17:05 20/11/2019 Trong những ngày giữa tháng 11 vừa qua, Tổng Cục môi trường-Bộ Tài nguyên Môi trường liên tiếp thông tin và cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao tại một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ, Hà Tĩnh…
Quan trắc hàm lượng bụi tại một số tuyến đường Hải Phòng
Đơn cử, từ ngày 10 đến 12-11, theo số liệu quan trắc, nồng độ bụi mịn PM 2.5 tại nhiều khu vực tại thủ đô đều vượt ngưỡng cho phép và tăng mạnh so với cùng kỳ những năm trước.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học thì cùng với các nguyên nhân phát sinh bụi, tiếng ồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, giao thông… thì còn có thêm yếu tố về giao mùa.
Do nhiệt độ giữa sáng sớm và buổi trưa chênh lệch dẫn đến việc đối lưu không khí chậm, chất ô nhiễm không thoát đi được mà luẩn quẩn ở tầng không khí thấp, làm gia tăng ô nhiễm và hậu quả là con người phải hứng chịu.
Các cơ quan chuyên môn cũng đưa ra cảnh báo chất lượng không khí ở một số khu vực ở ngưỡng màu tím-tức là mức nguy hại, thậm chí là xấp xỉ màu nâu- tức là ở mức cao nhất, báo động.
Trước tình hình trên, nhiều người dân đã tự trang bị phòng ngừa bằng cách mua, sử dụng khẩu trang đặc biệt có giá vài trăm nghìn tới gần triệu đồng để phòng tránh ô nhiễm, rồi cho con nghỉ học, người già thì không đi tập thể thao ngoài trời…
Bụi mờ mịt bầu trời Hà Nội vào ngày ô nhiễm cao điểm
Tại Hải Phòng, tính đến tháng 11-2019, Trung tâm quan trắc môi trường-Sở Tài nguyên Môi trường đã tiến hành quan trắc được 5/6 đợt quan trắc môi trường không khí xung quanh thành phố.
Kết quả cho thấy, chất lượng không khí tại các khu vực làng nghề, khu vực công nghiệp, bãi rác và các điểm giao thông trung tâm trên địa bàn thành phố có dấu hiệu ô nhiễm về hàm lượng bụi lơ lửng, tiếng ồn. Còn đối với các thông số là các khí độc hại như SO, SO2, NO2 đều nằm trong ngưỡng an toàn.
Cụ thể là khu vực xã Lại Xuân, làng nghề Mỹ Đồng, thị trấn Minh Đức-huyện Thuỷ Nguyên 100% số lần quan trắc thì hàm lượng bụi lơ lửng đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 2,2 lần. Tại khu vực ngã ba Đình Vũ, bụi lơ lửng và tiếng ồn cũng vượt quy chuẩn cho phép từ 1,1 đến hơn 3 lần quy chuẩn cho phép.
Khu vực cổng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam có 93,3% số lần quan trắc bụi lơ lửng không đạt quy chuẩn cho phép với mức từ 1,02 đến 1,06 lần; tại ngã tư Tôn Đức Thắng-Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn-Trần Nhân Tông thì tỷ lệ số lần quan trắc vượt quy chuẩn cho phép là 100% với mức cao hơn là từ 1,03 đến 1,7 lần.
Người dân thủ đô trang bị khẩu trang đặc biệt để đối phó với ô nhiễm không khí những ngày qua
Cũng theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thì so với năm 2018, dấu hiệu ô nhiễm bụi tại các nút giao thông có chiều hướng gia tăng và đây cũng là thực trạng của làng nghề đúc Mỹ Đồng, khu vực khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng. Hàm lượng bụi lơ lửng hay còn gọi là bụi tổng thường phát sinh từ hoạt động xây dựng và giao thông.
Trong bối cảnh hiện nay khi thành phố đang triển khai rất nhiều dự án phát triển hạ tầng như cầu, đường, rồi các công trình trọng điểm phát triển kinh tế, xã hội thì việc phát sinh bụi nói trên là điều khó tránh. Vấn đề đặt ra là yêu cầu các nhà thầu thực hiện các biện pháp về che chắn, phun nước để hạn chế lượng bụi thoát ra ngoài, tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Cũng qua kết quả quan trắc thì chất lượng không khí tại một số khu vực ảnh hưởng của các khu công nghiệp, bãi rác chưa có dấu hiệu ô nhiễm.
Tuy vậy theo ông Đàm Văn Quỳnh-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm quan trắc môi trường thì để đưa ra những cảnh báo tới người dân thành phố về các thành phần môi trường nói chung và chất lượng không khí nói riêng, rất cần hệ thống quan trắc tự động đảm bảo cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác các thông số liên quan.
Trên thực tế, tổ chức Y tế thế giới-WHO đã khuyến cáo: Hơn 95% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm và ô nhiễm môi trường đang là nguyên nhân gây tử vong cao đứng thứ 4, sau cao huyết áp, suy dinh dưỡng và hút thuốc lá.
Khu vực châu Á, Trung Quốc, Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu danh sách ô nhiễm môi trường. Ở Việt Nam, đó là hai thành phố lớn Hà Nội, TP HCM, lượng bụi tổng đang liên tục tăng cao ở mức báo động.
Kết quả quan trắc không khí tại Hải Phòng năm 2019 cho thấy, hàm lượng bụi tổng có dấu hiệu ô nhiễm, chuyện không thể xem thường.
Kim Oanh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết