18:14 04/10/2020 Xác định phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một trong những công tác quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội. Những năm qua, từ tỉnh đến cơ sở, công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã được các cấp, các ngành ở Quảng Ninh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực, các lực lượng nòng cốt PCCC đã được chú trọng đầu tư toàn diện về mọi mặt.
Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh Quảng Ninh diễn tập phương án chữa cháy nhà cao tầng
Quảng Ninh được xác định là trọng điểm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của cả nước bởi tốc độ đô thị hóa cao, là một trong những địa phương thu hút nhiều dự án FDI lớn trong cả nước, hình thành nhiều khu đô thị mới, nhiều tòa nhà cao tầng; nhiều lĩnh vực trọng điểm có yêu cầu cao về PCCC như cảng hàng không quốc tế, cảng tàu khách quốc tế, kho, cảng xăng dầu…
Toàn tỉnh hiện có hơn 3 nghìn cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong khi đó lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ mỏng, không thể có mặt ở cơ sở để tham gia chữa cháy ngay từ ban đầu. Do đó, nhiều năm qua, Công an tỉnh Quảng Ninh tham mưu cho tỉnh và các địa phương, các ngành chú trọng xây dựng các lực lượng nòng cốt phòng cháy và chữa cháy ở cơ sở như lực lượng Dân phòng; lực lượng PCCC cơ sở; lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành. Đây chính là những cánh tay nối dài của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh thành lập 850 đội Dân phòng với tổng số hơn 10 nghìn hội viên và hơn 4400 đội PCCC cơ sở với tổng số gần 19 nghìn hội viên.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, lực lượng chức năng, các đội Dân phòng tại các phường, xã vừa tích cực tham mưu cấp chính quyền cơ sở triển khai các biện pháp, giải pháp về đảm bảo an toàn PCCC; đồng thời tham gia tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp PCCC và giải quyết hiệu quả các vụ cháy tại các khu dân cư.
Lực lượng PCCC cơ sở tại một doanh nghiệp than thực tập phương án cứu nạn
Các đội PCCC cơ sở tại các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả; vừa tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ, công nhân viên, người lao động trong công tác PCCC vừa phát hiện khắc phục và tổ chức xử lý kịp thời ngay từ ban đầu nhiều sơ hở thiếu sót về PCCC và các sự cố cháy nổ, không để cháy lan, cháy lớn.
Cùng với việc xây dựng các lực lượng Dân phòng và PCCC cơ sở, tỉnh Quảng Ninh quan tâm xây dựng lực lượng PCCC chuyên ngành tham gia công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Các ngành than, xăng dầu, điện, xi măng trên địa bàn tỉnh hiện thành lập 14 đội PCCC chuyên ngành, với 489 đội viên, trang bị 24 xe chữa cháy. Số này được Công an tỉnh huấn luyện, hướng dẫn tổ chức thường trực chiến đấu và huy động tham gia các vụ chữa cháy trên địa bàn khi có yêu cầu.
Các đơn vị chữa cháy chuyên ngành đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy; một số đơn vị đã đầu tư các thiết bị chữa cháy chuyên ngành và có nhiều sáng kiến trong phát triển công nghệ chữa cháy được áp dụng hiệu quả trong thực tế.
Điển hình như các đơn vị trực thuộc ngành than đã đầu tư hệ thống giám sát, kiểm soát khí mỏ tự động trong các mỏ than hầm lò; Trung tâm cấp cứu mỏ đã phát triển hệ thống tách khí nitơ để chữa cháy trong hầm lò, trang bị thiết bị cứu nạn, cứu họ trong hầm lò; Công ty xăng dầu B12 đầu tư tàu chữa cháy trên biển…
Theo mô hình tổ chức mới, hiện mạng lưới Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn toàn tỉnh đã được mở rộng, bố trí đến 13/13 Công an địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tại tất cả các xã, phường hiện lực lượng Công an đều được tập huấn nghiệp vụ PCCC. Việc đưa lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ về các địa phương và chính quy hóa Công an cấp xã giúp các lực lượng này có thể phản ứng nhanh và triển khai các công tác phòng, chống cháy nổ trong thời gian ngắn nhất.
Thực tập phương án chữa cháy tại Cảng dầu B12, Công ty xăng dầu B12
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Quảng Ninh tập trung kiểm tra, khảo sát, hướng dẫn khắc phục những vấn đề nổi cộm còn tồn tại, thiếu sót về công tác PCCC tại các khu chung cư, nhà cao tầng; chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp; trong ngành than. Qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập trong việc cấp phép xây dựng, hoạt động và các tiêu chí đảm bảo an toàn PCCC...
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại gần 1200 lượt cơ sở, tàu; kiến nghị khắc phục 2.362 sơ hở, thiếu sót về an toàn PCCC. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an các địa phương kịp thời huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng chữa cháy tại chỗ, xử lý hiệu quả 28 vụ cháy trên địa bàn tỉnh, cứu được tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng, không để cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng.
Thượng tá Trần Huy Nghị, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản về công tác PCCC để chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt Luật PCCC. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác huấn luyện, hướng dẫn và chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, ban, ngành, đoàn thể để làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Đồng thời, đơn vị tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về PCCC.
Do chủ động làm tốt công tác kiểm tra, xử lý, nắm chắc địa bàn, khắc phục những “lỗ hổng” tồn tại ngay từ cơ sở trong công tác phòng ngừa và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng nòng cốt làm công tác PCCC, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến rõ rệt, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Dù vậy, cùng với quá trình phát triển tốc độ cao về kinh tế, xã hội, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xẩy ra 19 vụ cháy, khiến 1 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính hơn 22 tỷ đồng. Địa bàn cháy chủ yếu xẩy ra ở khu vực thành thị và hầu hết các vụ cháy đều do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện.
Để tránh hỏa hoạn, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, điều quan trọng là phải bắt đầu từ ý thức, hành vi của mỗi người dân qua việc tự nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ, trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC.
TƯỜNG MINH
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh