Bảo hiểm xã hội thành phố: Trao xuân yêu thương

09:19 10/02/2019

Xuân này trong ngôi nhà nhỏ, nép mình trên phố Hạ Lý, có 3 mẹ con, bà cháu đang tràn ngập niềm vui, hạnh phúc đến bất ngờ mà có lẽ cả đời chưa bao giờ họ hình dung được…

Chị Cao Thị Bích Thủy đón nhận niềm vui, hạnh phúc bất ngờ mà cơ quan Bảo hiểm xã hội đã đem đến

1. Đến ngõ 40 Hạ Lý hỏi bà Đào Thị Phinh, ai ai ở đây cũng biết với nỗi niềm hết mức cảm thương…

Hồi trẻ, bà Phinh hẳn là người có sắc. Dáng mảnh dẻ, đôi mắt to thoáng cười đó mà chợt buồn ngay được. Cái cách nói chuyện xởi lởi có duyên khiến người đối diện rất dễ bị lôi cuốn. “Chính tính mau mồm mau miệng này mà ông nhà tôi thường lấy cớ để ghen tuông, hoạnh họe. Quanh năm suốt tháng chỉ được mặc bảo hộ lao động” - bà Phinh cười tâm sự.

“Có với nhau 1 trai 1 gái, tưởng hạnh phúc thế là đã đủ đầy nhưng ai ngờ ông trời trái ngang. Cả hai đứa sinh ra có lớn mà không có khôn, ngây ngô khờ khạo suốt” - Câu chuyện đang vui bỗng dưng chùng lại. Bà Phinh cởi lòng: “Ghen đủ lối. Vậy mà khi con ra đời, chính ông ấy lại là người cám cảnh gia đình mà bỏ mẹ con tôi”.

Nỗi buồn bị phụ bạc chưa vơi thì tai ương khác lại ập đến khi bụng chị Cao Thị Bích Thủy, con gái bà Phinh ngày càng lùm lùm. Gạn hỏi ai gây ra cũng chỉ ú ớ, lúc thì chỉ vào xóm vạn chài, lúc lại lắc đầu quầy quậy không biết. Sau khi sinh con, sức khỏe Thủy sa sút nghiêm trọng. Bà Phinh gồng mình vừa chăm con, vừa chăm cháu. Nhiều lúc nhìn cháu đỏ hỏn khát sữa khóc tím cả người mà mẹ thì thủng thẳng bỏ đi đâu không biết, bà Phin vừa ôm cháu vừa thắt ruột ngóng ra ngoài lo không biết con đi đâu, nhỡ lại xảy ra cơ sự một lần nữa”…

Cũng có đôi lần, mệt mỏi với nghịch cảnh, bà Phinh đã muốn buông bỏ tất cả. Vừa lủi thủi đi dọc phố bà vừa lau nước mắt nhưng rồi lại không đành lòng trước cảnh cháu thơ, con dại. Nỗi thống khổ cứ đeo đẳng, nặng trĩu trên đôi vai gầy guộc của người đàn bà suốt đời lam lũ trong căn nhà cũ nát với bức tường bong tróc loang lổ mà mỗi khi mưa đến phải xắn quần qua đầu gối mà lội…

2. Trong khó khăn mới tỏ lòng người. Chính bà con xóm giềng của cái xóm lao động nghèo ấy đã trọn vẹn nghĩa tình của đạo lý “lá lành đùm lá rách”. Cháu Mỹ Anh con chị Thủy từ lúc chào đời cho đến tận bây giờ, người cân đường hộp sữa, người tấm áo manh quần, rồi bỉm, rồi giày dép... Nó hệt như cây non yếu ớt lớn dần lên trong tình yêu thương của bà và sự quan tâm, đùm bọc của cộng đồng.

Đâu chỉ có vậy, cách đây 9 năm, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, căn nhà nhỏ xíu, lụp xụp ấy đã được hỗ trợ kinh phí cải tạo sửa chữa. “Phải trải qua những bữa cơm mà nước mưa trên mái dội xuống mâm tong tong mới hiểu được nỗi sung sướng cô ạ. Nếu ông trời thương cho con cho cháu được bình yên, cho tôi có sức khỏe để ngày ngày đi nhặt ve chai thì chẳng còn mong gì hơn. Chỉ sợ”…

Nói đến đây bà Phinh vội ngừng lại ngay như sợ lỡ buột miệng. Đã ngoài 60, sức khỏe ngày càng xuống dốc, bà càng lo khi con gái gần 40 mà vẫn ngây ngô, hồn nhiên như cây cỏ. Mỹ Anh thể trạng yếu ớt, không có chỗ dựa của cha. Đã thế người bác trai trí óc cũng chẳng minh mẫn cứ tháng tháng vài lần đến nhà quậy khiến bé gái cứ rụt rè, khép nép, tự co mình như con ốc nhỏ đầy tự ti, mặc cảm...

Nỗi day dứt về tương lai của con, của cháu không chỉ bám riết trong những đêm mất ngủ của bà Phinh mà còn đeo đuổi tâm trí những thành viên đoàn cán bộ cơ quan BHXH quận Hồng Bàng sau chuyến tặng quà cho bé. Trên đường về, Phó Giám đốc - chị Phạm Thị Ngọc Minh cứ trăn trở mãi: “Hoàn cảnh chị Thủy tội nghiệp quá. Cần phải đề xuất ngay với BHXH thành phố vì mục tiêu chính của ngành là hướng tới bảo đảm an sinh xã hội”.

Và thế rồi vào một chiều cuối năm 2018, chuông điện thoại chúng tôi reo vang, đầu dây bên kia háo hức: “Các chị ơi, đi cùng chúng tôi xuống nhà Mỹ Anh. Đã có sổ BHXH tặng chị Thủy. BHXH quận đã vận động được gần 20 triệu từ sự ủng hộ của lãnh đạo phụ trách ngành cùng anh em trong đơn vị và các nhà hảo tâm. Với số tiền này, chị Thủy sẽ được hưởng 5 năm BHXH tự nguyện. 15 năm nữa sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ sau để chị ấy có sổ hưu và được lĩnh lương hưu hàng tháng”.

Cầm quyển sổ BHXH được cộng đồng chung tay đóng góp trao tặng con gái, bình thường hoạt ngôn là vậy mà giờ bà Phinh xúc động không nói lên lời. Ấp chặt vào ngực, bà nghẹn ngào: “Quý lắm, quý lắm! Tôi phải hơn 30 năm làm công nhân đóng tàu mới có được cuốn sổ hưu. Vậy mà cháu nó được thế này, tôi biết cảm ơn sao đây? Thật có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến!”...

3. Chia sẻ với chúng tôi, Quyền Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Thị Lộc cho biết: “Bên cạnh chuyên môn thì an sinh xã hội cũng là một trong những hoạt động mà chúng tôi tích cực hướng tới. Đã có rất nhiều việc làm thiện nguyện nhưng đây là trường hợp đầu tiên chúng tôi đã thành công bước đầu trong bảo đảm sinh kế lâu dài cho một trường hợp khó khăn đặc biệt. Chặng đường cho chị Thủy mới đi được 1/4. Tuy  nhiên, chúng tôi tin rằng sẽ nhận được sự đồng hành, ủng hộ tích cực của các đơn vị và nhà hảo tâm trong thời gian tới”.

Chia tay gia đình nhỏ ra về, điều lắng lại trong chúng tôi là ánh nhìn đầy tình cảm của chị Thủy, nụ cười tươi bẽn lẽn của bé Mỹ Anh, là đôi mắt ngân ngấn nước xúc động của bà Phinh khi nỗi lo đau đáu ngày đêm đã dần có lối mở.

Trong dòng chảy hối hả cuối năm, việc làm đầy ý nghĩa nhân văn của cơ quan BHXH quận Hồng Bàng và BHXH thành phố đã thắp sáng nụ cười rạng rỡ trên môi bà cháu Mỹ Anh. Nụ cười ấy với trăm ngàn nụ cười hạnh phúc khác đang được các tổ chức, cá nhân trên mọi miền tổ quốc thắp lên cho những mảnh đời bất hạnh qua những hoạt động thiện nguyện, trao gửi trọn vẹn xuân yêu thương ấm áp nghĩa tình.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông