00:58 27/11/2014
Một chiếc xe đạp cũ, 1 triệu đồng ít ỏi trong túi và vài thứ vật dụng cần thiết là tất cả những gì mà Trần Việt Anh, một chàng trai nhỏ nhắn sinh năm 1991, lựa chọn mang theo trên những cung đường. Và rồi cậu - một kẻ độc hành của thành phố Cảng, trong vòng 2 tháng đã đạp xe lang thang đi khắp 18 tỉnh miền Bắc cho thỏa chí tang bồng, cùng ước nguyện ráp nối những tấm lòng hảo tâm và những hoàn cảnh khó khăn lại với nhau. Khi bài báo này đến với người đọc thì kẻ độc hành ấy vẫn đang rong ruổi đạp xe trên quốc lộ 1A, tiếp tục chuyến đi đến các tỉnh phía Nam… Xe đạp cũ – 1 triệu đồng – hàng nghìn km Gặp Việt Anh những ngày cậu về đến Hải Phòng sau hành trình phía Bắc, vẫn nụ cười hiền lành, dễ mến đó, dù làn da có vẻ ngăm đen hơn, khuôn mặt gầy hơn đôi chút. Việt Anh có một chuyến nghỉ ngắn ngày trước khi “vác” xe đạp chinh phục nốt chặng đường phía Nam. Xe đạp là niềm đam mê từ nhỏ của Việt Anh, cùng với thần tượng Lance Armstrong nổi tiếng. Thêm vào đó, trong một lần đi du lịch, Việt Anh gặp một đôi bạn trẻ đi “phượt” bằng xe đạp. Vậy là ý định đạp xe xuyên Việt nảy sinh với một kẻ vốn đã “được” hoặc “bị” bạn bè gắn cho cái mác “hâm”. 8h sáng ngày 15-8, Việt Anh bắt đầu cuộc hành trình tại Hà Nội. Hành trang gắn bó với cậu, ngoài chiếc xe đạp cũ là hơn 1 triệu tiền tiết kiệm, laptop, máy ảnh, vài ba bộ quần áo, sách, dụng cụ sửa xe, lương khô… Tất cả nặng đến hơn 40 kg. Việt Anh chia sẻ: Từ lúc nảy ra ý tưởng đến khi thực hiện, cậu mất 6 tháng chuẩn bị.
Trước hành trình dài ngày, Việt Anh đã bỏ ra hàng tháng trời để tập thể thao rèn luyện sức khỏe. Cậu cũng bỏ dở công việc ổn định đang làm hiện tại để thực hiện “ước mơ tuổi 24 của mình”. Chỉ 5 ngày trước khi lên đường, Việt Anh mới gọi điện về Hải Phòng thông báo cho bố mẹ biết. Dù bất ngờ khi bị đặt vào tình thế “sự đã rồi” nhưng hai người vẫn tôn trọng quyết định táo bạo ấy và luôn dõi theo từng chặng đường của con. Đi được những cây số đầu tiên, Việt Anh mới bắt đầu thấy hồi hộp, lo lắng nhưng cái háo hức, nhiệt tình tuổi trẻ đã cuốn trôi đi tất cả. Những ngày đầu tiên, do chưa quen xe và quen đạp xe đường dài nên cậu gặp khá nhiều rắc rối. Số tiền mang theo phần lớn được dành cho việc sửa xe. Để duy trì chuyến đi dài ngày, Việt Anh thực hiện phương châm: ăn lương khô– xin ngủ nhờ. Đến đâu, cậu cũng ở nhờ qua đêm, hạn chế tối đa việc ngủ nhà trọ và những bữa cơm ngon lành. Cũng bởi một lý do hết sức đơn giản, Việt Anh muốn được hòa mình và trải nghiệm cuộc sống thực sự của người dân nơi đó. Tối 19-10, Việt Anh về đến Hải Phòng, vừa kịp tặng hoa mẹ vào ngày hôm sau (20-10). Nhìn con trai trở về sau chuyến hành trình đặc biệt, bố mẹ cậu khá “xót” con, tuy vậy hai người vẫn luôn ủng hộ và tự hào về cậu. “Cứ đi là đến. Cứ gõ là cửa sẽ mở” Đó là “câu thần chú” mà một thầy giáo tặng Việt Anh trước khi lên đường. Mỗi nơi cậu đặt chân đến đều may mắn gặp được những con người tốt bụng. Họ nhiệt tình giúp đỡ chàng trai trẻ đơn độc mà không nề hà, cùng chia sẻ với cậu bữa cơm đạm bạc, cái chăn bông ấm áp. “Đợt đó, mình đến bản của người Mông ở xã Sủng Là, Hà Giang. Thật không may vì hôm đó gần như cả bản đi đám ma, cả trưởng bản cũng đi. Trời thì tối và lạnh nhưng mình không xin ngủ nhờ được nhà nào vì không có trưởng bản, họ không dám quyết định.
May sao, lúc đó em trai trưởng bản có ở nhà. Anh đã cho mình ở nhờ và còn mời mình ăn cơm cùng gia đình. Tối đó, chính tay anh đã may chăn cho mình đắp và còn nhường chỗ con trai anh hay ngủ cho mình nằm” - Việt Anh kể. Cái cảm giác giữa đêm tối đơn độc, có người chìa bàn tay ra giúp đỡ khiến Việt Anh thấy đáng quý vô cùng. Rồi bữa cơm đặc biệt với một gia đình người Thái ở Điện Biên, chỉ có toàn đàn bà con gái ở nhà cũng để lại ấn tượng khó quên với cậu, một kẻ lữ hành từ nơi xa. Nắm xôi nếp vàng thơm phức, nóng hổi và con cá rô nướng ngon lành trong bữa sáng họ tặng cậu trước khi lên đường với ý nghĩa chúc người đi xa may mắn cũng khiến chàng trai trẻ ấm lòng. Mỗi nơi đặt chân đến, Việt Anh không quên chụp lại những tấm hình về đất và người nơi đó. Việt Anh chia sẻ cậu đã giữ trọn cảm giác háo hức, hồi hộp từ lúc chụp cho đến ngày in ra những bức ảnh và gửi cho những nhân vật trong ảnh và cho rằng ở một góc độ nào đó thì ảnh cậu chụp xấu nhưng nhân vật thì vô cùng đẹp. Và với Việt Anh, đó là những bức hình tuyệt vời nhất mà cậu từng chụp được, khi cậu và họ nói chung một thứ ngôn ngữ, là tình yêu. Những câu chuyện của Việt Anh ngắn gọn, giản dị nhưng ẩn chứa trong đó là sự biết ơn sâu sắc, là niềm tin mạnh mẽ vào những điều tốt đẹp còn tồn tại trên đời của chàng trai trẻ vừa bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời. Để rồi hành trình 18 tỉnh phía Bắc ấy đã giúp cậu trưởng thành hơn rất nhiều, biết “cho đi là nhận lại” và định hướng rõ hơn con đường sẽ đi trong tương lai. Bài học từ chiếc xe đạp Chiếc xe đạp đồng hành cùng Việt Anh là do một người bạn tặng lại, đã theo chủ nhân cũ một chặng đường dài từ miền Tây ra Bắc. “Chiếc xe đã dạy mình bài học về tính kiên trì. Đạp xe để rèn luyện sức khỏe, nâng cao tinh thần. Rong ruổi cùng xe đạp, mình cảm nhận được nhiều điều về cuộc sống và khám phá ra được khả năng thích nghi của bản thân tới đâu” - Việt Anh nói. Có lẽ với cậu, hành trình các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc là hành trình khó khăn và vất vả nhất. Đó không chỉ là trở ngại về địa hình đồi núi, thời tiết thất thường mà còn là cái cảm giác mệt mỏi, “cô đơn kinh khủng” khi đạp xe một mình hay khi nhiều lần cậu bị từ chối cho ngủ nhờ. Không biết bao lần Việt Anh phải làm thầy thuốc “bất đắc dĩ” cho bản thân khi bị ốm, bị cảm đột xuất trên đèo, hay những lần thất vọng khi đạp xe qua 2 xã, từ chiều tới tối mịt mới nhận được sự trợ giúp.
Khi leo đèo Pha Đin, Việt Anh trong tình trạnh hết sạch nước và đồ ăn. Giữa con đèo vắng tanh, chỉ có một mình khiến chàng trai trẻ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, cô đơn và bắt đầu chán nản. Sau gần 5 tiếng đồng hồ “chiến đấu” với bản thân, 11h trưa cậu mới lên đến đỉnh đèo. Mừng rỡ khi chinh phục được con đèo đầu tiên – con đèo khó “nhằn” nhất trong hành trình đã giúp Việt Anh lấy lại tinh thần, không còn sợ khi đi đường đèo nữa. Cũng không ít lần, Việt Anh phải dắt bộ lên đèo. Đáng nhớ nhất phải là con đèo Ô Qui Hồ dài hơn 30 km, mà hầu hết đều là dốc lên. Cậu phải dắt bộ từ sáng tới tối mới lên đến nơi. Những gian khổ đó giúp Việt Anh rèn luyện ý chí kiên trì, không ngại khó. Khi nói về hành trình này, Việt Anh tâm sự: “Chuyến đi dài ngày đã đem lại cho mình nhiều người bạn mới thú vị và nó cũng giúp mình nhận ra còn nhiều số phận cần được giúp đỡ”. Chuyến đạp xe xuyên Việt của Việt Anh là sợi dây kết nối, đưa những người có tấm lòng hảo tâm đến với những đứa trẻ vùng cao nghèo khổ. Cậu đã giúp cô bé người Thái có chiếc xe đạp mới đến trường hay đơn giản là ghi lại những địa chỉ cần giúp đỡ để chuyển tới những mạnh thường quân sẵn lòng làm việc ấy. “Xin gửi cho những nơi tôi đi qua một chút hơi ấm, trong những ngày giá rét. Một chén cơm trắng không vơi, trong những tháng không phải ngày mùa. Gửi cho em thơ manh áo ấm, dù cũ – rách chỉ – sờn vai. Cho em được tới trường…Gửi những điều tốt lành nhất dành cho những đứa trẻ vùng cao thơ ngây trên đất nước này.” – những dòng tâm sự xúc động mà Việt Anh chia sẻ trên trang cá nhân về việc làm của mình. Cứ thế đạp xe đi qua 63 tỉnh thành với ước nguyện từ trái tim, Việt Anh mong sẽ tạo ra những điều ý nghĩa dành tặng trẻ em nghèo ở xã Tân Xuân, huyện Mộc Châu và 6 tỉnh vùng biên giới phía Bắc trong cát Tết sắp tới. Tiếp tục hành trình đã được 1 tháng sau ngày trở về Hải Phòng, có lẽ giờ này, Việt Anh cùng chiếc xe đạp yêu quý đang lang thang ở một tỉnh miền Trung nào đó. Chưa bao giờ coi việc làm của mình là một kì tích hay gì to tát cả, hiện giờ cậu chỉ coi nó như một dự án đã hoàn thành được hơn một nửa chặng đường. Hi vọng rằng, hành trình của Việt Anh sẽ kết thúc suôn sẻ và tốt đẹp tại mũi Cà Mau, để tạo động lực cho chàng trai trẻ chinh phục những “dự án” lớn hơn của cuộc đời. Minh Hương - Huyền Trâm |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết