16:38 29/03/2014
Trong chuyến công tác ngắn ngày ra huyện đảo Bạch Long Vỹ, chúng tôi có dịp được đến thăm những thầy cô giáo đang công tác tại Trường mẫu giáo tiểu học Bạch Long Vỹ. Qua câu chuyện giản dị, vồn vã, chúng tôi phần nào hiểu được cuộc sống của họ - những con người coi đảo là nhà, là nơi gắn bó cuộc sống dài lâu của mình. Họ mang trong mình tình yêu biển đảo tha thiết, mang khát vọng “gieo mầm” tri thức đến với hòn đảo khô cằn sỏi cát, xây dựng nơi đây ngày một giàu đẹp, xanh tươi… Tình yêu biển đảo bao la Với giọng nói đậm chất “sóng gió” và thái độ niềm nở, cô Vũ Thị Hà - giáo viên lâu năm của huyện đảo kể về quá trình “gieo chữ” nơi đây. Năm nay tuy mới 45 tuổi nhưng cô đã có thâm niên gần 20 năm công tác ngoài đảo. Là một trong hai giáo viên đầu tiên xung phong ra đảo, cô Hà tâm sự: “Mình quê gốc ở Cát Bà. Trước khi ra Bạch Long Vỹ, mình từng công tác tại Trường tiểu học Lê Thiện (An Dương). Năm 1996, mình xin ra đây sau một chuyến thăm quan ngoài đảo 1 tuần. Mình thường trêu mọi người: ngoài Bạch Long Vỹ thích lắm, như đảo của Mai An Tiêm vậy”. Chia sẻ thêm về lí do ra đảo, cô Hà cho biết mình là dân biển chính gốc, do vậy không ngại sóng gió khi lênh đênh nhiều tiếng liền trên biển. Nơi đây lại có không khí trong lành, người dân sống chan hòa, cuộc sống bình yên, không bon chen, lo lắng, vì vậy ra đây một thời gian ngắn cô đã hòa nhập được ngay và xác định coi nơi đây là nhà của mình. Hồi mới ra đảo, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn mọi thứ. Lúc đó trường chưa được xây dựng, cô Hà cùng một đồng nghiệp khác phải mượn địa điểm dạy học ở khắp nơi, từ ủy ban huyện cho đến nhà dân. Phòng học là 2 gian nhà tạm bợ, các cô phải đảm nhiệm dạy nhiều lớp với nhiều lứa tuổi học sinh khác nhau. Đồ dùng học tập, sách giáo khoa… là niềm mơ ước “xa xỉ” của cô và trò lúc bấy giờ. Cô cho biết: “Lúc ấy trên đảo toàn là cát và xương rồng. Đời sống của mọi người còn khổ lắm. Dạy học trong điều kiện thiếu thốn đủ mọi thứ, nhiều lúc mình cũng thấy nản nhưng có sự quan tâm của chính quyền, phụ huynh, đặc biệt là sự yêu quý của học sinh là sợi dây níu giữ mình ở lại. Học sinh ở đây ít lắm nên các cô đều coi chúng như con cháu trong nhà, dạy bằng cả lương tâm, tình thương và trách nhiệm”. Đối với cô, “kì tích” xảy ra là khi cô dạy thành công một học sinh tự kỉ. Năm 7 tuổi, cháu Nhân Quyết mới được đến trường. Không giống bạn bè cùng trang lứa, em không biết nói, không có cảm xúc, mắc chứng rối loạn hành vi khiến cho cô gặp nhiều khó khăn trong việc dạy dỗ. Quyết mồ côi bố từ nhỏ, mẹ ra đảo bán hàng nuôi hai anh em. Thương cậu học trò thiệt thòi, cô bỏ ra nhiều công sức dạy dỗ, đưa em trở lại một cậu bé phát triển bình thường khi mà đã không ai tin cô có thể làm được điều đó. Ra đảo năm 25 tuổi thì đến năm 28 tuổi cô lấy chồng. Chồng cô là một thanh niên xung phong, ra đảo theo tiếng gọi của tình yêu. Cô kể: “Hai đứa yêu nhau khi còn ở quê. Lúc mình xin ra đảo, ông xã cũng không ủng hộ lắm, nhưng thấy mình kiên quyết nên đành đồng ý. Muốn đi cùng mình đi nhưng gia đình không cho nên anh phải trốn. Ra đây anh xin vào thanh niên xung phong”. Hiện nay gia đình cô có hai cậu con trai đã lớn, đang theo học ở trong đất liền. Chồng cô theo vào chăm các con, còn mình cô ở lại tiếp tục sự nghiệp “trồng người”. Tình yêu bắt nguồn từ nơi sóng gió Trong số 7 thầy cô giáo đang công tác tại đây, thầy Ngô Quang Minh là giáo viên nam duy nhất của đảo. Cũng giống cô Hà, lí do anh xin tình nguyện ra đảo là vì muốn trải nghiệm thử cuộc sống nơi đây nhưng không ngờ chính đảo Bạch Long Vĩ lại là nơi mai mối, vun đắp tình yêu của anh, khiến anh quyết định ở lại làm dân đảo “chính hiệu”. Hiện anh là Hiệu trưởng quản lý Trường tiểu học - mẫu giáo Bạch Long Vĩ, kiêm nhiệm Phó phòng Văn xã huyện.
Là con trưởng trong một gia đình có 2 anh em trai ở xã Liên Khê (Thủy Nguyên), tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học K39 của Trường ĐHHP, anh Minh được người nhà giới thiệu ra Bạch Long Vỹ công tác. Năm đó anh mới 23 tuổi - cái tuổi muốn “bay nhảy”. Lúc đó anh coi việc ra đảo dạy học là một cuộc “phiêu lưu” thú vị. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến đây chính là được mọi người ở đảo ra đón rất đông. Chính tình cảm ấm áp của những người xa lạ đã xóa đi trong anh cái cảm giác lạc lõng, bơ vơ nơi quê người. Sự chân thành, yêu thương, đoàn kết của người dân nơi đây đã giúp anh vượt qua khó khăn ban đầu, thích nghi dần với cuộc sống. Anh tâm sự: “Hồi mới ra, mình còn nhiều bỡ ngỡ với cuộc sống khó khăn nơi đây như: đảo xa đất liền, điện chỉ có buổi tối, nước sinh hoạt thiếu, thông tin liên lạc bằng điện thoại còn hạn chế, internet thì chưa có. Thầy và trò ít lắm, chỉ có 5 thầy cô và khoảng 60 học sinh. Cơ sở vật chất còn hạn chế, trang thiết bị giảng dạy thiếu, việc cọ xát, tính thi đua của giáo viên và học sinh cũng bó hẹp trong khuôn khổ nhất định. Hơn nữa, đại bộ phận các gia đình còn mải làm ăn kinh tế nên việc học của con cái thường phó mặc cho nhà trường. Điều đó tạo không ít áp lực cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ mới vào nghề”. Nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo huyện, anh cùng các đồng nghiệp luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn đặc thù huyện đảo để hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục. Cuộc sống tập thể và sự động viên của mọi người đã giúp anh không còn cảm giác nhớ nhà, nhớ đất liền. Đặc biệt, tình cảm ngây thơ của các em học sinh và lòng yêu nghề, yêu trẻ đã giúp anh vượt qua khó khăn để bám trụ lại. Đến nay, sau gần 12 năm công tác, huyện đảo đã là quê hương thứ hai của anh và gia đình. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, những đêm dài trằn trọc vì nhớ nhà, anh dần quen với cuộc sống hiện tại một phần lớn là nhờ tình yêu của chị Phạm Thị Nhung - nữ thanh niên xung phong, vợ anh. “Năm 2002, mình ra đảo công tác thì gặp vợ đã ở đảo từ năm 2000. Chúng mình cùng ăn chung một bếp tập thể, lại là đồng hương Thủy Nguyên, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn giống nhau nên có sự đồng cảm. Qua 2 năm quen biết, đến năm 2004 thì chúng mình xây dựng gia đình và chuyển hộ khẩu ra đảo, thành dân Bạch Long Vĩ. Cuộc sống của gia đình mình hiện nay rất hạnh phúc, tuy không giàu có những cũng đảm bảo được sinh hoạt chung. Gia đình mình có một cháu trai Minh Quang - 10 tuổi, tháng 8 tới, gia đình mình đón thêm một thành viên nữa. Mình rất hài lòng với cuộc sống hiện tại” - anh vui vẻ chia sẻ. Chia tay với chúng tôi, anh Minh cho biết: Hiện toàn trường có 40 học sinh (25 học sinh mẫu giáo, 15 học sinh tiểu học). Năm học vừa qua, số học sinh khá, giỏi chiếm gần 80%. Cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Vào đầu các năm học, nhà trường luôn được Sở Giáo dục cấp phát sách giáo khoa, sách tham khảo, sách giáo viên và trang bị tủ sách thư viện cho thầy và trò nhà trường, lãnh đạo UBND huyện trang bị đầy đủ đồ dùng học tập, văn phòng phẩm từng năm học. "Mong ước của thầy trò chúng tôi là trong tương lai không xa, trường luôn rộn rã tiếng cười của học sinh. Các em có một môi trường học tập toàn diện, đồng bộ như đất liền" - anh Minh tâm sự. Hi vọng rằng ước mơ của thầy và trò trường Bạch Long Vỹ sẽ sớm trở thành hiện thực và ngày càng có nhiều học sinh trưởng thành trở về xây dựng huyện đảo ngày một phát triển đi lên. Minh Hương |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết