Mùa lễ hội làm nóng thị trường

10:34 24/02/2019

Chẳng biết tự khi nào, câu ca “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã thấm sâu vào đời sống dân tộc Việt, cứ đến dịp này là người người đua nhau đi lễ, trảy hội, du xuân… khiến thị trường hàng tiêu dùng lại được phen náo nhiệt. Dịp đầu xuân Kỷ Hợi 2019 này cũng vậy, dù thời tiết có lúc không thuận lợi, nhưng không khí nhộn nhịp của lễ hội cũng không hề thuyên giảm.

Lễ hội tác động mạnh mẽ vào thị trường hàng hóa

Thực phẩm lại tăng giá

Việc thị trường hàng hóa cơ bản bình ổn trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, được coi là một thành công lớn, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, mà vai trò của các siêu thị đóng góp tính chủ quan có thể nói là cao nhất. Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, một phần cơ bản mang tính khách quan là tình trạng khó khăn về kinh tế, của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Tuy nhiên, diễn biến thị trường những ngày sau tết, nhất là từ khoảng mùng 7 âm lịch, đã bẻ lái quay theo chiều ngược. Nhiều mặt hàng tăng khá cao so với trước đó mấy ngày, tập trung đa số vào thực phẩm.

          Đây cũng là quy luật tất yếu, vì ngay sau tết có cả chuỗi những sự kiện liên quan làm nhu cầu tiêu thụ tăng cao, bắt đầu từ việc đốt hóa vàng, rồi cúng rằm tháng Giêng, đến sắm lễ trẩy hội. Khổ một nỗi, làm ăn càng khó khăn thì càng nhiều người bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm linh, nên tiết kiệm sắm tết nhưng lại không tiếc tiền vung vào việc thờ cúng. Những ngày này so với trước tết, giá thịt lợn tăng bình quân khoảng 5%, giá thịt gà ta tăng khoảng 10%... so với trong tết. Trong khi đó, chỉ có thủy sản giữ giá khá ổn định, vì nhu cầu sử dụng không còn cao như thời điểm ngay sau tết, nhưng hàng hóa không nhiều và chất lượng cũng giảm sút.

Tăng cao nhất có lẽ thuộc về các mặt hàng hoa quả, tập trung vào những loại thiết yếu cho sắm lễ cúng. Chẳng hạn như quýt đường từ 30.000 đồng lên 40.000 đồng/kg; vú sữa từ 45.000 đồng lên 55.000 đồng/kg, xoài cát từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng/kg, xoài Thái từ 35.000 đồng lên 45.000 đồng/kg, dưa hấu từ 15.000 đồng lên 22.000 đồng/kg… Riêng rau xanh đã xuất hiện tình trạng phân hóa tăng giảm khác nhau, đáng chú ý là nhiều loại khan hiếm do hết mùa vụ. Cũng so với dịp tết, giá các loại cải, cúc, ngải… tăng khoảng 30%, trong khi những loại khác như đậu co-ve, bí, khoai tây… lại giảm từ 10 đến 15%. Hiện tại, hầu hết các diện tích rau màu tự cung trên địa bàn thành phố đã được chuyển sang trồng lúa, một số mới bắt đầu vào vụ mới, nên câu trả lời cho lượng hàng bù đắp thời gian tới còn để ngỏ.

Mặt khác, theo một số ý kiến thì một trong những nguyên nhân dẫn đến dấu hiệu khan hàng là do các các nguồn cung chưa kịp chuyển hàng đáp ứng nhu cầu sau tết, nhất là hàng tươi sống. Đáng mừng là, dù hoạt động theo sóng hình sin nhưng do nhiều nguyên nhân tác động nên thị trường hàng hóa tết năm nay cơ bản không có sự đột biến đến mức tiêu cực lớn. Còn thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu thụ tiếp tục gia tăng do các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng dày đặc cũng là điều hết sức bình thường. Dẫn đến Khoảng cách giữa nguồn cung và nguồn cầu chắc chắn sẽ bị nới rộng, nhưng sẽ chỉ mang tính cục bộ về thời gian.

Dịch vụ xe khách phục vụ lễ hội “nóng” theo từng ngày

 “Cháy” xe chở khách…

Cứ mỗi độ xuân về, người Việt bỏ cả tháng Giêng làm “tháng ăn chơi” cho những trận tiệc tùng, lễ hội... Khỏi phải bàn nhiều về giá trị tinh thần, bởi đây là sự tích tụ từ nghìn năm, nhưng nhìn từ góc độ thị trường, nét văn hóa hưởng thụ này lại xứng đáng là chất xúc tác cực mạnh, đơn cử như dịch vụ cho thuê phương tiện.

Từ Hải Phòng có quá nhiều điểm đến, gần có hội Chùa Hương-Chùa Thầy-Trăm gian (Hà Nội), rồi Yên Tử-Cửa Ông (Quảng Ninh), “Bà chúa kho”, hội Lim (Bắc Ninh), Côn sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Keo (Thái Bình), Phủ Giày-Đền Trần (Nam Định); xa nữa là đền Hùng (Phú Thọ), đền Mẫu (Lạng Sơn), đền cô Chín ông hoàng Mười ở miền Trung… người Hải Phòng cứ nượp nượp kéo đi không mệt mỏi. Đây chính là lý do khiến thị trường dịch vụ phương tiện nhộn nhịp trong dịp này. Bà Đỗ Thị D., cán bộ công đoàn của một doanh nghiệp chia sẻ, vì lãnh đạo doanh nghiệp quyết định cho cán bộ, nhân viên công ty đi lễ hội hơi muộn, nên trong mấy ngày qua bà đôn đáo di thuê xe mà không được. Cuối cùng công ty bà D. phải chấp nhận “mua” lại một hợp đồng vào ngày nghỉ cuối tuần thông qua môi giới, giá dịch vụ tăng lên gấp rưỡi so với giá thị trường.

Hiện khá khó thống kê được toàn thành phố có bao nhiêu điểm dịch vụ cho thuê xe, vì thực tế có những chỗ chủ nhà treo biển “cho thuê” nhưng chỉ để môi giới chứ chẳng có chiếc xe nào. Hơn nữa một trong những nguyên nhân khiến giá dịch vụ xe khách dịp này khó định lượng, cũng bởi tuyến đi và thời gian không cố định. Chính vì vậy, dẫn đến việc các hợp đồng bị mua đi bán lại hoặc đơn phương hủy, làm giá dịch vụ lúc tăng khi giảm thất thường. Theo ông Long – một người môi giới thuê xe ở đường Lạch Tray, thì ngày thường giá cước chỉ bình quân 10.000 đồng/km, hoặc thuê theo ngày thì mỗi xe 24 chỗ mất khoảng 2,4 triệu/ngày, nhưng mùa lễ năm nay giá tăng từ 15 đến 20%, cá biệt có khách sẵn sàng trả nhiều hơn người khác, miễn là có xe.

Ông Cần-một đầu mối dịch vụ xe ở đường Tôn Đức Thắng cho biết: “Trước kia chỉ có xe từ 12 chỗ trở lên đắt khách, còn bây giờ xe nào cũng có người thuê”. Ông Cần cũng cho biết thêm, thuê xe to khó hơn vì số lượng hạn chế nhưng nhu cầu người đi theo đoàn đông lại cao, tuy nhiên ngay cả phân khúc xe nhỏ cũng rất nhiều khách quan tâm, phục vụ các gia đình thuê để tự lái. Chẳng hạn với xe tự lái, với các dòng xe nhỏ giá rẻ, ngày thường chỉ khoảng 600.000 đồng khống chế đi dưới 200km, thì dịp lễ có nơi đòi tới 1 triệu đồng mà còn khan, chưa kể các loại xe đẹp, các chủ xe kén khách nên giá “trên trời” cũng… “cháy”.

           Ngoài nhu cầu lễ hội, ra Giêng cũng là thời điểm kéo dài của mùa cưới, hơn nữa mấy ngày gần đây kéo theo mưa phùn, nên thị trường thê xe đã “nóng” càng thêm “nóng”. Không chỉ có xe tư nhân, mà ngay các xe taxi cũng bị cuốn vào, một tài xế taxi tuyến dài bật mí: “Nếu khách gọi điện đến điều hành của hãng, phải nói là thuê cả ngày hoặc từ 50km trở lên mới có xe, còn thuê đi một hai chục km thì còn xe cũng coi như hết…”. Thậm chí, ngay cả các taxi tuyến gần bị hạn chế tầm hoạt động, các anh tài cũng liều phá lệ, tranh thủ kiếm thêm.

 Nhìn lại mấy năm gần đây, cứ đến thời điểm này dịch vụ thuê xe lại tái diễn cảnh khan hiếm. Nhưng khổ nỗi nguồn cầu tăng nhưng nguồn cung lại phải tính chuyện khai thác cho cả các thời điểm khác, nên biết vậy nhưng xem ra hạn chế này chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông