15:54 26/07/2014
Quảng Trị - mãi mãi hiện nguyên di chứng bi thương của nỗi niềm chia cắt hai miền Nam - Bắc. Với Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương… những địa danh chỉ vài bước chân người đi, mà tổ quốc đã mất 20 năm tang tóc để nối liền. Trong ấy, có lẽ Thành cổ chứa đựng niềm đau day dứt nhất… Quảng Trị mùa hè máu và lửa… Năm nào cũng vậy, vào dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sỹ 27-7, người Hải Phòng và cả nước đổ về Quảng Trị. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời bi tráng vẫn khắc sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt, nên dù đã bao lần đến với miền đất lửa nhưng lần trở về nào tôi cũng thấy rưng rưng… “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”, bài thơ ấy khi nào đến tôi cũng được nghe, nhưng mỗi lần nghe là một lần nấc nghẹn.
Khi hiệp định Giơ-ne-ve được ký kết 60 năm trước, khúc ruột miền Trung bị cắt đôi, đẩy Quảng Trị thành tiền đồn của bờ Nam. Nơi đây, “một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc, một dấu chân in màu đất hai miền..”, một nhà thơ đã mô tả Quảng Trị trong tâm trạng xót xa như thế. Tháng 3-1972, với quyết tâm xóa bỏ sự ngăn cách ấy, quân ta mở chiến dịch Trị-Thiên, nhanh chóng chiếm toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Vì vị trí chiến lược đặc biệt, Mỹ và chính quyền Sài Gòn dồn lực phản công, Quảng Trị trở thành chiến trường khốc liệt với cuộc chiến không cân sức. Chỉ trong 81 ngày đêm, quân Mỹ đã sử dụng 4.958 lượt B-52, hơn 9.048 lượt máy bay phản lực khác, dội xuống vùng đất Quảng Trị 120 nghìn tấn bom đạn (gấp 7 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima-Nhật Bản), chưa kể hơn 1,6 triệu viên đạn pháo các loại. Người ta tính rằng, trung bình mỗi chiến sỹ quân giải phóng Quảng Trị phải hứng chịu 4 tấn bom và 50 viên đạn pháo. Máu của các chiến sỹ của E48 (F320B), E95 (F325), D8 (E64-F320) và bộ đội địa phương tham chiến đã nhuộm đỏ miền đất lửa. Bản hùng ca Thành Cổ Để chống lại chiến dịch phản công mang tên “Lam Sơn” của quân đội Sài Gòn và cuộc bắn phá dữ dội chưa từng có của Mỹ, bộ đội ta thuần túy chỉ là bộ binh nhưng tinh thần quả cảm tuyệt vời. Dù đã mất khoảng 90% lực lượng, các anh vẫn đánh bật nhiều đợt tấn công của địch, lập tuyến phòng thủ tại Thành Cổ. Lúc này, ở Pa-ri, thủ nước Pháp, đàm phán về chiến tranh Việt Nam đang diễn ra, liên quân Mỹ-ngụy muốn lợi dụng sức mạnh vượt trội để tái chiếm Thành Cổ trước ngày quốc khánh Pháp 14-7, tạo tiếng vang hòng giành lợi thế trên bàn đàm phán. Cùng hỏa lực dội lửa, các đơn vị dù, biệt động quân, thiết giáp quân ngụy ào ạt vây hãm, bắn phá điên cuồng, nhưng những người lĩnh cộng sản vẫn kiên cường bám trụ, bẻ gẫy từng đợt tiến công của địch. Quân Mỹ tăng cường hỏa lực, nâng tổng số đạn pháo đánh phá từ 8.000 viên/ngày lên 15.000 viên/ngày, cao điểm có ngày lên tới 30.000 viên, sử dụng 40 đến 60 lượt/chiếc máy bay phản lực một ngày, dùng bom khoan đánh phá hầm hào tường thành, biến Thành cổ thành bình địa, máy bay B-52 rải thảm bom đỏ bờ sông Thạch Hãn… Nhưng từng ấy chưa đủ làm nhụt trôi chí khí của những người anh hùng, những chiến sỹ giải phóng quân dùng máu để viết lên bản hùng ca Thành cổ. Các anh nằm xuống nhưng Thành cổ đã trở thành biểu tượng bất tử trong lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. “Mùa hè đỏ lửa” đã tạo ra nỗi kinh hoàng cho liên quân Mỹ-ngụy, để một thời gian ngắn sau đó, đế quốc Mỹ buộc phải hạ bút ký hiệp định Pa-ri, chấm dứt cuộc chiến tranh tàn bạo tại Việt Nam. Và 3 năm sau đó, đồng đội của các anh, tụ quân trong những binh đoàn thần tốc ào ào tiến về Sài Gòn, vùi chôn chế độ Việt Nam cộng hòa. Dẫu vẫn biết chiến tranh là khốc liệt, nhưng từ thẳm sâu, với tư cách của một con người, trong tôi vẫn day dứt với những gì lính ngụy đã gây nên không chỉ cho bộ đội ta, mà còn tàn bạo đối với cả đồng đội của chính họ. Tôi nhớ mãi lời nói tràn đầy nước mắt của một cựu chiến binh từng tham gia bảo vệ Thành Cổ: “Lính địch bị thương rất nhiều, họ nhẫn tâm không cứu giúp, mà còn dội bom pháo, dập vào chính quân mình để xóa sổ những người không còn khả năng chiến đấu…”. Ngần ấy bom đạn, có thân xác nào chịu nổi, máu thịt cả hai phía quân nát tan vào nhau, trộn chung trong đất, để giờ đây Thành Cổ trở thành nghĩa trang chung một nấm mồ. “Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm…” Giữa tháng 9-1972, khi đã bắn hết cơ số đạn cuối cùng, những chiến sỹ giải phóng rút ra khỏi Thành Cổ, người còn lành lặn mang theo người bị thương, vượt làn mưa đạn của kẻ thù, dìu nhau bơi qua sông Thạch Hãn đang mùa nước lũ. Thêm một lần nhiều người vĩnh viễn nằm xuống, thân xác mặc cho lũ cuốn trôi…
Thoát ra khỏi cuộc chiến tàn khốc này, có một chiến sỹ trẻ tên là Lê Bá Dương, ông xung phong nhập ngũ tháng 4-1968 khi vừa tròn 15 tuổi, được vinh danh “dũng sỹ diệt Mỹ” lúc 15 tuổi 49 ngày. Khi khai quật chiến trường, người ta tìm thấy một bức ảnh Bác Hồ, trên đó ghi những dòng chữ viết bằng máu của Lê Bá Dương, nay được trưng bày ở bảo tàng Thành Cổ. Ông viết: “Bác Hồ ơi, từ hôm nay 20-6-1972, chúng con bắt đầu nổ súng diệt địch, Quán diệt được bảy tên, Hòe, Dương mỗi người hơn một chục tên. Ghi sâu lời Bác dạy, hễ còn tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi. Bác ơi, quyết tâm của chúng con, trách nhiệm của chúng con là giữ chốt đến cùng…”. Chấm dứt chiến tranh, Lê Bá Dương mang trên mình 14 vết thương, để lại 1 ngón tay ở chiến trường, ông về làm phóng viên của báo Văn Hóa, là hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế FIAP. Nhưng ký ức về cuộc chiến không thể phai nhòa, hễ có điều kiện là ông lại trở về Thành Cổ, thắp nén nhang tưởng nhớ người đã khuất. Những lần như thế, ông thường đem những bông hoa thả xuống dòng Thạch Hãn, nơi máu của chính ông và hàng nghìn đồng đội đã đổ.
Trong khoảnh khắc trào dâng, ông đã thốt lên những câu thơ: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Bài thơ chỉ có 4 câu nhưng bao nhiêu năm nay, dường như ai đến Quảng Trị cũng được nghe, mà thấy lòng đau thắt lại… Và mỗi tháng 7 về, không riêng đồng đội của Lê Bá Dương, mà nhân dân cả nước đều thầm lặng nghiêng mình trước dòng Thạch Hãn, thả hoa đăng tưởng nhớ các anh. Một lần tham dự như thế, trong không gian sâu lắng đến lạ thường, tôi và các đồng nghiệp Hải Phòng được nghe một cô gái Quảng Trị tâm sự: “Sau này, có lẽ người ta sợ thơ của Lê Bá Dương làm đau các anh chăng? Nên mới sửa lại câu đầu…”. Rồi với giọng miền Trung nhỏ nhẹ, câu thơ cô gái đọc lên chìm trong nước mắt: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ…”. Lê Minh Thắng |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết