02:19 20/08/2013 Đa tài và đa tình, mặc dù còn rất trẻ nhưng Khúc Hải Vân – Phó Giám đốc Trung tâm tin học Tia Sáng đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể: Cá nhân là "Hiệp sỹ công nghệ thông tin", Trung tâm nhận giải thưởng "ICT thắp sáng niềm tin 2007", là nhân vật chính của chương trình “Người đương thời”, giám đốc dự án tamhonvietnam.net, chủ nhân của giải thưởng Chim én … Hắn có một danh sách dài những fan hâm mộ từ mọi miền đất nước, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Đa tài và đa tình, mặc dù còn rất trẻ nhưng Khúc Hải Vân – Phó Giám đốc Trung tâm tin học Tia Sáng đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể: Cá nhân là "Hiệp sỹ công nghệ thông tin", Trung tâm nhận giải thưởng "ICT thắp sáng niềm tin 2007", là nhân vật chính của chương trình “Người đương thời”, giám đốc dự án tamhonvietnam.net, chủ nhân của giải thưởng Chim én … Hắn có một danh sách dài những fan hâm mộ từ mọi miền đất nước, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bạn sẽ còn nể Vân hơn khi biết hắn chưa từng một lần được nhìn thấy ánh sáng trong đời.
Hiệp sỹ ánh sáng Cha mẹ Vân tần tảo bán cơm hộp sớm hôm để trang trải cuộc sống, cả gia đình chật vật trong ngôi nhà nhỏ ở một con hẻm, phố Khâm Thiên, Hà Nội. Sinh năm 1982, mắt không nhìn được nhưng với cây gậy trong tay, từ bé Vân đã phải mò mẫm học cách sử dụng tối đa thính giác và khứu giác để định vị đường đi. Vân nói vui: “Dân mù bọn mình đi ra đường là phải xác định đối mặt với những vụ va chạm thường xuyên với các chướng ngại vật trên vỉa hè như cây cối, xe cộ và cơ man là các thứ khác phục vụ cho mục đích mưu sinh của những người dân “bám vỉa”. Mình phải để ý từng tí một như mùi của từng con phố, tiếng người hay tiếng phương tiện… để biết rằng chính xác mình đang ở nơi nào”… Không có tiền để đến các lớp đào tạo tiếng Anh, Vân không ngần ngại lê la ngoài bờ hồ, “túm” lấy bất cứ ông tây bà đầm nào để được… giúp đỡ họ. Cách học trực tiếp lý thú này đã nhanh chóng giúp hắn nghe nói tiếng Anh chuẩn xác. Vân bắt đầu tìm hiểu máy tính, một thứ khá mới mẻ đối với người khiếm thị. Ngay lần đầu tiên chạm vào bàn phím, hắn hiểu rằng hai chữ “tin học” chính là bước ngoặt cuộc đời mình. Song, việc học không dễ dàng như Vân tưởng, hắn phải tự học thuộc lòng các thao tác phím, mò mẫm sử dụng các phần mềm phức tạp. Quá nhiều khó khăn trong những ngày đầu, nhưng không sao, “cứ bước đi rồi đường sẽ phẳng”. Người bạn đồng cảnh Phạm Sơn Hà chính là cây gậy chỉ đường, giúp hắn dần tiếp cận với tin học. Vân giỏi tiếng Anh, Hà giỏi máy tính, họ nhanh chóng trở thành cặp đôi ăn ý hỗ trợ đắc lực cho nhau. Với thiện ý giúp các bạn đồng cảnh có cơ hội dùng máy tính, hắn mang phần mềm dành cho người khiếm thị đến một số quán internet để nhờ cài đặt nhưng điều hắn nhận được là những lời từ chối với ý coi thường, và hắn hiểu mình cần làm 1 điều gì đó. Năm 2005, Trung tâm tin học Tia sáng ra đời, chính là tâm huyết của hắn và Hà. Trung tâm đã thu hút hàng nghìn học viên, trang bị cho họ kiến thức cơ bản về tin học, giúp họ có thể tự tìm cho mình một công việc để lập thân. Cũng chính từ mô hình này, tại các tỉnh thành trong cả nước, đã có thêm rất nhiều trung tâm dạy tin học cho người mù khác ra đời. Vân và Hà lại hì hục bắt tay soạn bộ giáo trình đào tạo tin học cho người khiếm thị bằng âm thanh và hình ảnh. Họ gấp rút hoàn thành việc chuyển đổi bộ giáo trình này sang công nghệ Daisy Book (sách điện tử kỹ thuật số dễ tiếp cận cho người khuyết tật). Với việc hoàn thành bộ giáo trình đặc biệt này, họ đã giúp người mù có cơ hội phát triển chứ không chỉ quẩn quanh với việc vót tăm tre, làm chổi. Năm 2006, Khúc Hải Vân đã được tạp chí Echip tôn vinh là Hiệp sỹ công nghệ thông tin. Cũng trong năm này, Vân đỗ vào khoa Văn Trường ĐHKHXH&NV. Hắn vừa đi học, vừa làm thầy giáo xóa mù cho bọn trẻ. Năm 2007, Trung tâm Tin học Tia sáng được nhận giải thưởng "ICT thắp sáng niềm tin 2007". Người say mê vác… “tù và” Hắn không chỉ say mê tin học mà còn say mê làm tình nguyện viên. Bố mẹ thường mắng yêu Vân “mày là đứa ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng trong hắn luôn có thôi thúc đi "vác tù và". Đã 13 năm hắn gắn bó với các hoạt động vì cộng đồng. Bắt đầu với CLB Tình nguyện trẻ ở Hà Nội, quyên góp, giúp đỡ, dạy học cho trẻ lang thang, tiếp đến là Trung tâm nghị lực sống mà hắn được bổ nhiệm là Phó giám đốc, đào tạo nghề và kiếm việc làm cho những người khuyết tật, tiếp nữa nhóm tình nguyện vì cộng đồng FHG mà hắn là trưởng nhóm… Miền đất nào của Việt Nam dường như cũng in dấu chân hắn trong công việc thiện nguyện. Ghi nhận những đóng góp của hắn, website vicongdong.vn đã vinh danh trao tặng hắn giải thưởng Chim én. Với mong muốn giúp người khuyết tật hòa nhập vào cộng đồng, được bày tỏ những quan điểm, chính kiến của mình, Vân đã kết hợp với một nhóm nghiên cứu của Trường đại học Bách khoa lập nên website tamhonvietnam.net. Suốt một năm trời hắn làm việc không công miệt mài từ 7h sáng cho đến 3h đêm để thu âm, duyệt và cắt file, gấp rút hoàn thành dự án. Phòng thu âm để mưu sinh của hắn cũng được trưng dụng trọn vẹn cho dự án này. Mệt mỏi rã rời, nhất là khi mãi không tìm được nhà tài trợ để tiếp tục phát triển dự án, hắn tự nhủ mình phải cố gắng, cố gắng. Hắn bảo, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu người khiếm thị, nhưng điều đáng buồn là tỷ lệ các bạn khiếm thị được đi học trên cả nước chỉ vỏn vẹn 7%. Những người khiếm thị rất khao khát được đi học, được tiếp cận với nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại; tuy nhiên có rất nhiều rào cản và đặc biệt là phương tiện tiếp cận tri thức bị hạn chế. Tamhonvietnam.net ra đời với mong muốn là đôi mắt thứ 2 cho các bạn khiếm thị, để tất cả người khiếm thị trên toàn quốc đều được học tập, có thể tham gia học trên các cộng đồng trực tuyến, để có thể thực hiện các ước mơ dù rất nhỏ bé, bình dị của mình... Giấc mơ tình yêu Vân còn là một “nghệ sĩ” đa tài, khi hứng lên hắn làm thơ tình, sáng tác bài hát, diễn chèo nhưng đỉnh nhất phải là giọng hát của hắn. Người nghe có thể rùng mình khi nghe hắn hát vì nó xuyên thấu trái tim họ. Chất giọng hắn trầm ấm, khỏe khoắn cộng thêm sự hiểu biết rộng, cái lối ăn nói hài hước, dí dỏm khiến hắn trở thành một nhà hùng biện, một diễn giả cuốn hút. Vân là thế, dù trời không cho hắn đôi mắt nhưng hắn vẫn căng tràn sức sống. Hắn cũng như bao con người đàn ông trưởng thành khác, luôn khao khát một tình yêu, một mái ấm gia đình với bi bô tiếng con trẻ. Mối tình đầu hắn yêu một cô gái cùng tên là Nguyễn Thảo Vân, em gái của hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. Thảo Vân cũng mắc căn bệnh giống người anh của mình là cơ thể teo tóp, chỉ nặng khoảng 20kg, phải ngồi xe lăn (được biết cô gái này hiện tiếp quản công việc của người anh đã mất, cô là Tổng giám đốc Công ty cổ phần nghị lực sống). Sau ca phẫu thuật không thành công, Thảo Vân biết rằng mình không thể đem đến cho Khúc Hải Vân hạnh phúc dù giản đơn khi không thể chăm sóc cũng như sinh con cho Vân, cô đã kiên quyết chia tay hắn. Đó là một buổi trưa nắng chói chang, hắn alo gọi tôi đi uống rượu, hắn đang buồn não nề, hắn không thể hiểu tại sao Thảo Vân lại lạnh lùng chia tay hắn một cách không thương xót như vậy. Hắn càng muốn gần gũi thì Thảo Vân càng nghiệt ngã. Phải mất một thời gian dài Vân mới vượt qua được cú sốc thất tình đó. Rồi như một giấc mơ, Hoàng Nguyệt Ánh xuất hiện như bước ra từ một câu chuyện cổ tích, lôi hắn ra khỏi những ám ảnh xưa cũ, chiếu rọi ánh sáng vào cái căn phòng tối như bưng của hắn. Ánh là một cô gái xinh đẹp, sắc sảo, vừa du học thạc sỹ về ngành ngân hàng bên Nga về, hiện đang công tác tại Ngân hàng Việt - Nga. Cô làm tình nguyện trong dự án tamhonvietnam.net do Vân làm giám đốc. Họ cứ như nam châm hút nhau mãnh liệt, bất kể sự phản đối từ phía gia đình cô gái, bất kể lời dị nghị khắt khe của người đời hay những khó khăn do sự khuyết tật của Vân đem lại. Họ hiểu nhau và yêu nhau như đó là mối tình truyền kiếp. Tất nhiên, tình yêu ấy cũng có nốt thăng nốt trầm. Có lần tôi phải là người đứng ra hòa giải cho hắn. Đấy là lúc các em tình nguyện viên nhắn tin trêu đùa, hắn cũng nhắn tin lại với giọng “đong đưa” không kém, thế là bị nàng giận khủng khiếp, không thèm gặp hắn hàng tuần trời. Rồi đám cưới của hắn diễn ra trong sự hân hoan của hàng nghìn người bạn, tây có, ta có. Hắn không kìm nén được niềm hạnh phúc vô bờ cứ chảy rần rật trong từng mạch máu của hắn. “Em ơi, em ơi cho anh một đứa con trai. Em ơi, em ơi cho anh một thằng đàn ông. Em ơi, em ơi cho anh một phút bềnh bồng…”. Cả sân khấu tiệc cưới tự dàn dựng như cùng “phát cuồng” lên khi nghe hắn hát và vui lây vì hạnh phúc của hắn. Đó là một cái kết có hậu cho anh chàng hiệp sỹ vui vẻ bạn tôi. Hắn xứng đáng hơn ai hết có được hạnh phúc trọn vẹn đó. Tôi trêu đùa, bảo hắn là Nick Vujicic của Việt Nam, hắn cười sằng sặc. Nhưng trong thâm tâm, tôi còn yêu quý hắn hơn cả Nick Vujicic, không chỉ bởi hắn là bạn mà còn bởi, Việt Nam mình còn nghèo quá, điều kiện kinh tế khó khăn nên sự quan tâm cho người khuyết tật như hắn còn quá ít ỏi. Hắn đã phải nỗ lực gấp nhiều lần người bình thường mới có thể tồn tại và làm nên những điều kỳ diệu như thế. |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết