Kinh doanh hàng đa cấp: Siêu lợi nhuận hay chỉ là chiếc bánh vẽ

16:30 19/10/2013

Bán hàng đa cấp (bán hàng qua mạng lưới) là một hình thức kinh doanh được du nhập vào nước ta đã lâu và mang khá nhiều tai tiếng. Tuy nhiên, trước những khoản hoa hồng kếch xù, chỉ cần mua sản phẩm và giới thiệu cho người khác cùng mua là nghiễm nhiên “ngồi mát ăn bát vàng” đã khiến không ít người bị “mê hoặc”, sẵn sàng mua sản phẩm cao hơn giá trị thực nhiều lần. Không những vậy họ còn trở thành công cụ để công ty mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm.
Bán hàng đa cấp (bán hàng qua mạng lưới) là một hình thức kinh doanh được du nhập vào nước ta đã lâu và mang khá nhiều tai tiếng. Tuy nhiên, trước những khoản hoa hồng kếch xù, chỉ cần mua sản phẩm và giới thiệu cho người khác cùng mua là nghiễm nhiên “ngồi mát ăn bát vàng” đã khiến không ít người bị “mê hoặc”, sẵn sàng mua sản phẩm cao hơn giá trị thực nhiều lần. Không những vậy họ còn trở thành công cụ để công ty mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Cứ thế, nhiều khách hàng vốn là nạn nhân lại trở thành “tòng phạm” lôi kéo người khác tham gia để hưởng hoa hồng...

Đủ chiêu trò mời mọc tham gia bán hàng đa cấp

Gần đây, tôi “đột nhập” được vào hội nghị khách hàng của một công ty kinh doanh hàng đa cấp, có trụ sở ở quận Ngô Quyền. Điều khá bất ngờ là từ người thuyết trình viên cho đến các thành viên tham gia hội nghị đều ăn mặc khá lịch sự và ai nấy còn rất trẻ. Thấy tôi chăm chú quan sát và ghi ghi chép chép, một nam thanh niên ngồi bên cạnh thủ thỉ: “Ông bạn lần đầu tiên tham gia hội nghị hay sao mà ghi chép kỹ càng thế. Bán được nhiều sản phẩm chưa?”. “Dạ đúng là lần đầu tiên em tới đây. Hội nghị hoành tráng quá anh nhỉ. Mà thú thật em cũng chưa rành lắm về cái món đa cấp này đâu, anh làm ơn giải thích cho em rõ được không” - tôi hỏi lại. 

Không chút nghi ngờ về danh phận của tôi, nam thanh niên bắt đầu thao thao bất tuyệt rất nhiều thông tin mà thoạt nghe tôi cũng muốn tham gia bán hàng đa cấp. Nào là bán hàng đa cấp được thực hiện theo mô hình kim tự tháp, nếu mỗi nhân viên kinh doanh bán được hàng cho 3 người khác, 3 người này lại phát triển tương tự và cứ thế nhân rộng mạng lưới, từ đó mình có thể leo lên bậc thang của “quyền lực” và cả thu nhập khủng nữa.

Nếu có đủ lượng nhân viên cấp dưới (nói đúng ra là bán được nhiều sản phẩm-PV) thì có thể lên chức "tổ trưởng kinh doanh", rồi đến "chủ nhiệm kinh doanh", "phó phòng kinh doanh", "trưởng phòng kinh doanh và cuối cùng là Rubi - chức vụ cao nhất của nhân viên tham gia, rồi nâng hạng: bạc, vàng, kim cương, ngọc bích…. với mức thu nhập có thể lên tới hơn 10 triệu, 50 triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, ngoài ra còn có nhiều cơ hội được đi du lịch khắp nơi Á, Mỹ, Âu miễn phí.

Mặc dù anh này “tiếp thị” khá lưu loát nhưng vẫn thua xa người đàn ông thuyết trình viên đang dõng dạc giới thiệu sản phẩm trên bục hội nghị kia. Hết lời quảng cáo công năng tuyệt vời của sản phẩm, chốc chốc anh ta lại hướng xuống hội trường hỏi lớn: “Quý vị thấy sản phẩm của chúng tôi thế nào, có độc, có tốt không? Mau mau nhanh tay để có được sảm phẩm đa năng này đi quý vị ơi. Mà sản phẩm tốt như vậy, quý vị nên chia sẻ với người thân, bạn bè nhé...”. Phía hội trường đáp lại là những tiếng hô đồng thanh: “Tốt, sản phẩm tốt lắm, mua mua” và những tràng pháo tay đôm đốp dậy lên từ lực lượng nhân viên của công ty “gài” sẵn. Những “chiêu bài” đã đó nằm trong kế hoạch và có sự sắp đặt từ trước, thế nên nhân viên luôn phải ngồi kèm khách mời và có nhiệm vụ hô hào, vỗ tay để kích thích, tạo “tâm lý đám đông”.

                         

Tiếp đó, một cô gái trông vẻ khá phốp pháp, diện một bộ váy công sở điệu đà đứng lên giới thiệu phương pháp bán hàng với khoản thu nhập “trong mơ”. Theo như thuyết trình của cô này thì khách hàng mua một sản phẩm sẽ hiển nhiên trở thành nhà phân phối của công ty và có thể giới thiệu người khác vào mua hàng, kinh doanh. Giới thiệu bất cứ ai vào mua hàng thì đều được tích lũy điểm và có phần trăm hoa hồng. Điều hấp dẫn là không chỉ ăn hoa hồng trực tiếp mà còn ăn gián tiếp khi làm người kinh doanh chủ mạng lưới…

Sau màn “độc diễn” rất bài bản của cô gái, đến lượt đại diện người kinh doanh phát biểu chia sẻ cơ hội và kinh nghiệm bán hàng đa cấp sao cho có hiệu quả nhất. Đó là một người đàn ông chừng 35 tuổi, đáng người khá chuẩn với một bộ vét màu đen lịch lãm. Người đàn ông này hết kể về cuộc sống nghèo khó ngày xưa của anh ta như thế nào, khổ cực ra sao.

Rồi từ khi tham gia bán hàng đa cấp, cuộc đời anh đã thực sự đổi thay, anh có một gia đình hạnh phúc, tiền lúc nào cũng rủng rỉnh. “Các bạn ạ, tôi đã từng ở dưới đáy của xã hội, nghèo xơ nghèo xác, còn hiện nay tôi dám tự tin rằng tôi đã là một người thành đạt. Giờ tôi chỉ toàn “ngồi chơi xơi nước”, ấy vậy một tháng cũng bỏ túi vài chục triệu đồng mà không tốn một giọt mồ hôi nào cả” - nói đoạn, anh ta cảm ơn rối rít những người sáng lập ra công ty đã cho anh cũng như nhiều người cơ hội được “đổi đời”.

Lời phát biểu của “nhân chứng sống” như một ma lực khiến nhiều người tham gia hội nghị chen nhau tới mua hàng và đặt cọc tiền. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra ngỡ ngàng vì giá sản phẩm được đội lên rất nhiều so với thị trường, nhưng chẳng mấy ai đắn đo vì bỏ ra dăm bảy triệu mà được đổi đời thì chẳng sá gì. Được biết, công ty này thường tổ chức trả thù lao cho người kinh doanh một tháng một lần. Hôm trả thù lao đó tất nhiên cũng đã được sắp xếp kỹ càng, tổ chức hoành tráng, cùng với lượng khách mời rất đông. Các nhân viên kinh doanh được phát thù lao từ vài triệu đồng cho đến vài trăm triệu đồng.

Chẳng biết là số tiền đó có thực sự là của họ hay không, song việc họ ôm những cọc tiền to tướng, cộng với tiếng reo hò cuồng nhiệt của hàng trăm người kinh doanh (đã được huấn luyện, tập duyệt kỹ nên “diễn” đâu ra đấy) khiến cho khách mời cứ há hốc, mắt tròn xoe, thèm thuồng, muốn mình là chủ nhân của những cọc tiền lấp lánh đó. Thế nên, cứ sau mỗi buổi phát thù lao như vậy, công ty lại tiêu thụ được một lượng hàng rất lớn, kèm theo đó là mạng lưới được mở rộng, còn chủ doanh nghiêp cứ thế mà hót tiền…

Tiền mất tật mang

Qua tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, cơ quan chức năng cùng với báo chí đã phanh phui hàng loạt dấu hiệu lừa đảo, sai phạm của các công ty bán hàng đa cấp. Dù vậy, công ty này sập, công ty khác lại mọc lên và tiếp tục dùng những chiêu trò “bánh vẽ” khiến không biết bao con người bị cuốn vào vòng xoáy của các trò lừa bán hàng đa cấp. Người bị lừa vì muốn gỡ gạc lại số tiền mình bỏ ra lại trở thành kẻ tiếp tục đi lừa người khác, thậm chí lừa chính người thân và bạn bè mình.

Em Bùi Minh Thông, sinh viên một trường đại học tại Hải Phòng - người cũng đã vài năm “lăn lộn” với kinh doanh hàng đa cấp tiết lộ rằng: Thực tế, các công ty đa cấp bất chính không hề tạo ra lợi nhuận kinh doanh mà chỉ lấy tiền người sau trả cho người trước, họ cũng chẳng mấy quan tâm đến hữu dụng của sản phẩm, cốt yếu lôi kéo được nhiều người tham gia, qua đó thu lợi về mình. Còn những kinh doanh viên, một khi “tay đã nhúng chàm” thì phải theo đến cùng, dẫu biết việc làm của mình có thể gây thiệt hại kinh tế cho người khác…

Thông còn kể cho tôi nghe trường hợp của cô bạn cùng quê tên Nga, mới chân ướt chân ráo ra Hải Phòng học đại học, chưa gì đã máu làm ăn, tham gia vào một doanh nghiệp bán hàng thực phẩm chức năng theo hình thức đa cấp. Dùng tiền gia đình cho để đóng học phí, Nga đánh liều mua một hộp thực phẩm chức năng với giá “cắt cổ” để trở thành nhân viên kinh doanh.

Kế đó, Nga lao đầu tiếp thị, quảng cáo hết bạn trong lớp, rồi đến bạn ở quê, người thân nào cô cũng “nhờ” mua một hộp thực phẩm chức năng nhiều tác dụng từ mát gan đến bổ phổi rồi tăng cường sinh lực. Quá mê việc, Nga bắt đầu bỏ tiết, thường xuyên nghỉ học. Nhưng bù lại thời gian đầu được trả lương đôi triệu qua tài khoản. Thế rồi đột nhiên, công ty tuyên bố giải thể chẳng biết vì lý do gì. Nga bị mất việc, mất luôn mấy chục triệu đặt cọc lấy hàng.

Tương tự câu chuyện của Nga, không ít sinh viên rơi vào cảnh tiền mất tật mang, thậm chí nợ nần chồng chất vì trước đó đã trót vay mượn, cầm cố giấy tờ, tài sản để có tiền đầu tư. Anh Nguyễn Văn Hạnh, cựu sinh viên Trường ĐH Hàng Hải cho hay: Cách đây vào năm, nghe lời rủ rê của bạn bè, Hạnh đã bỏ ra 4 triệu để mua một chiếc máy lọc ozone của Trung Quốc. Hạnh còn dùng giấy chứng minh nhân dân của em trai và em gái đặt cọc mua thêm một chiếc máy say sinh tố và chiếc đồng đeo tay nữa. Nhưng cuối cùng, đồng hồ đeo tay chết máy vì bị nước vào, máy xay sinh tố thì bị cọc cạch sau vài lần sử dụng nên chẳng giám giới thiệu cho ai mua. Quá chán, Hạnh phải bỏ nghề bán hàng đa cấp, mà cục nợ thì neo lại, phải đi trông xe ở quán cà phê mấy tháng sau mới giải quyết xong nợ nần.

Không riêng gì Nga, Hạnh mà từng có nhiều người rất khó khăn về tài chính nhưng ước mộng làm giàu nhanh đã đi vay mượn tiền bạc, thậm chí vay nóng với lãi suất cao để mua hàng và trở thành thành viên của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, rốt cuộc lại phải gánh thêm nợ nần chồng chất. Và mặc dù đang là "con nợ" nhưng lúc nào cũng phải ăn diện cho thật chỉn chu, phải thể hiện được được hình ảnh một người thành đạt, giàu có thì... mới thêm phần thuyết phục được người khác tham gia mạng lưới của mình.

Riêng bản thân người viết bài cũng đã từng chứng kiến nhiều cảnh éo le khi bạn bè, anh em, dì cháu... "không thèm nhìn mặt nhau" khi bị đối phương "dụ dỗ" mua những món hàng với lời quảng cáo chất lượng vượt trội, tính năng vô cùng hấp dẫn nhưng sau khi sử dụng thì mới biết rằng mình đã bị lừa với giá bán trên trời, tiền mất nhưng tật vẫn phải mang…

 



QUẢNG BÌNH


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông