Xử trí khi trẻ bị bỏng

17:42 04/10/2014

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mặc dù tỷ lệ tử vong do bỏng thấp nhưng di chứng như sẹo, giảm chức năng vận động, chấn động tâm lý… do bỏng gây ra cho trẻ và gia đình không phải là nhỏ.

Bác sỹ Vũ Văn Ngọ, Trưởng phòng Tổng hợp (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) cho biết nguyên nhân hàng đầu gây bỏng ở trẻ nhỏ là nước nóng. Các ca bỏng thường xảy ra tại nhà, ở bếp vào buổi sáng hoặc chập choạng tối do người lớn bất cẩn, vô ý để tác nhân gây bỏng như nước sôi, dầu ăn, cháo nóng, bàn ủi, hóa chất... trong tầm với của trẻ.

Trừ bỏng hoá chất, khi trẻ bị bỏng, bác sỹ Ngọ lưu ý các bậc phụ huynh việc đầu tiên phải làm là chặn đứng nguyên nhân gây ra bỏng càng sớm càng tốt. Sau đó nhanh chóng làm nguội vết thương bằng cách ngâm vết thương với thật nhiều nước lạnh, thậm chí ngâm cả người vào chậu nước từ 15 đến 25 phút hoặc cho đến khi cảm thấy hết đau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc rửa nước lạnh có công dụng làm vết bỏng không lan rộng, đồng thời làm vết bỏng nhỏ hơn và ít đau đớn hơn. Trong trường hợp y phục của trẻ bị dính chặt vào vết thương, đừng tự cố gỡ mà phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất nhờ đến bác sĩ.

Cũng theo bác sỹ Ngọ bỏng gây nhiều tốn kém, để lại di chứng nặng nề, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng nhưng nhiều phụ huynh xử trí ban đầu bằng cách đắp bùn non, bôi nước mắm, bôi giấm, kem đánh răng... Tuy nhiên điều đó không đúng bởi nó dễ làm vết bỏng nhiễm trùng.

Phương pháp tốt nhất, đơn giản và ít tốn kém nhất là ngâm vết thương vào nước lạnh cho đến hết đau rát do nóng, sau đó giữ vết bỏng sạch sẽ, đừng động chạm gì trong vòng 24 giờ. Nếu bỏng nhẹ độ 1 hoặc 2 thường được chăm sóc tại nhà, còn nếu bị bỏng nặng đến độ 3, mức độ tổn thương sâu cần đến ngay cơ sở y tế...

TRẦN VĂN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông