Sau 20 ngày trưng bày tại Hà Nội, 5h ngày 19-10, anh Phạm Đức Thịnh mớivề tới Hải Phòng. Dù vất vả với quá trình vận chuyển từ Hà Nội về TP HồChí Minh (phải sử dụng 20 chiếc xe tải cỡ lớn) song khi gặp chúng tôi,anh vẫn nở nụ cười tươi và dành một buổi để tiếp chuyện về siêu phẩmnày.
| Anh Thịnh bên cây cảnh |
Khi tôi mào đầu câu chuyện: “Sao anh lại chọn tác phẩm gắn liền với một sự kiện lịch sử của dân tộc?”. Anh Thịnh bộc bạch: “Gần 10 năm trước, tôi đã nung nấu thực hiện một tác phẩm cây cảnh thật đặc biệt, không “đụng hàng” với bất kỳ tác phẩm nào. Rồi đến khi có thông tin kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi nghĩ phải có một tác phẩm mang tính lịch sử” - anh bắt đầu bộc bạch.
Ngô Quyền - người anh hùng của chiến thắng Bạch Đằng năm 938 - xứng đáng với danh hiệu là “vị tổ trung hưng” của dân tộc. Sau chiến thắng Bạch Đằng, dân tộc ta bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Đó là kỷ nguyên của văn minh Đại Việt, của văn hóa Thăng Long, kỷ nguyên phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, một kỷ nguyên rực rỡ của các nhà Lý, Trần, Lê. Tiếp đến là cuộc dời đô của vua Lý Thái Tổ từ thành Hoa Lư về Thăng Long bằng thuyền. Với những ý nghĩa đó, anh Thịnh quyết tâm làm một tác phẩm cây cảnh mang tên “Chiến thắng Bạch Đằng”.
Thế nhưng, việc tái hiện lại một tác phẩm có ý nghĩa lịch sử đâu phải là đơn giản. Tác phẩm này phải được trình bày trên những chiến thuyền và những chiến thuyền phải bằng gỗ sao đen. Xin nói thêm rằng, sao đen là loài thực vật thuộc chi sao, họ dầu, có đặc tính gỗ tốt, chịu được nước. Loài này có ở Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanma, Thái Lan và Việt Nam, cây gỗ lớn thân thẳng, thuôn dài, cao từ 20 - 30m. Thân cây có những lằn nứt dọc theo thớ, màu đen (lõi gỗ bên trong có màu hơi đỏ). Hoa nhỏ mọc thành chùm khoảng 11, 12 nhánh, mỗi nhánh có từ 4-6 hoa nhỏ màu trắng như hình ngôi sao. Tuy nhiên, loài cây này gần như đã tuyệt chủng ở Việt Nam, chỉ còn 2 hàng sao đen ở phố Lò Đúc (Hà Nội). Do đó, anh Thịnh chỉ hy vọng có thể tìm được lũa (phần lõi của cây gỗ) còn ngâm dưới lòng đất, lòng sông suối từ hàng ngàn năm trước.
Sau khi nghiên cứu các loại tài liệu, tham khảo một số nhà khoa học, thấy khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên từng là nơi phân bố của loài gỗ quý này từ hàng ngàn năm trước. Anh Thịnh đã lặn lội khi lên rừng, lúc xuống biển dọc các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận cho đến Đồng Nai, Đắc Lắc… Anh tìm gặp những người chơi lũa nổi tiếng nhất và đặt họ tìm giúp những thân lũa sao đen thật lớn, to ngang với con thuyền. Món hàng anh đặt vô cùng khó, nhưng khi anh tuyên bố bất kể giá nào cũng mua, thì các ông chủ đều tung quân đi tìm kiếm.
Cả năm trời lùng sục, tìm kiếm, cuối cùng Phạm Đức Thịnh đã mua được 5 cây lũa sao đen, đều thuộc hàng lớn nhất Việt Nam. Những cây lũa này đều mua được rải rác ở vùng Phú Yên, Tánh Linh (Bình Thuận), Gia Lai và Đồng Nai với giá cả tỉ đồng mỗi cây. Trong số 5 cây lũa chế tác thành những chiến thuyền này, thì cây lũa mua được ở Đồng Nai là lớn nhất. Kỳ công hơn, anh đã nhờ các chuyên gia, dùng phương pháp phóng xạ các-bon và biết rằng tuổi của các khúc gỗ này đều từ 1.000 đến gần 2.000 năm tuổi.
5 khúc gỗ khổng lồ được chuyển về TP. Hồ Chí Minh. Anh Thịnh đã thuê một xưởng rộng, cùng với cả chục nghệ nhân tạo tác lũa và vài nghệ nhân chăm sóc, tỉa tót cây cảnh. Những khúc gỗ lũa được đẽo gọt thành những chiến thuyền. Mọi tác động của búa, đục đều giảm tối đa, nhằm giữ nguyên được vẻ đẹp tự nhiên của lũa. Khúc gỗ khổng lồ anh Thịnh mua được, sau khi đẽo gọt, tạo tác, đã hình thành chiến thuyền có đường kính 1,4m và dài 10m. Có được chiến thuyền rồi, kế đến là việc chọn cây, mua cây đem về tạo dáng. Những loại cây đưa vào tác phẩm này phải là những cây già, nhỏ, đẹp, mang đúng ý tưởng của tác phẩm.
Quá trình mua đá trầm tích cũng không kém phần kỳ công. Loại đá này có màu đen, đẹp, rất phù hợp với màu của gỗ lũa sao đen. Đây là loại đá chỉ có ở Đảo Yến (Khánh Hòa). Ngư dân đi biển, thường rẽ vào Đảo Yến dùng xà beng moi vài chục kg, giấu vào thuyền rồi chạy ngay vào đất liền. Riêng chi phí cấy đá vào những chiến thuyền này đã ngốn của anh cả tỉ bạc. Đá trầm tích được cấy cẩn thận vào những chiến thuyền gỗ lũa. Các loại cây phôi sau khi được chọn lựa kỹ lưỡng mới được trồng lên những tảng đá trên chiến thuyền. Con suối nhân tạo chạy dọc chiến thuyền, luồn qua những “núi đá”, vừa tạo cảnh đẹp, lại có tác dụng giữ ẩm cho cây, tạo lớp rêu phong rất cổ kính.
Mỗi chiến thuyền đều mang một ý tưởng riêng. Chiến thuyền lớn nhất trồng toàn bộ loài mai chiếu thủy. Anh đặt tên tác phẩm này là “Thụ lâm bồng thạch”, có nghĩa là rừng cây cổ thụ nằm trên đá. Tác phẩm gồm 28 cây mai chiếu thủy, tương ứng với 28 vì sao trên bầu trời. Theo các nhà chiêm tinh, bầu trời chia ra 4 hướng, mỗi hướng gồm 7 vì sao, gọi là nhị thập bát tú. Căn cứ vào các chùm sao, mà các nhà chiêm tinh (cổ đại có thể luận giải được các quy luật của cuộc sống, biết được thời tiết nắng mưa, bão gió (thủy triều)… từ đó mà sống theo quy luật tự nhiên. Con thuyền chở tác phẩm “Thụ lâm bồng thạch” luôn được anh Thịnh đặt theo hai hướng Đông và Tây. Ý nghĩa của nó là: Con người (biết tuân) theo quy luật trời đất thì tồn tại, không theo quy luật trời đất thì bị diệt vong. Hướng Đông là con đường đúng và hướng Tây là con đường tối.
Tác phẩm thứ 2 và thứ 3 lý giải kỹ hơn cho “quan điểm quy luật cuộc sống” của con thuyền thứ nhất. Tác phẩm 2 và 3 này đều là những khúc gỗ sao đen cực đẹp, dài 8m và 8,5m. Cả hai tác phẩm đều trồng tùng la hán. Tác phẩm 2 có tên “Ngũ đại thập quốc” (mang ý nghĩa là 5 triều đại với 10 vương quốc lớn đã từng xâm lược nước ta) và “Ô long tuyền” (dòng suối đen). Hai chiến thuyền chở tùng la hán biểu tượng cho quân xâm lược Nam Hán, được đặt hướng mũi về phía Tây, thể hiện tư tưởng đen tối, nên tất yếu sẽ đi đến kết thúc thảm bại. Hai chiến thuyền còn lại có tên “Cổ tùng sơn” và “Thạch thụ tương sinh” trồng toàn cây duyên tùng. Hai con thuyền cây này thể hiện khí phách của người Việt. Hai con thuyền được sắp đặt quay đầu về hướng Đông, nghĩa là đi về phía mặt trời mọc, thể hiện vận mệnh tươi sáng của đất nước.
Cứ mỗi tác phẩm hoàn thiện ở TP. Hồ Chí Minh, anh Thịnh lại cho xe tải cỡ lớn chở ra Bắc. Hành trình chở mỗi tác phẩm, như kiểu rùa bò, phải mất nửa tháng trời. Những ngày tác phẩm di chuyển trên đường, là những ngày anh Thịnh mất ăn, mất ngủ. Theo anh Thịnh, để hoàn thiện tác phẩm này, anh đã phải tốn rất nhiều công sức, lặn lội gần chục năm trời và chi phí ngót 20 tỉ đồng.
Anh Thịnh có thể bán toàn bộ tác phẩm này với giá 3 triệu USD, nếu đối tượng mua là người yêu cây trong nước (không bán ra nước ngoài) hoặc một tổ chức xã hội lớn.
Theo anh Thịnh, giá của tác phẩm này không phải là vấn đề lớn, cái nổi bật của nó nằm ở tính văn hóa lịch sử và tùy vào cách cảm nhận của từng người chơi cây cảnh. Đúng như một triết gia đã từng nói: “Cái đẹp không ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình”. Với anh Thịnh, tác phẩm cây cảnh “Chiến thắng Bạch Đằng” là tác phẩm cây cảnh độc đáo. Sở dĩ anh cho đây là tác phẩm không những độc đáo nhất nước, mà độc đáo nhất thế giới, bởi vì, người chơi cây thường chơi theo ý thích của mình. Người ta tạo dáng cây theo quan niệm cuộc sống. Với tác phẩm của anh, một cuộc chiến vĩ đại đã được tái hiện, vừa mang ý nghĩa biết ơn với tiền nhân, vừa nhắc nhở về một truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.
ĐỖ HIẾU |