Kinh tế Hải Phòng quý 1 -Trụ vững giữa “vòng xoáy” Covid-19: (Kỳ 2) Dựa vào ưu thế của công nghiệp để phát triển

08:27 19/04/2020

Kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy, kinh tế quý 1 luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố tác động, nhất là thường bị gián đoạn bởi dịp nghỉ tết Nguyên đán truyền thống, cùng với đó là tâm lý “ăn chơi tháng Giêng” cũng khiến không ít hoạt động sản xuất, kinh doanh bị trì trệ. Bước sang năm 2020 này, lại thêm tác động từ dịch bệnh Covid-19, những tưởng Hải Phòng sẽ rất khó hoàn thành những chỉ tiêu chủ yếu, nhưng thực tế đã phản ánh rõ nét.

Dựa vào ưu thế nền tảng của công nghiệp để đưa Hải Phòng tiếp tục phát triển

Điều quan trọng là chúng ta đã dự báo rất chính xác và triển khai kịp thời các giải pháp, vừa căng mình phòng dịch, vừa khắc phục khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện cả đầu vào lẫn đầu ra đều gặp thách thức, chẳng hạn giai đoạn đầu dịch, việc nhập khẩu nguyên vật liệu, vật tư gặp khó, thì sau đó lại phải đối mặt với không ít hợp đồng bị hủy hoặc giãn hoãn.

Khó khăn mang tính dây chuyền lan từ những doanh nghiệp lớn có vốn FDI đến hệ thống vệ tinh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các mô hình sản xuất gia công phụ trợ. Tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn, tính chủ động cũng được phát huy từ cơ sở, một số doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, những doanh nghiệp khác cũng bám thị trường để phục hồi.

Kết quả là, hiện đa số doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Đơn cử, nhìn vào chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp là một ví dụ, trong tháng 3 vừa qua chỉ số tiêu thụ phục hồi tốt, tăng tới 14,65% so với tháng 2. Mặc dù giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, nhưng đi vào chi tiết thì một số ngành vẫn có chỉ số tiêu thụ tăng cao như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 39,7%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 22,4%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 18,5%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 18,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 12,7%...

Đáng mừng nữa là chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thời gian qua tương đối ổn định, là minh chứng rõ nét cho việc giữ vững nhịp độ sản xuất. Cụ thể phân theo khu vực, chỉ số lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ giảm 0,3%, thậm chí lao động khu vực vốn FDI còn tăng tới 4,4%.

Mặc dù vậy, hiện diễn biến dịch bệnh Covid-19 tiếp tục khó lường, nói theo cách nói của Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, chỉ khi nào dịch bệnh không còn trên thế giới thì cuộc chiến phòng chống dịch của chúng ta mới thực sự thành công. Nghĩa là, những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế của Hải Phòng trong quý 1 rất ấn tượng, nhưng khó khăn thách thức vẫn tiếp diễn, gây áp lực lớn cho việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy mới đây, nhiều ý kiến đánh giá đều cho rằng, hiện chưa thể dự báo dịch bệnh diễn ra đến khi nào mới kết thúc. Khi mà sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ bị giảm sút nhiều hơn trong quý 2 do phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô. Mặt khác, ách tắc về nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc bước đầu được tháo gỡ, nhưng mối lo lớn nhất bây giờ lại là đầu ra của sản phẩm, nhất là với các thị trường Âu, Mỹ… 

Vấn đề đặt ra là, với một thị trường rộng lớn như vậy, hàng xuất khẩu từ Việt Nam chịu chi phối từ nhiều phía trong các mối quan hệ thương mại quốc tế. Chưa kể, bản chất của hàng xuất khẩu Việt Nam là chiểm tỷ trọng gia công rất cao, nên việc kiểm soát thị trường ngoài nước cũng là vấn đề hết sức phức tạp. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, kinh tế Hải Phòng cũng như cả nước đang được đặt trong những tác động đa chiều, mà về lâu dài chúng ta khó có thể đơn phương bứt phá.

 Rõ ràng là phải nhận diện đúng thực trạng, phân biệt rõ cơ hội và thách thức, trước mắt là ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì nhịp độ tăng trưởng. Ở tầm quốc gia, một số giải pháp đã được đề xuất,  như việc chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi vay hoặc giãn nợ đối với những khoản vay đến hạn mà doanh nghiệp chưa trả nợ gốc; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, giãn nộp thuế, chậm nộp bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất… Gần đây nhất, những đề xuất gói hỗ trợ doanh nghiệp, giảm giá điện và xăng dầu, bước đầu đã tạo những hướng mở quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước.

Theo nhận định của Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, mức độ ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh trong thời gian tới là rất lớn, thậm chí còn sâu hơn cả đợt suy thoái kinh tế cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, những năm qua Hải Phòng đã tạo dựng được nền tảng, tiềm lực kinh tế khá vững chắc, giờ càng cần phát huy tinh thần tiến công mạnh mẽ.

Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho biết, mặc dù khó khăn hơn nhưng Hải Phòng chưa tính tới việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế, xã hội trong lúc này mà cần phải tiến về phía trước. Trong đó cần tập trung theo hướng chủ đạo vào ưu thế của sản xuất công nghiệp, tạo mọi điều kiện để duy trì sản xuất và phát triển. Cùng với đó, các dự án đầu tư FDI đã đăng ký và các dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong nước sẽ được quan tâm triển khai sớm và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đồng thời tiếp tục thu hút các dự án mới.

Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành khẳng định, trước mắt nhiệm vụ hàng đầu là phòng chống dịch Covid-19 thành công, nhưng bên cạnh đó cũng cần rà soát tất cả chương trình, kế hoạch, các cơ chế, chính sách đề ra từ đầu năm, đưa bằng được các nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế- xã hội, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, biến nguy cơ thành cơ hội phát triển.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông