15:03 11/12/2023 Tại Điều 14, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về “Biện pháp công tác của Cảnh sát cơ động”.
Theo đó, Cảnh sát cơ động thực hiện các biện pháp công tác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật này, trong đó biện pháp vũ trang là chủ yếu. Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định việc áp dụng các biện pháp công tác theo quy định tại khoản 1 Điều này, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.
Đây là quy định mới so với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013. Tại khoản 14, Điều 16 Luật Công an nhân dân quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân, theo đó Công an nhân dân có quyền hạn “Áp dụng các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.
Cảnh sát cơ động là lực lượng thuộc Công an nhân dân nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Cảnh sát cơ động ngoài sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu, còn phải sử dụng các biện pháp công tác khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Việc áp dụng các biện pháp công tác này khi thực hiện nhiệm vụ có tác động trực tiếp tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều trường hợp còn trực tiếp tác động tới quyền con người, quyền công dân.
Chính vì vậy, Luật quy định khái quát các biện pháp công tác của Cảnh sát cơ động, còn các vấn đề cụ thể trong việc áp dụng các biện pháp này như căn cứ, điều kiện, trình tự thực hiện, hình thức, phương pháp kết hợp các biện pháp... sẽ được thực hiện theo các quy định tại Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật An ninh quốc gia năm 2004 và các văn bản dưới luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và bảo vệ bí mật nhà nước.
Cùng với đó, Luật Cảnh sát cơ động đã quy định việc thực hiện các biện pháp công tác của Cảnh sát cơ động “trong đó biện pháp vũ trang là chủ yếu” để làm nổi bật tính đặc thù, đặc biệt của Cảnh sát cơ động và phù hợp với chức năng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang của Cảnh sát cơ động. Về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp công tác của Cảnh sát cơ động, Luật quy định Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật với cấp trên về quyết định của mình.
KC
09:45 21/11/2024