Hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững và sự hưởng ứng của Hải Phòng (Bài 1)

18:07 06/05/2024

Dự và phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam lần thứ 4 diễn ra tại Hải Phòng mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ: nếu có mối nguy cơ nào đe dọa sự tồn vong, phát triển của nhân loại hơn cả dịch bệnh, chiến tranh thì đó là vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường. Điều này cho thấy đây đang là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp bách, đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi địa phương, doanh nghiệp và người dân phải chung tay góp sức để tự cứu mình. Theo đó, phát triển kinh tế xanh là con đường đúng đắn và bền vững nhất.

Bài 1: Xu thế tất yếu

 Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, dựa vào tri thức là một trong những giải pháp chính, là xu thế tất yếu đang là dòng chảy chính của thời đại và được dẫn dắt, thúc đẩy bởi cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư mở ra tương lai xanh cho nhân loại và cơ hội phát triển cho các quốc gia. Đây chính là mục tiêu mà Việt Nam và thành phố Hải Phòng đang hướng tới với quyết tâm rất cao.

Không thể chậm trễ

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho thấy, gần một nửa nhân loại đang sống trong vùng nguy hiểm. Nhiều hệ sinh thái đang trong tình trạng không thể quay lại như trước; vấn đề ô nhiễm các-bon không được kiểm soát đang đẩy cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới rơi vào tình trạng bị phá hủy. Nhân loại không có con đường nào khác ngoài việc phải nhanh chóng giảm phát thải, chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu một cách thiết thực, mạnh mẽ và hiệu quả.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, đây không còn là khẩu hiệu hay lời kêu gọi mà đã trở thành chủ đề bàn thảo trong các chương trình nghị sự dày đặc toàn cầu và khu vực; từng bước được pháp lý hóa, đi vào trong chính sách tài chính, đầu tư, thương mại, thúc đẩy sản xuất; trở thành những định hướng ưu tiên trong quản trị của mỗi quốc gia. Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, dựa vào tri thức là cơ hội cho mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp đi sau có thể vươn lên dẫn đầu nếu có một tầm nhìn khác biệt và những bước đi tiên phong.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, dựa vào tri thức là cơ hội cho mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp

Chính vì thế, chủ đề của Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam lần thứ 4 năm 2024 là “Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp”. Đây là hành động cụ thể cho thấy Việt Nam đang cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế “xanh” với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, đảm bảo tăng trưởng xanh, hướng tới thực hiện thành công cam kết Net-Zero vào năm 2050 và phát triển bền vững. Đây cũng là cuộc đổi mới xanh-cách mạng công nghiệp xanh và trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới.

Diễn đàn đã tập trung bàn thảo và cập nhật các xu hướng mới có tính quốc tế về kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế net zero, đồng thời qua thực tiễn hoạt động chuyển đổi xanh của các địa phương, các ngành kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, phản ánh tiến trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam. Đại diện cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, ngành; lãnh đạo địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp cùng trao đổi, phản hồi và thảo luận về các nhóm vấn đề chính liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh.

Cụ thể như: các cơ chế, chính sách hiện hành của Việt Nam về vấn đề chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, hướng tới net zero và phát triển bền vững; đánh giá khả năng huy động và tiếp cận các nguồn lực tài chính xanh, tài chính khí hậu, net zero; đánh giá năng lực, nội lực của các địa phương, doanh nghiệp (FDI và doanh nghiệp Việt Nam) trong việc thực thi chuyển đổi xanh; đề xuất, khuyến nghị chính sách tạo thuận lợi hơn nữa, tốc độ chuyển động chính sách nhanh hơn nữa nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam, góp phần quan trọng đạt mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

          Nhanh chóng hành động

           Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, phát triển xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đang hướng tới thiết lập áp dụng các hàng rào carbon với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Bằng cách hướng tới một nền kinh tế xanh, chúng ta không chỉ đảm bảo sự bền vững của môi trường mà còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Thứ trưởng Bộ TNMT khẳng định, chỉ thông qua sự hợp tác, nỗ lực chung của các bên  mới có thể tạo ra một tương lai xanh và bền vững cho các thế hệ mai sau.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dù là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã chủ động hội nhập xu thế phát triển thời đại. Theo đó,  đang thúc đẩy để chuyển nhanh sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế dựa vào tri thức kinh tế tuần hoàn và luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là phát triển bền vững và không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Khu Công nghiệp nam cầu Kiền luôn mướt một màu xanh, đi đầu trong xây dựng KCN sinh thái

Điều này đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và từng bước được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch năng lượng quốc gia, quy hoạch điện 8, quy hoạch các địa phương, cũng như trong các chiến lược, cam kết quốc tế về: “đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; giảm phát thải metan; Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và cơ chế Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã đặt ra mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, phát triển tầng xanh, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cuộc cách mạng xanh chỉ thành công khi có sự tham gia, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của cộng đồng quốc tế; sự  kiến tạo môi trường thuận lợi của Chính phủ; triển khai quyết liệt ở các địa phương. Đặc biệt là vai trò trung tâm trong triển khai thực hiện và hưởng thụ thành quả của doanh nghiệp, người dân.

Trong đó, điều kiên tiên quyết là tạo lập môi trường pháp lý cởi mở, minh bạch, thuận lợi, kiến tạo phát triển, có tính cạnh tranh; hệ thống hạ tầng đồng bộ bao gồm cả hạ tầng số và nguồn nhân lực.

Về điều này, Quốc hội, Chính phủ đã và đang tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý cho tiến trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đã và đang được Quốc hội, Chính phủ thúc đẩy trong Luật đầu tư, Luật bảo vệ môi trường, Luật đất đai,… với các chính sách ưu đãi, điều kiện thuận lợi trong tiếp cận đất đai đối với các hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất công nghệ cao, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số; thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải và địa bàn ưu khó khăn để vừa thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế vừa thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tổng thể, bao trùm.

Trong lộ trình đến năm 2025, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, luật công công nghiệp công  nghệ số, cơ chế phát triển các ngành công nghiệp mới, cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển thị trường tín chỉ các-bon,…

Chính phủ đã và đang tập trung nguồn lực công và khuyến khích các nhà đầu tư tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng số, phát triển các cơ sở dữ liệu lớn; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo…

Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư một số lĩnh vực thúc đẩy chuyển đổi xanh như năng lượng tái tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, phát triển vật liệu mới, chíp, bán dẫn, phát triển kinh tế số, chính phủ số, chính quyền số, chuyển đổi xanh trong giao thông, phát triển đô thị thông minh, bảo vệ môi trường…

(Còn tiếp)

                                                                                                                                                    Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông