15:01 25/12/2023 Điều 22, Chương III, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về “Kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho Cảnh sát cơ động”.
Theo đó, Nhà nước bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, đất đai, trụ sở, công trình cho hoạt động của Cảnh sát cơ động theo định của pháp luật có liên quan.
Điều này của Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 12 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và phù hợp với quy định tại Điều 33 Luật Công an nhân dân năm 2018 về bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của Công an nhân dân. Theo đó, Nhà nước bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, đất đai, trụ sở, công trình cho hoạt động của Cảnh sát cơ động nhằm đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Về trang bị của Cảnh sát cơ động, tại Điều 23 chương này của Luật quy định: Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động. Cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Trên cơ sở kế thừa quy định của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, Điều 23 Luật Cảnh sát cơ động quy định mang tính khái quát các loại trang bị phục vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động gồm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Điều luật cũng bổ sung quy định:
“Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động” (khoản 1 Điều 23). Nội dung quy định này nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư, xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến thẳng lên hiện đại, nâng cao năng lực, khả năng chiến đấu của lực lượng Cảnh sát cơ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Cùng với đó, trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, tại khoản 2 Điều 23 Luật Cảnh sát cơ động quy định Cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 23 Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết các loại trang bị của Cảnh sát cơ động để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt về việc trang bị cho Cảnh sát cơ động theo yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ.
Tại Nghị định số 02/2022/NĐ-CP đã quy định về trang bị của Cảnh sát cơ động gồm 5 nhóm:
(1) Danh mục vũ khí; (2) Danh mục công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ; (3) Danh mục phương tiện; (4) Danh mục thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông tin liên lạc; (5) Các loại vũ khí; công cụ hỗ trợ; phương tiện; thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông tin liên lạc khác phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cấp có thẩm quyền trang bị cho Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật.
Đối với tiêu chuẩn, định mức trang bị cho các đơn vị Cảnh sát cơ động thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
KC
09:55 05/11/2024
14:35 31/10/2024