10:29 14/04/2018 Khoảng 5 năm trở lại đây, cứ mỗi dịp cuối tuần, tại một làng chài nhỏ ven sông Lạch Tray thuộc địa phận phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, người ta lại thấy rộn rã tiếng líu lô tiếng Anh của bọn trẻ. Đó là lớp tiếng Anh miễn phí mà các sinh viên Câu lạc bộ Help to fly thuộc Trường Đại học Hải Phòng đang cần mẫn trên hành trình chắp cánh ước mơ cho những em nhỏ nơi đây.
Miệt mài “gieo” những con chữ
Một buổi sáng cuối tuần những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp theo Bùi Thị Huyền (sinh viên năm 2, Trường Đại học Hải Phòng) đến thăm lớp học tiếng Anh của các em nhỏ ở xóm Thuyền, phường Ngọc Sơn.
Men theo triền đê quanh co dẫn vào làng chài, hiện ra trước mắt chúng tôi là những căn nhà lợp tôn chắc chắn nằm san sát bên nhau. Đây chính là nơi cư ngụ của vài chục gia đình ngư dân thuộc phường Ngọc Sơn. 8h sáng, xóm chài khá yên vắng bởi hầu hết người lớn đều ra sông đánh cá mưu sinh.
Vừa dẫn chúng tôi vào lớp, Huyền vừa tâm sự: “Trước kia điều kiện khó khăn hơn nhiều, bọn em phải dạy trên những con thuyền bập bềnh theo con nước. Sau này được bác trưởng xóm cho mượn phòng sinh hoạt chung để dạy nên giờ “tiện nghi” hơn rất nhiều”. Nói rồi Huyền cười ngượng nghịu: “Các chị đến nơi thì đứng đợi em một lát nhé. Lớp của em hầu hết đều là học sinh tiểu học. Bọn trẻ vẫn chưa có kỷ luật nên việc tập hợp lâu lâu một chút”.
Lớp học vỏn vẹn có 3 học sinh
Nói xong Huyền vội rảo bước gõ cửa từng nhà để gọi các em lên lớp. Sau gần 30 phút vừa gọi vừa nhắc nhở thì lớp mới ổn định quân số những… 3 học sinh. Vậy nhưng, khi giờ học chính thức, sự chệch choạc ban đầu chợt tan biến khi cô giáo trẻ bắt đầu viết những dòng chữ đầu tiên lên bảng. Phía dưới, những mái tóc còn đỏ hoe vì nắng cũng cặm cụi viết theo. “Red, blue, black, white” - tiếng trẻ tập phát âm trong trẻo vang lên phá tan làm xao động không khí tĩnh lặng nơi xóm chài.
Giờ giải lao, Huyền cho các em nghỉ tại chỗ 15 phút. Lúc này chúng tôi mới có dịp trò chuyện và hiểu hơn về cô trò nơi đây. Làng chài Ngọc Sơn còn được gọi với một tên khác là Xóm Thuyền vốn là một làng chài nhỏ nằm ven sông Lạch Tray, quận Kiến An.
Cách đây hơn 20 năm, người dân nơi đây quanh năm ăn, ngủ, nghỉ, đến sinh con đẻ cái hay hiếu hỷ cũng chỉ vỏn vẹn trên chiếc thuyền là tài sản lớn nhất của cả gia đình. Những đứa trẻ nơi đây không giống những đứa trẻ nơi phố thị, niềm vui của chúng chỉ là ngày ngày được theo bố mẹ rong ruổi đi khúc sông nọ, đoạn hồ kia đánh cá. Quà bánh là thứ xa xỉ hiếm có chứ nói gì đến con chữ.
Nhưng đó chỉ là câu chuyện của nhiều năm về trước, vài năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của nhà nước, của chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội, cuộc sống lênh đênh sông nước của những người dân thuyền chài đã dần ổn định. Họ đã được tạo điều kiện có một nơi cư ngụ trên bờ, từ đó cuộc sống có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Không chỉ con cái mà bản thân họ cũng được làm quen với con chữ, biết viết tên mình, biết tính toán cộng trừ nhân chia chuẩn xác. Và điều kỳ diệu hơn nữa là những mầm non của họ giờ đây có cơ hội được tiếp cận với ngoại ngữ - một thứ tưởng rằng quá xa lạ với tất cả con người nơi đây.
Hành trình "gieo" những con chữ đòi hỏi các sinh viên tình nguyện phải kiên trì, nhẫn nại
Vào các ngày cuối tuần, bọn trẻ rủ nhau cắp sách đến lớp học thêm do các anh chị trong Câu lạc bộ Help to fly để học thêm Tiếng Anh. Trong những đôi mắt đen lay láy, trong veo ngồi học nơi đây, ai dám chắc rằng các em sẽ không có một tương lai thành đạt. Một nhà doanh nghiệp, một trí thức hay đơn giản chỉ là một người công nhân lao động với một cuộc sống dư dả hơn những gì mà bố mẹ chúng đang tạo dựng nơi đây.
Là con thứ trong gia đình có hai chị em, Trần Trung Thành (học sinh lớp 4, trường Tiểu học Ngọc Sơn) được bố mẹ cho theo học lớp tiếng Anh của cô Huyền đã 2 năm nay. Là con trai nhưng khi được các cô phóng viên hỏi chuyện, Thành ta cũng thẹn thùng lắm: “Ngày trước, lúc không học cháu thường theo bố mẹ lên thuyền đi đánh cá. Nhưng từ khi học lớp tiếng Anh này cháu thấy thích hơn. Các anh chị ấy dễ gần, nhất là hay mua sách vở, đồ chơi cho chúng cháu nữa”.
Khác với Trần Trung Thành, dù mới học lớp 1 nhưng Đào Thị Ngân Khánh lại tỏ ra bạo dạn hơn hẳn. Ngồi hóng chuyện của Thành mãi nên khi được hỏi chuyện, Khánh hớn hở lắm. Cô bé líu lo kể về bố mẹ mình với những chuyến đi đánh lưới, những buổi bắt được mẻ cá to bằng bắp đùi cả nhà vui như tết. Rồi Khánh dõng dạc khẳng định: “Cháu sẽ làm cô giáo vì cô giáo được mặc áo dài, được chấm điểm cho nhiều người bằng bút màu đỏ”…
Chắp cánh những ước mơ
Lớp học tiếng Anh miễn phí được Trường Đại học Hải Phòng tổ chức với phương châm, mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một thiên thần và những tình nguyện viên sẽ giúp các em bay cao bay xa để vươn tới những ước mơ.
Theo Bí thư liên chi đoàn khoa Ngoại Ngữ - giảng viên Lê Thị Hồng Hà, lớp học đặc biệt này được mở từ năm 2014 và được chia thành nhiều lớp khác nhau theo trình độ của các em nhỏ. Trung bình mỗi lớp có từ 3-6 em. Hầu hết các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy đều được các thành viên trong câu lạc bộ đóng góp và tự chuẩn bị.
Cô Hà tâm sự: Thời gian đầu khi mới mở lớp, các em còn mải chơi và không chịu học. Nhưng bằng sự tâm huyết, nhiệt tình tuổi trẻ của các sinh viên tình nguyện, các em dần dần thích nghi với môi trường khá lạ lẫm này. Và điều thú vị là sau thời gian gắn bó, có rất nhiều em lại tỏ vẻ “thích chơi” và quý mến các anh chị tình nguyện thực sự.
Khi được hỏi có nản không khi lớp học chỉ vỏn vẹn chỉ có 3 học sinh, Huyền lắc đầu. Em tâm sự: “Chúng em đều học chuyên ngành sư phạm, việc dạy thế này chính là cơ hội tốt để chúng em luyện rèn kỹ năng sư phạm cũng như tính kiên trì, nhẫn nại. Nếu dạy trẻ em thành phố có điều kiện thì đó là việc quá dễ dàng.
Nhưng dạy các em nơi đây, tận mắt thấy hoàn cảnh thiếu thốn ấy ai cũng thấy thương chúng nhiều hơn. Nhất là những lớp học buổi chiều, nhìn các em đứng nhìn theo cô trên triền đê khi hoàng hôn xuống, thấy thương chúng như những đứa em nhỏ của mình vậy!”.
Hy vọng sẽ có những "quả ngọt" từ những nỗ lực không mệt mỏi của các sinh viên tình nguyện
Lắng niềm xúc động, Huyền chợt mỉm cười vui vẻ: “Không dễ gì được lên chức “thầy cô” đâu các chị nhé! Để được đứng lớp ở đây, chúng em cũng phải trải qua tuyển chọn của câu lạc bộ. Sau đó còn phải soạn giáo án nộp cho các giảng viên thẩm định chứ không phải cứ thích gì là giảng đấy đâu.
Để trò không “chán” cô mà bỏ học, mỗi người chúng em lại có những chiêu riêng để giữ “mối” như sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức trò chơi nhóm để “hai bên” gắn kết nhau hơn”.
Tiếng chuông hẹn giờ reng reng báo hiệu bắt đầu giờ học. Nhìn “cô giáo” trẻ măng lại cặm cụi viết những con chữ lên bảng, lũ học trò lại líu lo đọc theo cô. Chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc cộng đồng xã hội mà đại diện là những cô cậu sinh viên tình nguyện đã dành cho những con người còn nhiều khó khăn nơi đây.
Hy vọng rằng, với những gì mà các thành viên trong câu lạc bộ Help to fly đã và đang làm sẽ giúp các em nhỏ làng chài ven sông có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. Biết đâu từ những “Hello, How are you” nơi đây sẽ góp phần biến những mơ ước của Thành, của Khánh, của Trang: “Học giỏi để kiếm được nhiều tiền, sẽ mua nhiều thứ, được đi chơi nhiều nơi như trong sách”… thành hiện thực.
Ngân Hạnh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết