10:39 06/12/2017 “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Từ “cửa sổ” này mở ra biết bao điều tốt đẹp, kỳ diệu của cuộc sống. Ấy vậy nhưng nếu cánh cửa đó bất ngờ đóng sập vĩnh viễn thì liệu thế giới này đối với họ có còn diệu kỳ? Vào một ngày đầu đông, chúng tôi tìm đến với những người không may bị ông trời lấy đi đôi mắt để cùng lắng nghe, chia sẻ những tâm tư. Và rồi những câu chuyện ấy giúp chúng tôi nhận ra rằng, dù đôi mắt bị khiếm khuyết nhưng họ vẫn mang trong mình trái tim lành lặn, đem yêu thương để đón nhận yêu thương…
Kỳ 1. Những phận đời éo le
Cổ nhân đã đúc kết “giàu 2 con mắt, khó đôi bàn tay”. Đời người có lẽ không gì đau khổ bằng thiếu hai con mắt để nhìn. Không ánh sáng, trước mặt họ chỉ là một màn đêm đen tối, vì thế những người không may bị khiếm thị không chỉ khổ sở, vất vả trong sinh hoạt hàng ngày mà còn gập ghềnh trong cả cuộc sống mưu sinh.
Hai mươi tuổi - độ tuổi đẹp nhất của thời con gái với bao ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi đẹp nhưng với Lê Thị Phương (sinh năm 1997, ở phường Văn Đẩu, quận Kiến An) – bị khiếm thị bẩm sinh do đẻ non lại khó khăn hơn bao giờ hết. Là con gái duy nhất trong gia đình có 5 anh em, bố mẹ ngày đêm bươn chải mưu sinh để nuôi gia đình khiến em càng khó khăn hơn trong sinh hoạt hàng ngày.
Với cách trao đổi có phần ngây ngô, rụt rè do ít được tiếp xúc với mọi người, Phương kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời, về gia đình và những khó khăn mà em đã trải qua. Sinh ra vốn không hoàn hảo, nhà nghèo, bố mẹ ngày đêm vật lộn với gánh nặng cơm áo gạo tiền nên tuổi thơ Phương không có điều kiện cắp sách đến trường, không được vui đùa hồn nhiên như bao bạn nhỏ cùng trang lứa. Cuộc sống sáng tối đan xen, bủa vây khiến em cứ dần cuộn mình trong cái kén nhỏ đầy tự ti mà em ngày ngày dệt một dày lên.
Rồi một ngày kia, Phương được mẹ cho đến học tại trường khiếm thị thành phố. Lần đầu tiên em được tiếp xúc với những người có cùng hoàn cảnh với mình, được rà tay trên con chữ dành riêng cho người khiếm thị, được đọc ê a cách ghép vần đầu tiên. Để rồi từ những con chữ ram ráp ấy, em chợt nhận ra rằng thế giới xung quanh rộng mở và bao la quá, không đen tối và lặng lẽ như góc nhà nhỏ hàng ngày em vẫn đắm chìm. Khóa học kết thúc, Phương xin mẹ cho tham gia đoàn văn nghệ của Hội người mù quận, thường xuyên đi giao lưu, biểu diễn với các trường, các đơn vị khác với mong muốn có thêm một chút thu nhập để giảm bớt khó khăn cho gia đình. Giờ đây, khi đã là cô gái đôi mươi, những ước mơ về một công việc ổn định, một ngôi nhà hạnh phúc cho riêng mình vẫn được Phương nuôi dưỡng, bồi đắp giúp em có thêm động lực để sống, để tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn sau này…
Chị Bình chia sẻ những tâm tư
Giống như Phương, nhưng câu chuyện cuộc đời của chị Đào Thị Bình (48 tuổi), lại có nhiều éo le, ngang trái hơn khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Không bị mù bẩm sinh nhưng con đường ánh sáng của chị Bình cứ ngắn dần theo dòng trôi của thời gian. Sinh ra trong một gia đình làm nông tại xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, ban ngày cắp sách đến trường, tối về chị lại tranh thủ phụ giúp việc gia đình. Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến năm chị tròn 18 tuổi, không phát bệnh, không ốm sốt nhưng đôi mắt chị cứ một ngày mờ đi không rõ lý do.
Những đồng thu nhập ít ỏi từ vài sào ruộng được bố mẹ gom góp lại để đưa chị đi chữa trị. Lên huyện, ra thành phố rồi đến tận trung ương, thóc gạo trong bồ ngày càng cạn kiệt, bố mẹ chị xoay ra vay mượn họ hàng, bà con chòm xóm để quyết tâm cứu lấy nguồn sáng cho con. Tiền của đổ vào những đơn thuốc chẳng khác nào muối bỏ bể, vậy mà gia đình vẫn phải nhận cái lắc đầu đầy bất lực của bác sỹ. Trong lúc rơi vào tuyệt vọng, chị như phát điên khi người mà chị yêu thương nhất cũng lặng lẽ bỏ chị ra đi. Để lại mình chị vừa chống chọi với căn bệnh, vừa phải cưu mang đứa con vừa mới tượng hình trong bụng. Người mắt sáng nuôi con đã khó, với người khiếm thị như chị Bình càng lắm gian nan. Mọi sinh hoạt, chăm sóc con cái chị đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của ông bà ngoại. Nhìn đứa con sinh ra không được nhận sự yêu thương trọn vẹn từ người cha, lại phải sống cả đời với người mẹ mù khiến chị càng thêm xót xa, tủi nhục. Bao nhiêu đêm nằm ôm con trong nước mắt, đã có lúc nghĩ quẩn, chị định tìm cho mình một lối thoát cho cuộc đời. Thế nhưng tiếng khóc như xé lòng khi đứa con giật mình thiếu mẹ khiến chị choàng tỉnh. Gạt đi nước mắt, dồn nén nỗi đau, chị quyết tâm vượt lên số phận, lấy đứa con làm động lực để vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống.
Nhiều người khiếm thị vượt lên số phận, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống
Theo thống kê, tại Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu người mù lòa hoặc có thị lực kém; 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Còn tại Hải Phòng, chưa có thống kê chính xác con số cụ thể nhưng theo Hội người mù thành phố, tính đến hết 6 tháng năm 2017, thành phố có 1.950 người hiện đang là hội viên của Hội người mù, trong đó có 860 hội viên nam, 1.090 hội viên nữ.
Theo các tài liệu y khoa, ngoài khiếm thị bẩm sinh do lỗi gen di truyền còn có rất nhiều nguyên nhân gây ra mù lòa hoặc giảm thị lực nghiêm trọng như có chấn thương do tai nạn hoặc các loại bệnh lý.
Số người khiếm thị trong xã hội không ít, nhất là những người mù hai mắt, không biết chữ, không nghề nghiệp, việc làm không ổn định, không phù hợp, cuộc sống phụ thuộc vào gia đình, người thân. Người mù thiếu thông tin, mặc cảm về thân phận. Không bằng cấp, không nghề nghiệp, sức khỏe không như người bình thường, những người khiếm thị luôn mang trong mình mặc cảm về bản thân.
Những người bị mất hoàn toàn hoặc một phần thị lực đều rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, khó chấp nhận với cuộc sống thực tại, buồn chán, sống trong sợ hãi, thậm chí còn bị trầm cảm nặng sau những sang chấn về tâm lý. Và với những người khiếm thị, thời gian, sự cảm thông và sẻ chia từ những người xung quanh chính là liều thuốc tinh thần hữu hiệu giúp họ vượt lên số phận để tìm cho mình những công việc phù hợp với khả năng lao động, tìm thấy “ánh sáng” mới của cuộc đời mình…
(còn nữa)
Bùi Hạnh – Phạm Ngân
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết