10:30 15/02/2018 Những ngày giáp Tết Nguyên đán, cũng chính là thời điểm các hộ nông dân trồng hoa, cây cảnh ở ngoại ô tất bật bước vào đợt chăm sóc cao điểm lớn nhất trong năm để rồi mang về sắc xuân cho thành phố…
Công phu nghề chăm cây
Chúng tôi tìm về xã Đặng Cương, huyện An Dương đúng vào lúc bà con nông dân đang dồn tất cả công sức và lực lượng lao động chăm sóc cho những vườn quất, vườn đào, hải đường để cây sinh trưởng, phát triển tốt, đúng thời điểm phục vụ thú chơi tao nhã của người dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Một điều khá đặc biệt là đường dẫn đến các vườn đào, quất đã được bê tông hóa kiên cố, xe ô tô có thể vào tận nơi đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi về giao thông, giúp bà con tiêu thụ nhanh sản phẩm mình làm ra.
Nước da đen sạm sau nhiều ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để chăm sóc cho vườn quất của gia đình, ông Đỗ Đắc Phiến, ở thôn Thành Công cho biết, bắt đầu trồng quất từ năm 2006, trong 3 năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ông đều thất bại.
Không nản chí, ông lặn lội lên tận Hưng Yên và đến các chủ vườn lân cận để học tập kinh nghiệm về ứng dụng cho khu vườn nhà mình.
Từ thành công bước đầu, đến nay trong vườn nhà ông có trên 300 gốc quất. Theo ông Phiến, trồng quất phải bỏ nhiều công sức hơn trồng đào và các loại cây cảnh khác kể từ lúc xuống cây đến khi ra hoa để làm sao đậu được nhiều quả, ra nhiều lộc.
Ông Phiến cho biết thêm, để thành công hay thất bại từ trồng quất, ngoài kinh nghiệm tích lũy thì “ông giời” vẫn là yếu tố quyết định nhất. Nhớ lại cách đây 2 năm, ông Phiến mất trắng cả vườn quất do mưa lớn, nước trên ruộng không thoát được, dẫn đến quất bị thối rễ và chết mòn. Theo ông Phiến, thời tiết năm nay tương đối thuận, quất phát triển tốt. Mỗi cây ông dự kiến bán ra thị trường tết với giá thấp nhất là 500.000 đồng/cây, cao nhất từ 5-6 triệu đồng/cây. Trừ chi phí và tiền thuê nhân công, ông sẽ thu lời trên 200 triệu đồng…
Đến vườn cây cảnh của ông Đỗ Đắc Song, cùng ở thôn Thành Công, chúng tôi càng bị hút mắt khi lạc vào vườn quất với gần 300 gốc, chủ yếu là quất tán và quất thế. Ông Song chia sẻ, ngay từ tháng 11 âm lịch, nhiều người chơi quất cảnh, một số cơ quan trên địa bàn thành phố đã đến vườn để đặt mua.
Nếu “giời thương”, với giá bán dự kiến trong dịp tết Nguyên đán từ 3-7 triệu đồng/cây, cây đẹp bán 10 triệu đồng, thì năm nay, gia đình thu lãi trên 300 triệu đồng… Đây cũng là năm thứ 12, gia đình ông Song chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả để phát triển nghề trồng quất cảnh phục vụ Tết. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình cũng từng bước ổn định và có thu nhập cao…
Tô thắm hương sắc mùa xuân
Anh Đỗ Đình Tiến, sinh 1987, ở thôn 7, xã Đặng Cương, đang thoăn thoắt đôi tay bẻ lá cho vườn đào nở rộ đúng dịp Tết phấn khởi cho chúng tôi hay, anh vừa mới hoàn thành con đường bê tông chạy thẳng vào ruộng đào của gia đình. Nếu như những năm trước đây, sau khi đánh gốc đào đưa vào chậu, anh phải thuê nhân công khênh lên bờ để đặt vào ô tô đưa đi tiêu thụ, thì nay, xe từ 5-7 tấn có thể vào tận nơi chở đào.
Anh cũng cầu trời ủng hộ nông dân để vườn đào đem về cho gia đình trên 200 triệu đồng. Theo anh Tiến thì đào bích là loại được chuộng dùng, có đặc điểm nổi trội là tán rộng, hoa kép thắm đỏ rải đều khắp các cành, bông to, dày cánh, nở rộ rất đẹp. Anh cũng chia sẻ thêm: “Đào là loại cây khá khó tính, mình vừa trồng để chúng phát triển tốt, vừa phải chăm bón, cắt tỉa ở từng giai đoạn sao cho chúng nở hoa đúng thời điểm. Từ khi trồng và cho thu hoạch mất khoảng 3 năm. Việc tạo thế cho cây cảnh phải mất nhiều thời gian”.
Kinh nghiệm của anh Tiến, để chọn thời điểm tốt cho hoa trổ bông đúng dịp Tết không hề đơn giản. Nếu hoa nở trước hoặc sau tết thì coi như thất bát cả năm…
Qua tìm hiểu được biết, nắm bắt được nhu cầu thị hiếu và thú chơi cây trong dịp Tết, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng diện tích trồng đào, quất. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng đã cho hiệu quả kinh tế cao gấp trên 10 lần so với cấy 2 vụ lúa, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động lúc nông nhàn ở các vùng quê.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thuận, Chủ tịch UBND xã Đặng Cương cho biết, tính đến cuối năm 2017, diện tích trồng hoa, cây cảnh của xã lên đến hơn 100ha, với hơn 1.100 hộ tham gia, góp phần giải quyết việc làm cho 40% tổng số lao động địa phương.
Đặng Cương được đánh giá là xã có diện tích trồng hoa, cây cảnh lớn nhất huyện An Dương. Mỗi năm, doanh thu từ nghề trồng hoa, cây cảnh của xã ước tính từ 45-50 tỷ đồng. Đã có 2 làng Tri Yếu và Đồng Dụ được UBND TP công nhận là làng nghề trồng hoa, cây cảnh…
Cũng theo ông Nguyễn Thế Thuận, để tạo điều kiện cho bà con nông dân mở rộng diện tích, chính quyền xã đã xác nhận giúp nông dân vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời tận dụng các nguồn kinh phí đầu tư, kiên cố hóa kênh mương nội đồng và đường giao thông nông thôn sạch đẹp để giúp các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Được biết, ngoài xã Đặng Cương, một số xã ở các địa phương khác như Đồng Thái (An Dương), Tân Dân (An Lão), Ngũ Phúc, Thanh Sơn (Kiến Thụy), Hạ Lũng (Hải An) cũng đang mở rộng diện tích trồng đào, quất, hoa ly, hoa lay-ơn (giống mới của Hà Lan, Đan Mạch), hoa loa kèn trái vụ… để chủ động nguồn hoa phục vụ tết Nguyên đán.
Các mô hình trồng hoa, cây cảnh đã giúp bà con nông dân làm quen với biện pháp kỹ thuật tiên tiến như nuôi cấy mô, tách mầm và nhân giống, bảo quản giống trong kho lạnh đồng thời chủ động xây dựng được vùng trồng hoa chất lượng cao với các giống mới. Điển hình là lay-ơn đỏ đô Pháp, đỏ mập Đài Loan, đỏ đô cần đen, tím cẩm Hà Lan, lay-ơn tứ sắc, ngũ sắc…
Có thể thấy, người đất Cảng đã và đang chủ động nắm bắt công nghệ, trồng được các loại hoa, cây cảnh giống nhập ngoại có chất lượng tương đương với hoa trồng tại Đà Lạt. Đặc biệt, ở một số địa phương đã có sự vào cuộc của doanh nghiệp xây dựng vùng trồng hoa chuyên canh.
Một mùa xuân mới lại về với đất trời. Với những bàn tay cần cù, khéo léo, những người nông dân trồng hoa, cây cảnh tại các vùng ngoại thành Hải Phòng đã góp phần tô thắm hương sắc cho mùa xuân đến với muôn nhà…
Lê Hòa
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết