17:27 08/11/2020 Ngày 6-11, tại thành phố Hạ Long, đoàn công tác của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường do Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn đã có buổi công bố kết luận kết quả kiểm tra thực hiện công tác của hệ lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh. Đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh, Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Công an tỉnh dự, đồng chủ trì; Thượng tá Bùi Quang Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh và các đồng chí lãnh đạo phòng nghiệp vụ, Công an địa phương dự buổi làm việc.
Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường kiểm tra công tác tại Công an tỉnh Quảng Ninh
Báo cáo kết quả công tác năm 2020, Thượng tá Nguyễn Duy Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường nhấn mạnh lực lượng Cảnh sát môi trường toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ, làm tốt công tác nắm tình hình, phòng ngừa không để phát sinh điểm nóng, vụ việc phức tạp trên địa bàn.
Trong năm theo thống kê toàn lực lượng đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 496 vụ đối với 74 tổ chức và 443 cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Qua điều tra đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ/12 bị can, cụ thể: 4 vụ, 3 đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiểm; 2 vụ, 3 đối tượng vi phạm quy định về nghiên cứu khai thác tài nguyên trái phép; 5 vụ, 6 đối tượng vi phạm quy định về quản lý rừng.
Kết quả trên đã góp phần giải quyết được nhiều nguyên nhân, điều kiện vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn đánh giá chưa phát hiện được nhiều vụ việc lớn, điển hình. Một số nguyên nhân được chỉ ra như do một số chuyên đề, lĩnh vực chưa đi vào chiều sâu; trình độ, nhận thức của một số cán bộ làm nhiệm vụ còn hạn chế, mang tính hành chính. Bên cạnh đó, những vướng mắc trong các quy định của pháp luật chưa được tháo gỡ; công tác phối hợp, trao đổi thông tin mới chỉ trong ngành Công an, không có hệ thống quản lý chung với các đơn vị chức năng bên ngoài nên không thuận lợi cho việc thu thập tài liệu và xử lý những đối tượng tái phạm, để bỏ lọt tội phạm. Cùng với đó là khó khăn trong việc giam giữ, trông coi phương tiện thuỷ; thiết bị, kinh phí giám định…
Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Để làm rõ các nội dung phục vụ báo cáo đoàn kiểm tra, Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương phân tích làm rõ về phân công, phân cấp trong công tác giữa Phòng Cảnh sát môi trường và công an các địa phương; giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự các vụ việc; các chỉ tiêu công tác; công tác phân cấp quản lý địa bàn giữa Cục và Công an địa phương; kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm về môi trường.
Đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cũng thẳng thắn đánh giá những mặt còn tồn tại, hạn chế và hướng dẫn cách khắc phục, xử lý đối với Công an tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu kết luận buổi làm viêc, Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng đánh giá cao kết quả hệ lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh đạt được trong thời gian qua. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả chất lượng công tác trong thời gian tới, đồng chí Phó Cục trưởng nhấn mạnh Công an tỉnh Quảng Ninh cần chủ động nắm chắc và dự bảo đúng tình hình trên tất cả các lĩnh vực, kịp thời tham mưu, để xuất xử lý dứt điểm các vấn đề phức tạp liên quan chức năng, nhiệm vụ, tuyệt đối không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ, đồng thời làm tốt tham mưu kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Công an tỉnh làm tốt công tác phân công, phân cấp điều tra cơ bản của lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh; nắm chắc tình hình các lĩnh vực, địa bàn, tuyến, hệ loại đối tượng. Tăng cường nắm, phát hiện, xử lý vi phạm trên tất cả các lĩnh vực theo chức nặng, nhiệm vụ trong đó tập trung phát hiện xử lý các vụ việc lớn, trọng điểm về xử lý chất thải, nước thải, khói bụi, chất thải nguy hại, vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên (than, cát, đá, đất …); vi phạm trong quản lý rừng, bảo vệ động vật hoang dã và vi phạm về an toàn thực phẩm.
PV
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh