16:04 09/04/2019 Xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều là địa bàn có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 65% dân số. Thời gian qua, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nơi đây luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm với nhiều cách làm sáng tạo, sát với tình hình thực tế. Trong đó, mô hình “Tranh thủ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở” đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến ANTT.
Người có uy tín và lực lượng chức năng thăm hỏi, động viên người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng
Mâu thuẫn từ việc tranh chấp đất ở và đường đi giữa gia đình bà Vũ Thị Hòa, SN 1962 và ông Nguyễn Văn Dũng, SN 1978, ở thôn Linh Tràng, kéo dài từ năm 2014.
Mặc dù đại diện thôn cũng như chính quyền xã đã nhiều lần tổ chức giải quyết, hòa giải nhưng vụ việc trên vẫn rơi vào bế tắc. Thậm chí, tranh chấp giữa 2 bên có những lúc lên tới đỉnh điểm dẫn đến xô xát, gây mất ANTT ở địa phương. Năm 2018, chính quyền địa phương phân công ông Tạ Văn Sênh người uy tín của thôn Linh Tràng tham gia giải quyết vụ việc trên.
Sau những lần vận động, thuyết phục, phân tích thấu đáo của ông Sênh đã giúp 2 gia đình bình tĩnh ngồi lại trao đổi quan điểm. Kết quả sau 3 cuộc hòa giải của chính quyền, sự việc trên đã được giải quyết dứt điểm.
Mặc dù mô hình “tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở” mới được triển khai nhưng đã góp phần không nhỏ vào công tác bảo đảm ANTT tại xã Tràng Lương.
Ngoài việc vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, những gười có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số còn tích cực tuyên truyền nhân dân xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, cờ bạc và mại dâm; chủ động quản lý bảo vệ tài sản của gia đình, giáo dục không để con cháu, người thân trong gia đình mắc các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật; tham gia quản lý giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; phát động toàn dân tham gia phòng, chống các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc thiểu số để lôi kéo bà con tham gia vào các hoạt động tôn giáo trái pháp luật.
Trước đây, anh Dương Văn Hưởng, SN 1990, từng tham gia vào vụ cướp tài sản và bị Tòa án nhân dân thị xã Đông Triều xử phạt 36 tháng tù giam. Năm 2010, sau khi chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương cuộc sống của anh Hưởng gặp rất nhiều khó khăn, tư tưởng chán nản, không có công an việc làm.
Chính quyền xã Tràng Lương đã phân công ông Diệp Văn Thái là người uy tín ở thôn Trại Thụ trực tiếp giáo dục, quản lý, giúp đỡ anh Hưởng vượt qua khó khăn, hòa nhập cuộc sống. Ông Thái đã cùng gia đình và người thân gặp gỡ động viên giúp anh Hưởng vượt qua mặc cảm ban đầu để dần ổn định cuộc sống.
Sau này, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và gia đình, anh Hưởng mở hiệu cắt tóc, hai vợ chồng cùng làm. Tích lũy được một số vốn, anh đã học lái xe và làm ghề lái xe taxi gia đình, cuộc sống dần ổn định.
Ông Diệp Văn Thái, một trong 12 người uy tín của xã Tràng Lương cho biết, do đặc thù là địa bàn nông thôn, miền núi người dân thường đi làm từ sáng sớm nên muốn gặp họ phải tranh thủ buổi tối.
Theo đó, những người có uy tín của xã đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền giúp người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật giao thông, sinh đẻ kế hoạch, đấu tranh với tệ nạn xã hội, không tham gia vào các tà đạo.
Đối với những gia đình có con em có dấu hiệu vi phạm pháp luật người có uy tín phải trực tiếp gặp gỡ lấy ảnh hưởng của của mình để giáo dục, thuyết phục và trao đổi thường xuyên với bố mẹ để có biện pháp ngăn chặn. Ông cho biết, khi người dân thấy đúng thì họ sẽ nghe theo. Để mô hình trên đạt hiệu quả, Công an xã Tràng Lương đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng quy chế hoạt động cụ thể.
Trong đó hướng tới việc giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dòng tộc, dòng họ, gia đình… mọi người đều tham gia với tinh thần tự nguyện, đề cao trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng. Mọi hoạt động của mô hình đều nhằm mục tiêu xây dựng một cộng đồng dân cư đoàn kết, thống nhất để cùng tham gia giữ gìn ANTT, giữ gìn sự bình yên cho thôn xóm.
Theo ông Tạ Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Tràng Lương, hiện trên địa bàn xã có 10 dân tộc thiểu số, trong đó có 4 dòng họ lớn là họ Tạ, họ Diệp, họ Vi và họ Triệu. Ông cho biết, chính quyền việc tranh thủ uy tín của những người đứng đầu các dòng họ vào việc bảo đảm ANTT được phát huy khá tốt, nhất là phối hợp với các thôn, đoàn thể tổ chức xã hội làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân.
Người có uy tín đã vào cuộc tích cực tuyên truyền, giải thích cho đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của làng, của thôn xóm.
Ngoài việc tranh thủ vai trò của người uy tín, xã Tràng Lương còn duy trì 17 tổ tự quản ở các thôn để tham gia đảm bảo ANTT trên địa bàn. Cũng theo ông Tạ Văn Mai, mấy năm về trước đâu đó còn có tình trạng cờ bạc nhỏ lẻ trong khu dân cư nhưng gần đây đã chấm dứt và tệ nạn xã hội cũng được hạn chế.
Không riêng ở xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Để có được kết quả đó, Công an thị xã Đông Triều đã thể hiện tốt vai trò nòng cốt của cơ quan thường trực ban chỉ đạo.
Lực lượng Công an thị xã đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương chỉ đạo các đội nghiệp vụ nghiên cứu, xây dựng các mô hình phong trào mang tính thiết thực, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực.
Thượng tá Đỗ Đình Thạch, Phó trưởng Công an thị xã Đông Triều nhận xét, qua theo dõi cho thấy từ khi triển khai mô hình “tranh thủ vai trò của người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bảo đảm ANTT tại cơ sở” đã góp phần quan trọng vào giữ gìn ANTT tại xã Tràng Lương.
Việc phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên và sự phối hợp giữa các ban ngành trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi cũng như người tái hòa nhập cộng đồng được quan tâm thường xuyên hơn.
Các vụ phạm pháp hình sự đã giảm so với trước đây, việc vận động các đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện cũng như cai nghiện bắt buộc đạt tỉ lệ cao.
Tới đây, Công an thị xã Đông Triều, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả của mô hình để khắc phục những gì còn tồn tại, hạn chế để hoàn thiện và nhân rộng mô hình này tại các xã trên địa bàn.
NGUYỄN KHÁNH - HOÀNG TÂN
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh