17:09 28/11/2016
Hiện nguồn nước ngọt tại sông Rế, sông Giá, kênh Hòn Ngọc, sông Chanh Dương và hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng do bị lấn chiếm và hứng đựng xả thải chưa qua xử lý từ rất nhiều nhà máy, khu công nghiệp, các bãi rác tạm, khu nuôi gia súc, gia cầm, nước thải sinh hoạt của nhân dân. Thực tế này khiến các cấp, ngành, cơ quan quản lý lo ngại, nhất là khi việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND TP về giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại hệ thống sông, kênh này đã được 3 năm. Những điều mắt thấy tai nghe Đi thực tế trên sông Rế cùng ông Nguyễn Văn Lương, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải, phóng viên báo ANHP đã chứng kiến hệ thống thủy lợi An Kim Hải đang bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm, xây nhà ở kiên cố ra sát mép sông. Nhiều công trình thủy lợi bị chia cắt, phá vỡ quy hoạch do sự phát triển của các khu công nghiệp và phát triển đô thị. Hàng ngày vẫn có hơn 100 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư xả thải trực tiếp vào lòng sông, đáng báo động là tình trạng ô nhiễm tại các khu vực thị trấn An Dương, khu Vĩnh Khê, xã An Đồng và hệ thống kênh Bắc Nam Hồng… Trong khi đó, thời gian qua, công ty đã cắm gần 400 cột mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước sông Rế; xây mới hàng chục cống đập điều tiết nước; nạo vét, đắp bờ, kè mái bờ hơn 4km trên tuyến sông.
Phó giám đốc Công ty TNHH MTV công trình thủy lợi Đa Độ, ông Đỗ Văn Trãi cho biết: Hệ thống thủy lợi Đa Độ có sông trục chính dài 48,6km; 370km kênh cấp 1, cấp 2 liên xã phường; 175 trạm bơm điện; 35km kênh hút trạm bơm, 214km kênh cứng, 79 cống dưới đê, 46km kênh cửa cống dưới đê. Ngay từ năm 2010, nhận thức việc bảo vệ nguồn nước thô trên dòng sông Đa Độ là cần thiết, công ty đã lắp đặt biển tuyên truyền “toàn dân chung tay bảo vệ công trình thủy lợi và bảo vệ nguồn nước sông Đa Độ” tại cầu Hòa Bình (quận Dương Kinh), cầu Vàng (huyện An Lão), cầu Đối (huyện Kiến Thụy); thành lập 2 đội quản lý tăng cường phối hợp cùng chính quyền các quận huyện giải tỏa cây cối, vật cản trong lòng sông, không để phát sinh các vi phạm lấn chiếm và các điểm xả thải vào hệ thống. Thế nhưng hiện trên hệ thống Đa Độ vẫn còn 72,5ha đất lấn chiếm lòng sông và có trên 120 doanh nghiệp, 50 làng nghề, 11 bệnh viện, 60 trung tâm y tế, 2 nghĩa trang... đang xả thải trực tiếp vào lòng sông, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước.
Gia đình ông Hoàng Văn Thắng, ở thị trấn Núi Đối, Kiến Thụy, là hộ được huyện cấp đất xây nhà tại ven sông Đa Độ từ năm 1978 với tiêu chí giãn dân của huyện. Ông cho biết, cảm thấy rất buồn vì Đa Độ là một dòng sông đẹp của thành phố nhưng nay không còn hệ sinh thái đa dạng như trước do nguồn nước bị ô nhiễm. Nhớ lại tuổi trẻ, tuổi thơ của các con mình, ông Thắng nuối tiếc: Trước đây, những ngày làm việc mệt mỏi trở về bên gia đình cùng các con bơi ra giữa lòng sông, uống nước trực tiếp mà không hề lo bị nhiễm độc. Những năm đó hệ sinh thái thủy sinh, các loài cá, tôm cua, ba ba, ốc, ếch… nhiều lắm. Đặc biệt loài ba ba, vào mùa sinh sản thường lên bờ ẩn mình dưới những đống cát đen, người dân có thể bắt được một cách dễ dàng. Nay loài rạm, ba ba, ếch… hầu như không còn nữa; một số loài cá, tôm không thấy xuất hiện tại đây. Ông Cao Văn Quý, Phó tổng giám đốc Cty cổ phần cấp nước Hải Phòng lo lắng: Theo kết quả phân tích của công ty và Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng, hiện chất lượng nước thô cung cấp cho các nhà máy sản xuất nước sạch đang trong tình trạng ô nhiễm kéo dài, các chỉ số thường vượt quá giới hạn cho phép…
Có thể nói, thực trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ, lấn chiếm lòng sông, tự ý khai hoang, xây dựng trang trại, gia trại… đã và đang làm “biến dạng” diện tích tự nhiên trên sông Đa Độ (đoạn khu Cầu Đen, khu Hồ Sen, Cẩm Xuân, xã Thanh Sơn, xã Minh Tân, xã Tân Phong - huyện Kiến Thụy) và trên sông Rế (đoạn từ cống Cái Tắt đến thị trấn An Dương). Tình trạng xả thải trực tiếp vào lòng sông từ các khu công nghiệp, cơ quan, bệnh viện, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư… đã và đang khiến cho nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố bị ô nhiễm ngày càng nặng, khó kiểm soát. Chung tay làm sạch sông Theo số liệu của các ngành chức năng, hệ thống sông Rế, sông Giá, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông huyện Tiên Lãng có tổng chiều dài 181km. Các hệ thống này có nhiệm vụ cung cấp nước tiêu thụ phục vụ sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất canh tác khoảng 105.000ha/năm; phòng chống úng lụt, hạn hán và phục vụ đời sống dân sinh nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố. Hệ thống này hàng năm cung cấp trên 70 triệu m3 nước thô cho Công ty cổ phần cấp nước Hải Phòng để sản xuất nước sạch phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời cung cấp nguồn nước thô cho nhiều nhà máy sản xuất nước nhỏ tại các địa bàn nông thôn Hải Phòng. Có thể nói, các công ty khai thác công trình thủy lợi chính là những đơn vị tiên phong thực hiện NQ 23/2013 NQ-HĐND ngày 12-12-2013 của HĐND TP về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng giai đoạn 2013-2020 thời gian qua. Đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, điều chỉnh quy hoạch tưới tiêu kết hợp với thoát nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt theo hướng không xả thải vào nguồn nước; tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động xả thải vào nguồn nước của các tổ chức, cá nhân; kịp thời ngăn chặn, phối hợp xử lý hàng trăm vụ việc vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tập trung xây dựng thí điểm mô hình quản lý, bảo vệ nguồn nước có sự tham gia của cộng đồng dân cư; cấp phép và hướng dẫn làm thủ tục cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi cho các cơ quan đơn vị; xây dựng chương trình kiểm soát ô nhiễm trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, có cơ chế phối hợp với các địa phương nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong các tổ chức, cộng đồng; nhiều vi phạm chưa được kịp thời phát hiện, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe; việc quy hoạch hệ thống các công trình thủy lợi, các tiểu vùng thu gom nước thải triển khai chậm; việc cắm mốc hành lang mới chỉ dừng lại ở một số tuyến sông. Bên cạnh đó, việc chậm bố trí kinh phí cho các chương trình, đề án, dự án cũng là một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị, sở, ngành gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 23/HĐND. Ông Nguyễn Văn Vi, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, cho biết: Những năm gần đây, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi trên hệ thống kênh Hòn Ngọc, sông Giá diễn ra khá phổ biến. Huyện mong muốn thành phố bố trí nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước; đồng thời kiến nghị thành phố sớm lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát chất lượng nguồn nước tại sông Giá, kênh Hòn Ngọc, từ đó huyện có biện pháp kiểm soát chất lượng nguồn nước tại các khu vực trên. Nghị quyết 23/HĐND chính là sự hoạch định chiến lược về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt thành phố giai đoạn 2013-2020. Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường cần thể hiện vai trò là đơn vị chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan cùng các địa phương có nguồn nước ngọt của thành phố đi qua và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước; kiên quyết chặn đứng các nguy cơ gây suy thoái, ô nhiễm nguồn nước; đơn giản hóa các thủ tục hành chính cấp phép xả thải. Đó là vì sự an toàn của các dòng sông! Thủy Chung |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết