Bất ổn thị trường – Người dân cần bình tĩnh

13:04 07/03/2020

Liên quan đến thông tin bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam được xác định nhiễm Virus Covid-19 có bố đẻ ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), ngày 7-3 thị trường thực phẩm ở Hải Phòng rơi vào vòng xoáy tâm lý, khi nhiều mặt hàng thuộc nhóm thiết yếu bị quét vét, tạo không khí có phần náo loạn.

Các kho hàng "bung cửa" chuyển mỳ ăn liền ra thị trường

          Ngay từ sáng ngày 7-3, hầu hết các đầu mối mua bán bao gồm cả hệ thống các siêu thị và chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đã rất náo nhiệt. Người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ trước tin báo về nạn nhân Covid-19. “Người đàn ông Thủy Nguyên” có lẽ là cụm từ được người dân nhắc đến nhiều nhất, được xem là tác nhân khuấy đảo thị trường.

          Tại các siêu thị, người dân tập trung mua nhiều nhất là các loại thực phẩm chế biến, từ mỳ tôm, bánh phở, sữa tươi, xúc xích, dầu ăn… cho đến các loại sơ chế như gạo, mỳ, muối, thịt cá đóng gói, hàng đông lạnh, bánh mỳ, bánh bao, trứng… Chị Nguyễn Thị L. – một người dân ở đường Hàng Kênh (Lê Chân) cho biết: “Tôi vào siêu thị mua tầm 9h sáng nhưng không còn mỳ tôm, may còn kịp mua được hai thùng bánh phở và bánh đa đóng gói sẵn”.

Gạo cũng thành mặt hàng "gây sốt"

          Còn chị Hoàng thị H.- một chủ cửa hàng bán đồ tạp phẩm ở ngõ Nam Pháp (quận Ngô Quyền) chia sẻ, từ sáng sớm chủ đại lý vẫn cung cấp hàng cho chị ở đường Lạnh Tray gọi điện vào, báo đem hết hàng tồn mỳ tôm, mỳ gói các loại, rồi cả mỳ chính, bột canh, dầu ăn… để đại lý tiêu thụ hộ. Chính vì vậy, khi người dân khu vực phát sinh nhu cầu ra hỏi, chị H. không còn hàng để bán.

          Tại chợ đầu mối Cầu Rào, nơi cung cấp một lượng lớn rau củ quả các loại cho thị trường nội thành, không khí mua bán cao điểm tập trung vào các loại củ quả như bí đao, khoai tây, bắp cải, cà rốt, cà chua, dưa chuột… là những loại rau có thể bảo quản được lâu. Trong khi đó, các quầy thịt lợn, thịt bò cũng hết hàng từ trước đó khá lâu.

Hình ảnh mua bán tại một đại lý thực phẩm chế biến

          Tương tự tại chợ An Đà, tầm khoảng 9h sáng đã cơ bản không còn kg thịt lợn nào, phần lớn số được bày trên quầy chỉ là xương cục và thịt bèo nhèo. Còn lại một số quầy nhỏ lẻ bày bán gà tây, vịt làm sẵn, chưa bị quét vét vì theo người dân thì “nghe nói đang có dịch gia cầm”. Trong khi đó, các sạp bán thủy sản cũng không có hàng để bán, loại cá to như vược, trắm cỏ, trắm đen vài kg/con mọi ngày phải cắt bán khúc, thì nay được mua nguyên con.

Cảnh tượng đông nghẹt khách hàng tại siêu thị

          Điều đáng nói là, theo phản ánh của các tiểu thương, vì sự việc diễn biến quá nhanh, nguồn cầu vượt quá nguồn nên hầu hết không có biến động mạnh về giá. Chẳng hạn như mỳ tôm, theo chia sẻ của một chủ đại lý thì cửa hàng mới “kịp” tăng giá bình quân 10.000 đồng/thùng 30 gói, tương ứng với mức tăng khoảng 10%. Giá thịt lợn cũng vẫn được bán bình quân 150.000 đồng/kg, riêng thủy sản tăng khá mạnh với mức từ 20% đến 35% tùy theo từng loại.

          Trước sức tăng của nhóm hàng thủy sản, nhiều người tranh thủ vào siêu thị lấy cá đông lạnh ra bày bán kiếm lời. Khảo sát cho thấy, các loại cá trích, đối… nhập khẩu từ Nhật Bản, bán trong siêu thị BigC từ 29.000 đồng trở lên/kg được đem ra chợ truyền thống bán cao hơn ít nhất 1,5 lần. Tuy nhiên như đã nói ở trên, sự náo loạn chỉ tập trung vào một vài nhóm thực phẩm có thể để tích trữ dài hạn, còn như rau xanh có lá, cơ bản giữ nguyên sự bình ổn như mọi ngày.

Người dân chen nhau mua  thực phẩm thiết yếu

          Vấn đề đáng lưu tâm, hầu hết những người tiêu dùng được hỏi đều rất lơ mơ về mục đích, như trường hợp chị Nguyễn Thị L. nêu trên là một ví dụ. “Em không biết, thấy bảo cái ông Thủy Nguyên đem dịch về Hải Phòng, người ta mua thì em cũng mua”- Chị L nói. Nhưng khi được hỏi tiếp: “Vậy mấy thùng mỳ gia đình chị sẽ dùng được mấy ngày?”, Chị L. tửng tưng nói: “Ăn mãi mỳ làm sao được hả anh, mai em vẫn đi làm, về đi chợ mua thức ăn bình thường mà…”.

          Rõ ràng, hiện tượng trên cho thấy đây là ảnh hưởng tâm lý từ tin hoang báo, mà nguyên nhân hết sức đơn giản, nếu không nói là chuyện tầm phào. Mặc dù việc người dân đổ xô đi tích trữ thực phẩm từng nhiều lần diễn ra trên địa bàn thành phố, nhưng đó là trước những cơn bão có nguy cơ đổ vào Hải Phòng. Còn nay, hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường, chưa có chuyện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, người dân vẫn đi làm, thì việc tích trữ một lượng nhỏ thực phẩm khó được coi là “kế sách lâu dài”.

          Nhưng điều quan trọn nhất, nguyên nhân chính là do “người đàn ông Thủy Nguyên” cũng đã được công khai thông tin trên các báo chính thống. Cụ thể sau khi bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 tại Hà Nội được công bố, Hải Phòng tiếp nhận một ca nghi nhiễm tên là N.K.T (Thủy Nguyên, Hải Phòng) từ Hà Nội trở về. Ông N.K.T là bố đẻ của N.H.N – người bị dương tính với COVID-19 (125 Trúc Bạch, Hà Nội) và có tiếp xúc gần với con gái mình.

Những trường hợp từng tiếp xúc gần với ông N.K.T cũng đã được xác định. Ngành y tế đã khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiệp vụ, tổ chức cách ly, theo dõi. Việc khử khuẩn nơi ở của ông N.K.T được Trung tâm Y tế dự phòng thành phố phối hợp Trung tâm y tế huyện Thủy Nguyên triển khai.

Như vậy, tính đến thời điểm này trên địa bàn thành phố chưa có ca nhiễm Covid-19 nào. Cần phải thấy rằng, trước đó thành phố đã có 52/52 người nghi nhiễm được theo dõi đã có kết quả âm tính. Cho thấy bản chất vấn đề không khác, nhưng chuyện “người đàn ông Thủy Nguyên” tạo ra cơn sóng thị trường quả thật rất đáng tiếc.

Mong rằng người dân hết sức bình tình trước những tin hoang báo, cần tin tưởng vào công cuộc phòng chống dịch mà các cấp chính quyền đang quyết liệt triển khai. Vẫn biết sự thận trọng là cần thiết, nhưng hay danh thời gian phân tích đúng thông tin, trước khi hùa theo những hành động gây bất ổn cộng đồng.

Lê Minh Thắng - Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông