiều vấn đề; quy mô còn nhỏ lẻ, cần có sự liên kết vùng để tạo ra giá trị lớn về quy mô; cần liên kết dịch vụ logistics thành hệ sinh thái, liên kết dữ liệu để hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra sản lượng dịch vụ lớn.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố đề xuất: trong Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 cần phân loại các loại quy mô khác nhau; tạo được liên kết diện rộng, liên kết vùng, liên kết quốc gia, cần tạo được đầu mối liên kết; về cơ chế, nguồn lực: đầu tư cho hạ tầng, phát triển dịch vụ, xây dựng nguồn nhân lực, đưa ra những cơ chế chính sách “mở”; về quản lý lĩnh vực: cần ban hành sớm những tiêu chuẩn, quy chuẩn, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị có thể chia sẻ dữ liệu với nhau giúp tạo nên sự liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển dịch vụ logistics.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng ban chỉ đạo Đề án ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu và sẽ tổng hợp để xem xét đưa vào Đề án.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông