Cò lao động lộng hành

16:27 20/10/2016

 

 

Việc tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp công khai, góp phần tạo thị trường lao động lành mạnh
Việc tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp công khai, góp phần tạo thị trường lao động lành mạnh

Như ANHP đã nhiều lần phản ánh: tại một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố xuất hiện không ít đối tượng dùng “chiêu” hứa xin hộ việc làm để lừa đảo, trục lợi tiền của người tìm việc. Tìm hiểu của PV cho thấy, tình trạng đang tái diễn, dù thủ đoạn của các “cò” sử dụng không mới song nhiều người vẫn bị “sập bẫy”…

Tuyển dụng ở... quán cà phê

Tại một quán cà phê đối diện khu vực cổng KCN Vsip, chúng tôi chứng kiến cảnh mấy “cò” túm năm tụm ba tổ chức “chém gió” để tuyển dụng ngay tại quán. Các “cò” sắp xếp vị trí, chỗ làm việc, sau đó gọi điện thông báo thủ tục. Người lao động chuẩn bị hồ sơ, kèm “phí” xin việc để nộp.

Thông thường người xin việc phải bỏ ra một số tiền không nhỏ cho bên tuyển dụng hoặc môi giới. Số tiền này được “bắt sâu”, thu dưới hình thức là tiền cò, tiền đặt cọc, tiền thế chân, hoặc tiền làm hồ sơ, phí đào tạo. Đi sâu tìm hiểu, hầu hết các “cò” trong nhóm này chẳng nghề ngỗng, thậm chí có người trước đây chỉ bán rau, cá ngoài chợ. Thế vậy mà không ít nạn nhân đã sa vào bẫy của đám cò này.

Điển hình, giữa năm 2016, anh Trần Văn Cương, ở xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, muốn xin vào làm công nhân ở Khu công nghiệp Vsip (Thủy Nguyên). Do mới chỉ học hết THPT nên anh được “mách mối” cho một người chuyên làm hồ sơ “chạy” việc. Đối tượng này tự giới thiệu có người nhà làm ở phòng nhân sự của một doanh nghiệp và hứa hẹn sẽ lo liệu mọi thủ tục sao cho thuận lợi từ khâu làm hồ sơ, phỏng vấn đến thi tuyển với điều kiện phải nộp “phí” 10 triệu đồng, nếu không lo được việc sẽ hoàn trả lại đầy đủ. Anh Cường vội chạy vạy vay mượn rồi đưa tiền mà không hề nghi ngờ. Song khác với lời hứa hẹn, anh Cường vẫn phải tự làm hồ sơ và thi 2 lần nhưng đều không trúng tuyển.

Sốt ruột, Cường liên lạc mấy lần thì nhận được lời đề nghị nộp tiếp thêm tiền mới có người “thi hộ”. “Họ cứ liên tục khất lần rồi hứa 1, 2 tuần sau sẽ trả tiền nhưng mãi không thấy đâu. Hai người cùng làng tôi cũng chạy việc ở đường “dây” này với số tiền 14 triệu đồng/người nhưng cũng chưa đâu vào đâu, một người vẫn chưa lấy được tiền, người kia đòi lại được thì cũng mất tiền phí...”, anh Cường than thở.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Việt, sinh 1989, ở xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy. Qua sự giới thiệu của bạn bè, anh Việt gặp một đối tượng ở huyện An Dương, tự giới thiệu có khả năng xin việc cho người lao động làm việc tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Đình Vũ với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng. Đang trong cảnh thất nghiệp, anh Việt đem toàn bộ số tiền 25 triệu đồng tích cóp được để “giao dịch” công việc với cam kết trong vòng 2 tháng, không thành công sẽ hoàn trả lại số tiền trên.

Tuy nhiên, sau ngày phỏng vấn, anh Việt mới ngã ngửa khi nhận được thông báo không trúng tuyển dù hồ sơ đã nộp đầy đủ, còn tiền đã đưa cho “cò”. Quá thời gian hứa hẹn mà vẫn phải ở nhà chờ đợi, bức xúc, anh Việt tìm gặp, sau nhiều lần thì chỉ được đối tượng trả lại một phần, số tiền còn lại đành chịu mất với lý do đã dành cho chi phí… để “giao dịch” xin việc?

Khó xử lý?

Vì sao người lao động dễ bị “sập bẫy”, hoặc bị chiếm đoạt tiền đặt cọc nhưng lại không dám trình báo sự việc cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý các đối tượng này? Theo tìm hiểu, chính tâm lý đã từ lâu là “xin việc phải mất tiền” của người lao động đã khiến cho “cò” môi giới việc làm có cơ hội lộng hành. Mặt khác, phần lớn những người lao động tìm việc làm phổ thông đều có điều kiện kinh tế khó khăn, muốn có một việc làm ổn định để có tiền trang trải cho cuộc sống, do đó khi bị chiếm đoạt thường chỉ tìm cách và mong muốn lấy lại tiền “phí” xin việc. Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng phòng Việc làm (Sở LĐTB&XH), chúng tôi nhận được những chia sẻ bức xúc cả trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, theo ông Cường, dù các quy định của pháp luật khá cụ thể nhưng việc xử lý là rất khó khăn, nhiều phức tạp bởi các hành vi vi phạm là không rõ ràng cấu thành yếu tố lừa đảo. Các đối tượng thường cũng không treo biển, thông báo quảng cáo tuyển lao động. Chưa kể, có không ít sự móc nối giữa các bộ phận phụ trách tuyển dụng nhân sự của doanh nghiệp, đơn vị với “cò” môi giới để “bắt sâu”, trục lợi tiền của người lao động.

Trước thực trạng trên, hiện hầu hết các doanh nghiệp thường tự tuyển chọn lao động. Trên thực tế, việc tuyển dụng người lao động ở nhiều doanh nghiệp tại các khu kinh tế, KCN khá bài bản, ứng viên dự tuyển không phải trả bất kỳ một loại phí tuyển dụng nào. Như trường hợp Cty Regina Miracle (KCN Vsip Hải Phòng), ngay tại các phòng tuyển dụng được treo biển, dán thông báo “thư chống hối lộ” với nội dung nghiêm cấm đưa, nhận hoặc đòi hối lộ dưới mọi hình thức, cty sẽ sa thải ngay lập tức đối với công nhân hoặc nhân viên nào vi phạm quy định.

Thư “chống hối lộ” tuyển dụng tại Cty Regina Miracle
Thư “chống hối lộ” tuyển dụng tại Cty Regina Miracle

Do đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo, việc tuyển dụng lao động phải được công khai thông báo. Quan trọng hơn nữa, đối với người lao động, căn cứ vào sức khỏe, trình độ năng lực và tay nghề nên đến nộp hồ sơ trực tiếp tại các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc thông qua các kênh giới thiệu việc làm như Sàn giao dịch việc làm thành phố hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín.

Điều tra của ĐỖ HIẾU

 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông