Chuyên án hình sự và những trận đánh nơi đầu sóng

16:51 12/07/2012

Trao đổi với chúng tôi, thiếu tá Bùi Quốc Dân - Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp Phòng cảnh sát điều tra tội phạm hình sự (PC45) - CATP cho biết: Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, đơn vị đã xác lập, khám phá 53 chuyên án, triệt xóa 75 ổ nhóm, bắt 531 đối tượng; thu giữ 28 khẩu súng các loại, 3 lựu đạn cùng hàng trăm viên đạn, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ...
Trao đổi với chúng tôi, thiếu tá Bùi Quốc Dân - Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp Phòng cảnh sát điều tra tội phạm hình sự (PC45) - CATP cho biết: Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, đơn vị đã xác lập, khám phá 53 chuyên án, triệt xóa 75 ổ nhóm, bắt 531 đối tượng; thu giữ 28 khẩu súng các loại, 3 lựu đạn cùng hàng trăm viên đạn, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ...

Các chiến sỹ đội 9 phòng PC45 họp án
Các chiến sỹ đội 9 phòng PC45 họp án

Nhớ lại giáp tết Kỷ Sửu (7-1-2009), Long “tuýp” bị bắn chết giữa phố làm chấn động dư luận thành phố. Vụ án được xác định có việc trả thù giữa các đối tượng hình sự, lãnh đạo Phòng PC45 đã đề xuất Giám đốc CATP xác lập chuyên án 109G với mục tiêu: Giải quyết nhanh vụ án, bắt gọn đối tượng, sớm ổn định tình hình ANTT thành phố. Trinh sát hình sự được tung vào cuộc và nhanh chóng xác định thủ phạm là nhóm tội phạm do Xuân “điên” (Trần Phú Xuân, còn gọi là Xuân “đàn ông”) cầm đầu. Để tránh sự truy lùng của cơ quan điều tra, chúng liên tục di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Nhận tin chúng đang ở Móng Cái, trinh sát ra đến nơi thì chúng đã bắt xe nhảy vào Nam; đến miền Trung thì nghe tin chúng đang trên đường ra Bắc. Những ngày này, miền Bắc đang hứng chịu một đợt rét kinh khủng.

Trung tá - đội trưởng đội 9 - Phòng PC45 - Nguyễn Sinh Viên nhớ lại suốt 10 ngày anh cùng đồng đội lần theo dấu vết đối tượng bằng cả ô tô và xe máy. Cuộc “đuổi hình bắt bóng” tưởng có lúc hụt hơi, nhưng với tinh thần liên tục tấn công tội phạm, đến đêm 16-1-2009, trinh sát đã bắt gọn Xuân và 3 tên đồng bọn tại TP.Vinh, Nghệ An. Đây có thể coi là một trận đánh để đời của những người đã tham gia chuyên án, khi họ phải chịu rất nhiều áp lực từ công việc đến dư luận, về chặng đường truân chuyên vượt qua hàng nghìn cây số trong tình cảnh khắc nghiệt của thời tiết khí hậu, của gian nan khi “xảy nhà…”. Bởi vậy, không ai khác, chính lính hình sự là người thấu hiểu hết giá trị của mỗi ngày bình yên, lòng luôn nhủ thầm: Hôm nay cố nhé, đừng xảy ra việc gì xấu! Thế nhưng, cuộc sống muôn hình vạn trạng, dù ở nội đô, hay ở miền quê yên tĩnh, vẫn còn đó lẩn khuất cái ác, để rồi đất bằng lại dậy sóng.

Nhắc lại chuyên án 221G được xác lập ngày 21-2-2011, trinh sát của đội 9 Phòng PC45 kể: Lúc đầu vụ án tưởng như mờ mịt. Bởi nào ai có ngờ, chỉ do mâu thuẫn gia đình, Nguyễn Thị Quyến (sinh 1965, ở Kim Thành, Hải Dương) và con rể sau khi thuê 2 sát thủ bắn chết chồng là anh Nguyễn Đăng Thụy (sinh 1965) tại khu vực Cống Sến, đường 208 thuộc thôn 5, xã Bắc Sơn, huyện An Dương, Hải Phòng… vẫn có thể “hồn nhiên” khóc lóc xót thương chồng như thật. Chị ta vào vai quá hoàn hảo khiến trinh sát không mảy may nghi ngờ. Vậy thì ai là thủ phạm, vì sao lại ra tay…?

Câu hỏi đó luôn được Ban chuyên án nêu ra, lật đi lật lại. Diện đấu tranh sau đó được thu gọn, hướng điều tra tập trung vào thị Quyến và gã con rể. Khi tiếng súng nổ vang trên đoạn đường vắng, hạ gục anh Thụy vào lúc tờ mờ sáng, duy nhất chỉ có một “nhân chứng” nhìn thấy 1 chiếc Dream BKS lem luốc bùn đất chạy vụt qua khu vực cầu Rế, cách hiện trường tới cả 3km, thật chả có tí “lô gíc” gì với vụ án. Các mũi trinh sát tỏa đi và tổ công tác sang Thanh Hà, Hải Dương đã “tóm” được chiếc xe Dream có cái BKS “lạ đời” kia. Kẻ sử dụng nó không ai khác chính là gã con rể của Quyến sau khi thuê sát thủ hạ gục bố vợ đã chạy kèm theo sau để xác nhận kết quả. Chuyên án được kết thúc chỉ trong 24 giờ, thật khó ngờ với khoảng ấy thời gian, anh em giải quyết một khối lượng lớn công việc mà thường ngày mấy ai làm xuể!

Còn nhớ trong dịp tết Nguyên đán 2011, trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hồng Phong thuộc địa bàn các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, rộ lên tình trạng đối tượng dùng dao kiếm đe dọa cướp xe máy với thủ đoạn rất tinh vi trắng trợn, gây hoang mang trong nhân dân. Chuyên án 211C đã được xác lập và đội 2-Phòng PC45 được giao nhiệm vụ chủ công. Đại úy Nguyễn Đức Toàn, người trực tiếp tham gia phá án đánh giá: Đối thủ của chúng tôi chỉ là một nhóm thanh thiếu niên mới lớn, tên nhiều tuổi nhất là 21, đứa bé nhất chưa đầy 16  tuổi - Phạm Văn Quang, sinh 1995, ở Hòa Hy, Cát Hải lại là tên cầm đầu.

Trong khi đồng bọn dính tiền án tiền sự “cả đống”, thì Quang dù có rất nhiều tì vết nhưng mọi hành vi đều được nó “lách” rất khéo khiến cơ quan chức năng chỉ dừng được ở mức xử phạt hành chính. Tuy nhiên, tới thời điểm này Quang đã “chín” để trở thành một tên tội phạm đích thực. Để ngăn ngừa hậu họa xấu cho xã hội, chính quyền địa phương đã ra quyết định đưa Quang vào Trường giáo dưỡng. Quang bỏ trốn vào nội thành Hải Phòng và đứng ra tụ tập đồng bọn, thành lập nhóm cướp, lấy “bản doanh” là các nhà trọ, khi “phong lưu” rồi thì tiến lên thuê nhà nghỉ ở. Song với quyết tâm cao, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối tháng 2-2011, lực lượng phá án đã bắt giữ 21 đối tượng, làm rõ 20 vụ cướp tài sản, thu giữ 7 xe máy tang vật.

Cứ thế, khi thành phố xảy ra những vụ án khiến lòng dân bất an thì những người lính hình sự luôn đứng ở nơi đầu sóng để gánh vác trách nhiệm lập lại. Chuyên án 809C được xác lập để đấu tranh với ổ nhóm cướp xe máy trên tuyến QL10 thuộc địa bàn các huyện Thủy Nguyên và An Dương; chuyên án 710T đấu tranh với nhóm cướp tại địa bàn Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy; chuyên án 711C đấu tranh với các đối tượng cướp tài sản của lái xe taxi; chuyên án 121L xóa ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hành khách trên tuyến xe khách trên QL10. Phòng PC45 có 8 đội công tác, được phân công nhiệm vụ chức năng khác nhau, đấu tranh với từng loại tội phạm mang tính chuyên sâu như: tội phạm có tổ chức và có yếu tố nước ngoài, tội phạm gây án trên các tuyến giao thông, tội phạm chuyên ngạch về trộm, tội phạm buôn người…

Những năm gần đây, rộ lên tình trạng trộm cắp hàng hóa trong container. Để ngăn chặn tình trạng này, đơn vị đã xác lập chuyên án 709T và lấy Đội 5 làm chủ công, phá liền một mạch 4 vụ, bắt 25 đối tượng, thu 21 bao đựng hải sâm, 38 máy ảnh, 51 bao dứa chứa thịt động vật đông lạnh, 24 bao hạt cười. Đội 2 phá chuyên án 311T làm rõ 8 vụ trộm cắp 30 tấn gỗ trắc, bắt 8 đối tượng, trong đó có 6 là lái xe container. Có thể nói, đấu tranh chuyên án là thước đo “tay nghề” của người lính điều tra hình sự, thể hiện đầy đủ phẩm chất, bản lĩnh, trình độ khi bày binh bố trận, lúc xử lý tình huống, trước gian nan thử thách, với một “núi” những khó khăn chất chồng. Hồ sơ chuyên án được mở ra, phần nào là trinh sát, phần nào là tố tụng; phải sàng lọc vô khối tài liệu trinh sát mới ra được vài trang tài liệu tố tụng; có chuyên án kết thúc, hồ sơ trinh sát dày gấp chục lần hồ sơ tố tụng. Để có những trang hồ sơ ấy, chúng tôi hiểu đó là thành quả của biết bao mồ hôi, công sức, chất xám, thậm chí cả máu của những người lính cảnh sát.

Sát cánh nhiều năm với lính hình sự, chúng tôi luôn thấu hiểu, trận địa cam go nhất của họ vẫn là cuộc đấu tranh với những ổ nhóm tội phạm hình sự chuyên nghiệp. Vẫn còn đây thế hệ của những Nguyễn Trọng Lộ, Doãn Bình, Trường Tam, Hoàng Long, Minh Do… với những cuộc đấu trí, đấu sức và đấu súng nảy lửa khi phá các chuyên án bắt tướng cướp Nhật “xoăn”, Lợi “ét”; tiêu diệt nhóm cướp do anh em Đông, Động cầm đầu; xóa sổ băng cướp của những tên tội phạm sừng sỏ Minh “mộc”, Phúc “sâm”, Phúc “mao”; đập tan các băng tội phạm của Cu Nên, Dung “hà”, Quang “tơn”…

Cuộc đấu tranh với ổ nhóm đối tượng hình sự ngày nay tuy không còn hăng nồng mùi súng đạn, nhưng vẫn là môi trường bỏng rẫy sức nóng. Tội phạm hình sự giờ không chỉ tự trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại để gây án; một số tên còn sử dụng khoa học công nghệ cao vào việc phạm tội, che giấu thủ đoạn, phương thức hoạt động khi hành sự. Ngoài tính chất lưu manh, côn đồ, hung hãn như một thứ “thiên bẩm”, chúng còn thể hiện rất rõ “đẳng cấp” chịu ăn chơi, quan hệ; sự liên kết giữa các loại tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế ngày càng khăng khít với tính chất hết sức nguy hiểm, manh động, không chỉ gói gọn trong địa bàn thành phố mà lan toả tới từng khu vực, tới mỗi vùng miền tạo thành những “hang ổ” che giấu tội ác khiến công việc phá án ngày thêm vất vả, gian nan.

Cuộc đấu tranh triệt xóa ổ nhóm tội phạm do tên Mai Đức Vượng (tức Tộ Tích, sinh 1981, ở 9/47 Nguyễn Hữu Tuệ, Gia Viên, Ngô Quyền) cầm đầu là một điển hình. Đây là một ổ nhóm côn đồ hung hãn chuyên tổ chức cờ bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, cho vay cầm đồ, mở quán karaoke, tụ tập nhiều đối tượng có thành phần bất hảo chuyên đòi nợ thuê, giải quyết các mâu thuẫn trong làm ăn, với địa bàn hoạt động rất rộng, ở Hải Phòng và một số tỉnh phía Nam. Giữa năm 2009 đến 2011, ổ nhóm này liên tiếp sử dụng vũ khí gây ra các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, gây rối TTCC.

Điển hình: 9h45 ngày 7-8-2011, 4 đối tượng đi xe máy bịt mặt, đeo khẩu trang đi qua quán canh bánh đa ở số 19 Hai Bà Trưng, 1 tên trong bọn đã rút súng bắn 5 phát, trong đó 4 phát trúng vào người anh Nguyễn Chí Kiên (sinh 1978, ở địa chỉ trên) khiến anh này bị thương nặng. Để đấu tranh với ổ nhóm tội phạm hình sự này, Phòng PC45 đã xác lập 3 chuyên án 210G, 511S và 811G. Đây là một chuyên án dài hơi, có tính liên hoàn. Đội 9 được giao làm lực lượng chủ công, từng bước xác minh, đấu tranh, làm rõ 8 vụ nhóm Tộ Tích cùng đồng bọn nổ súng, dùng hung khí gây nên. Chuyên án liên hoàn thắng lợi sau 3 tháng là kết quả của công tác kết phối hợp giữa Công an Hải Phòng và công an các địa phương trong toàn quốc, đặc biệt là sự phối hợp với Interpol Việt Nam thông tin kịp thời cho Công an Trung Quốc bắt các đối tượng đang lẩn trốn ở xứ người.

Những ngày tháng cuối năm, cơ quan nào cũng nhiều việc, ai cũng bận, nhưng có lẽ vất vả nhất vẫn là những người lính hình sự, nhất là khi chuyên án đơn vị giao cho đội, cho cụ thể một điều tra viên hay một trinh sát nào “sắm vai chính” vẫn còn đang thực hiện dang dở. Mà thời điểm cuối năm dường như dồn cả một chuỗi hơn 300 ngày, đến thời khắc ấy, những tích tụ của tiêu cực đời sống mới vỡ òa, đem lại những vụ án động trời. Không hiếm năm, cứ vào độ này lính hình sự phải đối mặt với tình thế: chuyên án gối chuyên án.

Vụ án đối tượng dùng búa đập chết chị Nguyễn Thị Thu Hằng (sinh 1973, ở khu 5, Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) và cắt thi thể chị ra nhiều phần tại số nhà 676 đường Trường Chinh, quận Kiến An, dịp đầu năm 2011 (cũng là áp tết Nguyên đán) là một ví dụ. Chuyên án 111G được thành lập với sự tham gia của 100% CBCS Phòng PC45 và sự góp mặt của công an các đơn vị địa phương. Ban chuyên án đánh giá: đối tượng gây án ở khu vực hiện trường, nhà neo người và có điều kiện về nước sinh hoạt. Nhận định cuối được đưa ra vì các phần thi thể của xác chết được hung thủ rửa rất sạch sẽ trước khi đem đi phi tang.

Trinh sát cùng anh em CAQ Kiến An tiến hành khoanh vùng kiểm tra trên 300 hộ sinh sống trong vùng phụ cận hiện trường, kiểm tra từng chi tiết tỉ mỉ. Khi qua nhà số 676, chợt thấy có 2 chiếc chiếu phơi thoảng mùi khó chịu, dù chỉ là linh cảm nhưng tổ công tác vẫn kiểm tra thận trọng tỉ mỉ ngôi nhà. Sau đó trinh sát phát hiện tại ruột gà cống thoát nước còn đọng lại máu, một ít da thịt nghi của nạn nhân. Kết hợp đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chỉ chưa đầy 48 giờ, Ban chuyên án đã bắt đối tượng Nguyễn Dũng Giang (sinh 1980, ở khu 3 Thành Tô, Hải An), là người đang thuê nhà 676 Trường Chinh để bán hàng quần áo, thu 2 dao, 1 búa, 1 xe máy, nhẫn vàng của chị Hằng và làm rõ nội dung vụ án: Giang giết chị Hằng để quỵt nợ.

Như vụ trung sỹ Đỗ Đăng Long, chiến sĩ Phòng CSBV và cơ động - CATP, bị sát hại vào sáng sớm 2-1-2012 tại cầu Bính, do những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm gây ra. Để phá án, các đơn vị chủ công cùng trinh sát giàu kinh nghiệm được tung vào trận, như Phòng PC45, PC54, PC65, CAH Thủy Nguyên cùng công an các xã, thị trấn với bán kính quanh hiện trường tới hàng chục km. Sở chỉ huy dã chiến do lãnh đạo CATP trực tiếp chỉ huy, vừa hành quân, vừa tác chiến. Và chỉ sau 3 giờ truy lùng ráo riết, hai sát thủ Đỗ Văn Sơn, sinh 1984, ở thôn 2, xã Chính Mỹ và Hoàng Văn Nam, sinh 1986, ở Hồng Thái Tây, Đông Triều, Quảng Ninh, đã bị bắt gọn.

6h ngày 2-1, khi cánh phóng viên chúng tôi có mặt ở UBND xã Mỹ Đồng thì đã thấy đầy đủ “Ban chỉ huy tiền phương”, như: đại tá Nguyễn Văn Coỏng - Phó giám đốc CATP, đại tá Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng PC45, các trinh sát đội 9, đội 5; Trưởng, Phó CAH Thủy Nguyên. Đến 9h CATP họp báo, hầu hết các đồng chí trong Ban Giám đốc CATP đều có mặt, mắt ai cũng thâm quầng sau một đêm thức trắng. Ở nơi đầu sóng, sự có mặt của các đồng chí không chỉ là tư lệnh chuyên án, là đầu mối ráp nối các thông tin, ra những mệnh lệnh, chỉ thị cho các tổ công tác, các mũi tiến quân thực hiện bài bản, khoa học và chặt chẽ, mà còn là nguồn cổ vũ động viên lớn để những CBCS trực tiếp tham gia đánh án càng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, trước sóng cả thêm vững tay chèo…    

NGỌC PHÚC


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông