Đến với Trường Sa... Kỳ II: Những trải nghiệm để đời

11:11 30/05/2018

Chia tay đảo Song Tử Tây và đảo Đá Nam, tàu 571 đưa chúng tôi đến với quân dân điểm đảo: Đá Thị, Nam Yết, Sinh Tồn Đông... Cũng giống như 2 điểm đảo đầu tiên, lịch trình đoàn đến thăm, làm việc không có gì khác lạ thế nhưng đến với mỗi địa danh khác nhau trong chúng tôi đều có những trải nghiệm, xúc cảm rất riêng...

Đại tá Vũ Thanh Chương - Phó Giám đốc CATP trao quà cho CBCS đảo Đá Thị

Nhớ mãi Đá Thị, Nam Yết...

Đá Thị (sáng 12-5) là một hòn đảo chìm, có dáng hơi tròn và dẹt về hai đầu. Cũng giống như ở Song Tử Tây, để tiếp cận được với đảo Đá Thị không có cách nào khác là phải dùng xuồng. Sóng rất to, các thành viên trong đoàn được nhắc nhở phải hết sức cẩn trọng, bởi chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể bị rơi xuống biển.

Hành trình mà xuồng đưa chúng tôi lên đảo rất khúc khủy, quanh co. Chiếc xuồng chở các đại biểu đi phía sau không hiểu thế nào khựng lại, chao đảo đứng một chỗ. May mắn sao loay hoay một lúc, nó thoát được ra khỏi rặng san hô cập Cảng an toàn. Một kỷ niệm vui không thể quên.

Chỉ huy đảo Đá Thị tiễn chân Đại tá Vũ Thanh Chương - Phó Giám CATP xuống xuồng lên tàu 571

Ấy là Thượng tá Đặng Đình Chiến - thư ký của đoàn được biên chế vào đội tiền trạm. Khi đến bất kỳ điểm đảo nào, anh cũng là người xuống xuồng trước cả đội PV, lãnh đạo đoàn công tác. Nhưng sáng 12-5, việc đưa đón đoàn lên đảo gặp khó khăn, chẳng biết luấn quấn thế nào, Thượng tá Chiến bị bỏ lại phía sau. Tới lúc triển khai phần quan trọng nhất là trao, tặng quà cho CBCS trên đảo, đến lượt Phó Giám đốc CATP lên phía trước , Thượng tá Chiến - người đích thân mang quà của đoàn vẫn “bặt vô âm tín”.

Đại tá Vũ Thanh Chương chưa kịp phân trần, một tràng pháo tay của những người lính đảo đồng loạt vang lên hồ hởi đầy cảm thông. Giữa môi trường khắc nghiệt, dường như anh em đã rất quen với những tình huống "bất khả kháng" thế này. Chỉ đến khi Thượng tá Chiến xuất hiện, đồng chí Phó Giám đốc mới thở phào nhẹ nhõm, nở nụ cười, rồi tiếp tục hoàn thiện phần nghi thức còn dang dở.

Chứng kiến cảnh tượng đó, trân quý tình cảm, tấm chân tình của đoàn CATP, đồng chí Chỉ huy trưởng và Chính trị viên của đảo đã dành trọn khoảng thời gian còn lại để dẫn các thành viên trong đoàn đi thăm quan nơi ăn, chốn ở, làm việc của CBCS đảo và giới thiệu cán bộ người Hải Phòng cho đoàn hội ngộ. Cho đến phút cuối, các đồng chí lại là người ra tiễn chân đoàn xuống xuồng về tàu tiếp tục chuyến hải trình.

Nếu như đến với đảo Đá Thị có phần gian truân, thì chiều cùng ngày (12-5), đảo Nam Yết đón chúng tôi bằng cơn mưa bóng mây đầy thi vị. Chả biết vô tình hay hữu ý mà người dẫn nhóm PV chúng tôi trú mưa khi vừa đặt chân lên cầu Cảng là Thiếu tá Ngô Văn Xô, sinh 1972, quê Tiên Lãng. Anh Xô được đơn vị điều động ra công tác tại đảo Nam Yết từ năm 2015, giữ chức Chính trị viên phó của đảo.

Lực lượng vũ trang Hải Phòng hội ngộ tại đảo Nam Yết

Vừa chạy mưa, mấy anh chị em vừa í ới hỏi nhau quê quán nơi nào để nhận người thân. Khi chúng tôi vừa khoe là đoàn CATP Hải Phòng, anh Xô cùng 2,3 CBCS nữa cười vang, rồi đồng thanh hô lớn: “Anh người Hải Phòng đây. Úi giời, anh người Vĩnh Bảo, anh người Tiên Thắng - Tiên Lãng này... Em đi với ai hay một mình?...”.

Các anh thuộc Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân thấy thế liền chêm vào: “Đấy, đã bảo là đi đâu cũng gặp người Hải Phòng mà lại”. Cứ thế, những câu hỏi, câu trả lời dồn dập, không đầu không cuối giữa chúng tôi với những người lính đảo đồng hương mỗi lúc một rôm rả, không ngớt...

Biết trên đảo có anh Xô và một số CBCS nữa cùng quê hương thành phố Hoa Phượng đỏ, sau khi tiến hành thăm, tặng quà CBCS trên đảo, thăm phòng Truyền thống, dâng hương tại Đài tưởng niệm Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, chùa Nam Huyên và Nghĩa trang Liệt sĩ đảo Nam Yết theo lịch trình đã định, Đại tá Vũ Thanh Chương - Phó Giám đốc CATP đã cùng các thành viên trong đoàn công tác đã dành một quãng thời gian riêng thăm hỏi, động viên, chia sẻ tâm tư, tình cảm với các anh.

Qua trò chuyện, Thiếu tá Xô và đồng đội kể cho chúng tôi nghe về gia đình, vợ con của các anh ở quê nhà; cuộc sống, sinh hoạt và đặc biệt là tư tưởng của quân dân trên đảo. Từ những câu chuyện của họ, chúng tôi hiểu, đất liền hoàn toàn có thể yên tâm về tinh thần chiến đấu, ý thức cảnh giác sẵn sàng chiến đấu của CBCS trên đảo. Chắc chắn một điều rằng: khi có biến, mỗi gia đình trên đảo đều là một pháo đài, mỗi ngư dân đều hóa thân thành những chiến sỹ quả cảm giữ vững biển trời của Tổ quốc.

Đoàn CATP tặng quà CBCS đảo Sinh Tồn Đông

Cảm phục lắm... những người lính trẻ

Đến với đảo Sinh Tồn Đông, sáng 13-5, theo chân Phó Giám đốc CATP chúng tôi cũng đã gặp gỡ và được làm quen với rất nhiều CBCS Hải quân chuyên nghiệp quê ở Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh...

Chuyện đời, chuyện nghề, cơ duyên của các anh đến, gắn bó với đảo đều là những giai thoại đẹp về hình tượng người lính biển nhưng có lẽ hình ảnh những Binh nhất, tuổi đời mới 18, 20, mặt còn trẻ măng, vừa xếp bút nghiên đi theo tiếng gọi của biển đảo Trường Sa đã để lại dấu ấn đậm nét, có sức ám ảnh, lay động mạnh nhất đối với hàng triệu trái tim người Việt Nam.

 Binh nhất Bùi Cao Mạnh thắp hương mộ đồng đội trên đảo Sinh Tồn Đông

        Đó là Binh nhất, pháo thủ Bùi Cao Mạnh, sinh 1997, quê ở Quốc Oai, Hà Nội. Bố Mạnh làm xây dựng còn mẹ ở nhà nội trợ. Nhà có 2 anh em trai, Mạnh là út. Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, trái tim người lính trẻ đã rung lên cùng nhịp đập với Trường Sa. Bùi Cao Mạnh bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ, ấp ủ khát khao trở thành người lính biển, canh giữ quần đảo lớn nhất phía Tây Nam của Tổ quốc.

Đầu tháng 1-2017, hoàn thành khóa học Trung cấp nghề cũng là lúc khát khao bấy lâu nay của Mạnh biến thành hiện thực. Anh vinh dự được lọt vào trong số ít danh sách chiến sỹ nghĩa vụ được ra đảo Sinh Tồn Đông sát cánh cùng quân dân trên đảo gìn giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Vừa rời nghế nhà trường, chưa một lần đi đâu xa nhà, lần này ra tận quần đảo trường Sa công tác, sóng nước nghìn trùng xa cách, trái tim người lính trẻ vẫn luôn hừng hực...

Mạnh tâm sự, năm 2016 khi đang theo học lớp Trung cấp nghề anh bắt đầu yêu. Cả hai đã hứa hẹn vun vén, bồi đắp tình cảm để một mai khi công việc ổn định sẽ tiến tới hôn nhân. Ngày Mạnh nhận nhiệm vụ lên đường ra Trường Sa công tác cả đại gia đình, cha mẹ, anh trai, bạn bè và người yêu Mạnh đều vui vẻ động viên anh lên đường. “Ra Trường Sa công tác không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn là niềm vinh dự lớn lao không phải ai cũng có cơ hội...” - Mạnh trải lòng.

 Binh nhất Nguyễn Ngọc Hồng Khoa đang làm nhiệm vụ canh gác tại đảo

          Cũng giống như Mạnh, Binh nhất Nguyễn Ngọc Hồng Khoa, sinh 1993, ở quận 4, TP HCM.  Là anh cả trong gia đình có 2 anh em (em gái Khoa sinh năm 2003), bố làm công nhân, mẹ ở nhà nội trợ. Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song tạm gác lại nỗi lo đời thường, vừa hoàn thành khóa học nghề thiết kế xây dựng, lại được sự ủng hộ của gia đình, Khoa đã viết đơn tự nguyện đăng ký đi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại huyện đảo Trường Sa.

Khoa cho biết: “Trước khi bắt đầu gây dựng sự nghiệp, lo cho mình một công ăn việc làm ổn định để có thể gánh vác gia đình, em muốn được góp một phần nhỏ sức mình vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là thử thách lớn lao nhất của riêng em. Đã xác định là thử thách nên khó khăn đến mấy em cũng cố gắng vượt qua...”.

          Những tán lá dương, phong ba, bàng vuông, bàng ta, tra, ổi, xoài, rau muống biển và cả những loài hoa “không tên” cứ rung rinh, đưa mình khoe sắc giữa nắng, gió đảo Sinh Tồn Đông như thể reo vui, đồng cảm trước ý chí, nghị lực của những người lính trẻ...

 Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông