Những chiến sỹ quân phục trắng trong trại giam

15:23 23/10/2010

Họ là những chiến sĩ mặc “quân phục trắng” trong trại tạm giam HảiPhòng, đúng hơn là những y, bác sĩ chuyên thăm khám và điều trị bệnhcho tất cả phạm nhân từ khi vào trại đến khi đi thi hành án.
Họ là những chiến sĩ mặc “quân phục trắng” trong trại tạm giam HảiPhòng, đúng hơn là những y, bác sĩ chuyên thăm khám và điều trị bệnhcho tất cả phạm nhân từ khi vào trại đến khi đi thi hành án.

Bác sỹ chăm sóc phạm nhân tại trại tạm giam Hải Phòng
Bác sỹ chăm sóc phạm nhân tại trại tạm giam Hải Phòng

Khác với công việc của nghề y ở các trung tâm y tế hay bệnh viện, đối tượng mà họ đã và từng tiếp xúc khám chữa bệnh là những phạm nhân. Nếu không phải gánh nặng tình người, vì con người thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Ở trại tạm giam Công an thành phố, đội ngũ y, bác sĩ luôn được mọi người cảm phục.

Ở trại giam, số phạm nhân nghiện ma tuý không phải là ít. Trong số đó nhiều phạm nhân mắc bệnh lao phổi, nhiễm HIV và chuyển sang AIDS giai đoạn cuối. Các y, bác sỹ phải điều trị tất cả. Vất vả nhất là điều trị cắt cơn nghiện và các bệnh nhiễm trùng. Được cái là vào trại, phạm nhân cắt cơn nhanh, ngày thứ hai đã phải đi tắm nước lạnh và đến ngày thứ tư trở đi họ có thể không còn vật vã với thuốc nữa. Biết bao ngày tháng “chẳng biết mình là ai” bây giờ họ được điều trị, ăn uống đúng giờ cho dù điều kiện và chế độ không được như ở gia đình.

Bệnh xá của trại có nhiều phạm nhân mắc các bệnh khác nhau, nhưng phần đông vẫn là bệnh nhân HIV bị các bệnh nhiễm trùng sinh ra lở loét, lao phổi, zola, nấm miệng, tiêu chảy… Khi đến giờ kê thuốc, bác sỹ phải giám sát để họ uống thuốc trước mặt vì có người tiêu cực không chịu uống thuốc, nhiều khi phải động viên, dỗ dành. Nói chung, số phạm nhân bị HIV hoặc đã chuyển sang AIDS thường nghĩ tiêu cực do bệnh tật hoặc người thân bỏ rơi, khi được chăm sóc thuốc men họ rất ngoan và biết ơn bác sỹ.

Nói vậy thôi, vẫn có những người chống đối không chịu uống thuốc hoặc tuyệt thực, thậm chí còn tự cắn đứt ven tay để tự sát. Manh động hơn, họ lấy tăm chọc chân răng cho chảy máu để định nhổ vào mặt bác sỹ. Vì đã có kinh nghiệm và dụng cụ bảo hộ an toàn, nên khả năng tự bảo vệ của các y, bác sĩ tương đối bảo đảm. Những trường hợp như vậy vẫn điều trị cho họ tử tế để bệnh tình thuyên giảm. Lúc đó họ thấy hối hận và xin lỗi.

Quá trình điều trị cho họ, diễn biến bệnh của họ như thế nào, các y, bác sĩ đều nằm vững cả. Có người bệnh tình nguy kịch chỉ tính bằng ngày nhưng các chiến sĩ mặc “quân phục trắng” vẫn một mực cứu giúp với tinh thần “còn nước còn tát”, không bỏ rơi một ai. Nhiều ánh mắt đờ dại, vô hồn như van xin các y, bác sĩ mà thấy đượm buồn về kiếp người “trời đày” của họ.

Phạm nhân bị AIDS điều trị ở bệnh xá hay ở bệnh viện thường ít có người thân chăm sóc, do gia đình quá mệt mỏi hoặc không còn người thân thì việc chăm sóc, thuốc men ăn uống trại đều phải lo hết. Có trường hợp do bệnh quá nặng được thay đổi biện pháp ngăn chặn hay tạm hoãn thi hành án, khi gọi người nhà đến nhận, họ một mực khước từ và nói “mọi việc nhờ nhà nước”. Phải động viên rất nhiều thì họ mới mang người thân về gia đình và cũng không ít trường hợp khác các y, bác sĩ phải “vào vai” người thân của họ, làm những thủ tục cuối cùng...




Có một chuyện buồn của một cặp vợ chồng nghiện từng buôn bán ma túy đã bị nhiễm HIV. Người chồng đã chuyển sang AIDS, lở loét đầy người. Trong một lần chuyển buồng điều trị họ nhìn thấy nhau. Hôm đó, các bác sĩ mủi lòng và phá lệ vì biết họ sắp đi thi hành án ở trại giam khác, nên mới cho họ gặp nhau mấy phút. Hai vợ chồng nhìn nhau không nói, người vợ nói với chồng: “Ôm em đi lần cuối rồi sau đây mỗi người ở một trại. Nếu chết mỗi người sẽ ở một ngọn đồi hoang lạnh”. Người chồng chần chừ vì anh ta đang lở loét, song người vợ nhắc: “Đừng ngại, cứ ôm em đi”. Mọi người đều chứng kiến, ai cũng ứa nước mắt.

Số phạm nhân nữ vào trại có người mang thai và vì phạm tội nguy hiểm nên cơ quan điều tra vẫn phải ra lệnh tạm giam. Trông nom số phạm nhân này rất phức tạp, phải thăm khám liên tục và đưa về bệnh viện sản để kiểm tra, nhất là nhưng tháng cuối. Do trong buồng giam ít đi lại, nên đến cận ngày sinh họ vẫn chưa chuyển dạ. Thường như thế, có người phải mổ khi sinh con.

Những đêm có phạm nhân đi đẻ, các cán bộ rất vất vả, phải có người trông coi, canh gác, làm thủ tục nhập viện và lo chế độ… Anh em trong trại thường bảo với nhau, vợ mình đẻ cũng không phải lo thế này, thậm chí đi công tác về thì đã nhìn thấy con. Phạm nhân sinh con “mẹ tròn con vuông” thì không sao, nếu trục trặc thì phải trông coi canh gác kéo dài. Ca nào có quản giáo nữ thì đỡ, chứ đàn ông mặc quần áo công an cứ kè kè ở cửa phòng hộ sinh cũng thấy bất tiện vô cùng.

Không ít chuyện cảm động như số phạm nhân không có gia đình hoặc ít tuổi, khi sinh không biết chồng là ai và ở đâu, y tế trại phải mua đồ mang theo và chu cấp cho đầy đủ. Chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh trong trại cũng khó khăn lắm, nhất là những phạm không có người thân. Được cái mọi người điều thương và quý hóa, từ phạm nhân cùng phòng đến các thầy cô quản giáo.

Như biết thân phận, bọn trẻ hầu như chẳng ốm đau gì, cũng không khóc lóc quấy quả, cứ ăn rồi ngủ, ai bế cũng được. Hàng tháng, cán bộ y tế trại thay nhau bế các cháu ra phường tiêm chủng như những đứa trẻ bình thường ở ngoài đời. Ra phường tiêm chủng đôi khi cũng thấy buồn cười vì sự chu đáo và thường được ưu tiên tiêm sớm để mang về trả cho mẹ cháu. Trong các dịp lễ tết, trại thường trích kinh phí mua thêm sữa, quần áo cho con của các phạm nhân. Nhiều phạm nhân trong buồng giam có gì ngon thường nhường cho cả mẹ và con.

Trong trại có tiếng trẻ con cũng thấy vui nhưng nghĩ lại thấy tội cho đám trẻ vì ấu thơ đã phải theo mẹ ở tù. Rồi đến một ngày khi đám trẻ cứng cáp là lúc mẹ của chúng phải đi thi hành án ở các trại khác là nảy sinh vấn đề phức tạp. Nếu có gia đình thì mời lên nhận con, nhận cháu về trông nom, nếu không phải theo mẹ đi trại. Có trường hợp không có gia đình đón nhận, trại phải làm thủ tục gửi vào Làng trẻ Hoa Phượng.

Cái ngày mẹ con phải xa nhau, khi làm thủ tục bàn giao mẹ con họ bịn rịn sụt sùi nước mắt. Hoặc khi có bà nội, bà ngoại nhận cháu về nuôi, trông mà thấy tội làm sao. Lại có phạm nhân án dài phải đi thụ hình ở nơi xa, khi bàn giao con về Làng trẻ Hoa Phượng đã khóc lên khóc xuống. Khi được cầm giấy tờ bàn giao, người nào cũng gục người chết lặng vì biết rằng hàng chục năm nữa khi ra tù tìm về đứa con liệu nó nhận mình không? Nhưng đây có khi lại là điều tốt cho đứa trẻ vì được gửi vào nơi tin tưởng an toàn và có thể có một tương lai khác mẹ của chúng. Nhìn những người bà ôm cháu vào lòng bế ra khỏi trại, nhìn những đứa trẻ theo mẹ lên xe đi thi hành án, ai cũng xót thương vì đứa trẻ đẻ ra đã có “cung tù”. Có người thốt lên “trời ơi muôn nẻo đường tù, mà tại sao lại rơi lên đầu những đứa trẻ còn trứng nước như vậy...”.

Trong trại giam, thỉnh thoảng lại có người nhà của phạm nhân đã chết đến gặp và cứ khẩn khoản xin tờ lệnh tha hoặc giấy ra trại. Anh em nói với họ rằng, không có thẩm quyền nhưng họ cứ năn nỉ đòi xin bằng được, thậm chí còn nói cho họ lệnh tha viết tay cũng được chỉ cần đóng dấu đỏ. Gặng hỏi mãi, họ mới nói thật rằng, xin về để đốt ở mộ con và còn năn nỉ để cháu xuống âm phủ là công dân đã được tự do.

Nghe nói vậy ai cũng thông cảm, nhưng chỉ biết động viên họ ra về và cán bộ y tế không được phép làm những việc theo yêu cầu của các gia đình. Mặc dù bị bệnh tật chết trong trại giam, họ vẫn được chăm sóc y tế, được chôn cất mồ yên mả đẹp. Cầu cho họ, kiếp sau nếu có luân hồi làm người trở lại thì là người lương thiện. Nghe những chuyện mà các y, bác sĩ trong trại giam đã từng làm, từng chứng kiến, từng cư xử... mới thất họ rất xứng đáng được trân trọng!

ĐỊA LAN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông