18:34 08/03/2014
Tìm xác những người chết đuối là công việc nguy hiểm, đầy ám ảnh nhưng hơn 20 năm đánh cá trên sông Cấm, anh Trần Văn Ca, sinh 1979, quê huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, vẫn lặng lẽ tìm kiếm những người tự tử trong dòng nước bạc như một cách chia sẻ với gia đình người bị nạn. Như lời trần tình của anh: “Mỗi năm mình vớt được một hai chục người, có trường hợp xác chết phân hủy mạnh, nhưng tiếp xúc đã quen, bằng cái tâm của mình, tôi vẫn đưa người xấu số vào bờ để người thân nhận diện, đưa về mai táng”. Chúng tôi may mắn gặp được anh và ghi lại diễn biến sau gần 1 tiếng vật lộn với “hà bá” giành lại sự sống cho chị H - một nạn nhân nhảy cầu Bính tự tử tối 12-2 vừa qua. Người đánh cá thầm lặng Trong tiết trời giá lạnh, mưa xuân lất phất, men theo triền đê dưới chân cầu Bính, chúng tôi tìm gặp người "cướp cơm" của hà bá - anh Trần Văn Ca. Leo lên thuyền, anh Ca người ướt sũng với chiếc quần cộc và chiếc áo đi mưa lấm lem bùn đất mời khách vào "nhà". Trong chiếc thuyền đánh cá lụp xụp - "ngôi nhà" của mình, anh tâm sự với chúng tôi: "Làm nghề đánh ở khu vực sông Cấm dưới chân cầu Bính nhiều năm, tôi đã chứng kiến nhiều vụ tự tử tại cây cầu này. Sau cái chết của họ là biết bao gia đình gặp cảnh bất hạnh khi mất đi người thân mình, càng đau đớn hơn khi thân xác họ bị chôn vùi dưới dòng nước lạnh. Những hình ảnh đó làm tôi day dứt và luôn tâm niệm mình phải làm gì đó giúp gia đình họ khi có thể". Nói về cái “duyên” đến với cái “nghề” này, anh Ca nhớ lại: "Cách đây đã lâu, trong một lần thả lưới đánh cá tại hạ lưu sông Cấm, khi thu lưới chuẩn bị cho bữa ăn tối, bất chợt tôi nhìn thấy phía xa có một vật thể lạ trôi dần đến, bốc mùi xú uế. Cứ nghĩ xác động vật do người dân thiếu ý thức vứt xuống sông nên tôi đẩy thuyền lùi lại phía sau. Đi được một đoạn, linh cảm cho thấy có điều gì lạ, tôi cho thuyền tiến tới thì thấy một xác người đã phân hủy, biến dạng. Nhờ sự giúp đỡ của một số người, tôi đã đưa nạn nhân xấu số vào bờ để người nhà đến nhận diện đưa về mai táng. Cả ngày hôm đó, nuốt cơm cũng không trôi vì cứ nghĩ đến xác chết và mùi hôi đó lại nôn ẹo. Nhưng đến giờ thì cũng quen rồi". Nhiều gia đình đã tìm được xác nạn nhân nhưng không biết anh Ca ở đâu để cảm ơn vì dân chài lưới nay đây mai đó, cuộc sống lấy sông nước làm bầu bạn, chẳng mấy khi lên bờ. Nói về vụ cứu chị H., anh Ca cho biết: “Khi vớt được chị ta, toàn thân nạn nhân đã tím tái, lạnh ngắt và bất tỉnh, miệng sùi bọt mép. Nhưng theo linh tính, nhận biết được dấu hiệu của sự sống nên tôi đã ép lồng ngực và hô hấp nhân tạo cho chị. Lúc sau, chị ta bắt đầu thở nhưng vô cùng yếu ớt. Tôi đã tìm cách liên lạc, cùng Hải đội 4 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải Quân đưa chị ta vào bờ và đưa đi cấp cứu”. Anh Ca cho biết: Trước đó, khoảng 18h30’, ngày 12-2, hai chú cháu sau khi đã thả lưới và nghỉ ngơi trên mạn thuyền, cách chân cầu Bính không xa, nhưng theo thói quen mọi ngày, thỉnh thoảng họ bật đèn pin soi trên mặt sông thì bất ngờ thấy một vật thể lạ lập lờ trên mặt nước, cách cầu Bính khoảng 200 mét. Thấy điều bất thường, hai chú cháu nổ máy và tiến sát lại gần hơn thì phát hiện 1 người phụ nữ đang vùng vẫy trên mặt sông rồi dần dần chìm xuống. Nhanh như cắt, anh lao xuống kéo nạn nhân lên trên thuyền sơ cứu, đắp chiếc chăn giữ ấm và gọi thêm người ứng cứu. Đây là trường hợp đầu tiên anh Ca cứu vớt khi nạn nhân vẫn còn sống. Theo nghề sông nước tại khu vực cầu Bính đã hơn 20 năm, khi được hỏi anh đã vớt được bao nhiêu xác nạn nhân nhảy cầu rồi thì anh nói không thể nhớ được, chỉ biết rằng mỗi năm khoảng vài vụ, có năm hơn chục vụ... Thoát chết hi hữu Khoảng 18h15’ ngày 12-2, tại dốc cầu Bính, trên sông Cấm thuộc địa phận phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, rất đông người tụ tập trên mặt cầu để theo dõi vụ nhảy cầu tự tử. Nạn nhân là chị Đ.T.H, ở thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên. Theo các nhân chứng cho biết, đang lưu thông trên đường với chiếc xe máy hiệu Attila màu đỏ, bất ngờ chị H. dừng xe, bỏ lại mũ bảo hiểm và giày rồi leo qua phần lan can của cầu Bính, gieo mình xuống dòng sông tự tử. Con gái của nạn nhân mặc dù đi xe máy bám theo mẹ với khoảng cách không xa nhưng cũng đành bất lực. Con gái chị H. gào khóc thảm thiết, đòi gieo mình xuống sông theo mẹ nhưng đã được người qua đường ngăn cản kịp thời, gọi taxi và đưa về nhà.
Ngay sau đó, CAP Sở Dầu, quận Hồng Bàng, cùng lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường triển khai công tác ứng cứu. Trời tối, thời tiết lại lạnh dưới 10 độ C, sông rộng và sâu, sóng dữ nên đã gây không ít khó khăn cho việc tìm kiếm cứu nạn. Hải đội 4, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải Quân đã kết hợp dùng ca nô để tham gia việc tìm nạn nhân H. Từ cầu Bính xuống đến vị trí tiếp giáp mặt sông là trên 50 mét nên việc hi vọng chị H sống sót gần như bằng không. Sự xuất hiện chiếc thuyền của anh Ca neo đậu gần chân cầu Bính đã nhóm lên tia hi vọng. Khi 2 chú cháu đã trục vớt được chị H., phát hiện chị còn sống, anh đã cùng Hải đội 4 đưa chị vào bờ và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt-Tiệp. Rất may, nạn nhân đã được cứu kịp thời nên khi nhập viện trong tình trạng có dấu hiệu bị viêm phổi do hít phải nước lạnh, ngoài ra toàn thân không bị vết thương gì. Sau vài ngày điều trị, chị H. đã trở về gia đình. Gia đình chị H mong muốn gửi lời cảm ơn tới ân nhân đã cứu giúp người thân của họ. Chia sẻ với chúng tôi, anh Ca cho biết, bằng kinh nghiệm sông nước thì trường hợp chị H. được cứu sống là hiếm hoi, bởi may mắn là chị được phát hiện kịp thời khi anh Ca thả neo thuyền cách đó không xa. Ngoài ra, tư thế nhảy cầu tự tử cũng quyết định khả năng chấn thương của chị H. Chị H nhảy theo phương thẳng đứng. Còn nếu ở tư thế úp mặt hoặc tiếp giáp vùng lưng thì mức độ chấn thương sẽ khác nhau, thậm chí có thể tử vong ngay khi chạm mặt nước. Hơn nữa nạn nhân mặc áo khoác dày (loại áo phao) nên khi tiếp nước, áp lực bị giảm đi rất nhiều. Được biết, từ khi cầu Bính đưa vào sử dụng đã có rất nhiều vụ tự tử xảy ra tại đây và phần lớn nạn nhân đều bị chết. Buổi gặp gỡ ngắn ngủi kết thúc với lời tâm sự rất thật của anh: “Tôi không quan trọng người ta trả ơn mình như thế nào. Tôi làm việc này với lương tâm và trách nhiệm của mình và tôi thấy lòng mình thanh thản. Tôi không cầu mong gì hơn cho bản thân ngoài việc ông trời cho tôi sức khỏe để làm việc nuôi sống gia đình và giúp đỡ người gặp nạn khi họ sa cơ, lỡ bước”. TRUNG KIÊN |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết