15:01 20/04/2018 Là địa phương có ưu thế về biển, số lượng ngư dân, tàu thuyền đánh bắt và diện tích nuôi trồng thủy hải sản lớn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các ngành hữu quan đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp ngăn chặn hình thức khai thác thủy hải sản tận diệt, ảnh hưởng đến môi trường sinh sống tự nhiên của các sinh vật biển...
Sử dụng lưới săm trong đánh bắt thủy hải sản là trái phép. Ảnh: CTV
Bắt giữ tàu cá khai thác thủy sản tận diệt
Sở hữu hơn 250 km bờ biển với hệ thống sông ngòi cùng những vùng đất ngập nước tự nhiên rộng lớn, Quảng Ninh là địa bàn giàu nguồn lợi thủy, hải sản với trên 500 loài cá và 450 động vật thân mềm. Trong đó có những loại thủy sản đặc hữu rất nổi tiếng và có số lượng lớn.
Tuy nhiên việc đánh bắt thủy sản bằng xung, kích điện, chã cào và chất nổ kéo dài hàng chục năm là một cách khai thác tận diệt để lại những tác hại lớn và lâu dài cho môi trường tự nhiên, nhất là khu vực gần bờ. Trước thực trạng khai thác thuỷ hải sản bằng các ngư cụ tận diệt, tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý các phương tiện sử dụng ngư cụ cấm. Đây chính là biện pháp bảo vệ sinh kế lâu dài cho người dân vùng ven biển, ven sông ở Quảng Ninh.
Mới đây nhất, 8 chiếc tàu cá cùng nhau quần thảo tại khu vực Cửa Đài, thôn Vạn Cả, xã Cái Chiên, huyện Hải Hà (Quảng Ninh), dùng dụng cụ cào sắt đánh bắt tầng đáy (trong danh mục cấm khai thác thủy sản) đã bị Công an huyện Hải Hà phát hiện và bắt giữ.
Cụ thể, ngày 19-4, Công an huyện Hải Hà cho biết đang bắt giữ và xử lý 8 tàu cá đánh bắt trên địa bàn. Trước đó vào ngày 18-4, trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực Cửa Đài, thôn Vạn Cả, xã Cái Chiên, tổ công tác của Công an huyện Hải Hà phát hiện trên các tàu cá gồm: Tàu QN 9031-TS, do Dương Văn Canh (SN 1976) trú tại phường Phương Nam (Uông Bí) làm chủ phương tiện; tàu QN 38210-TS do Bùi Xuân Diễm (SN 1981) trú tại phường Nam Khê (Uông Bí) làm chủ phương tiện; tàu QN 90439-TS do Vũ Văn Ninh (SN 1989) trú tại xã Cẩm La (Quảng Yên) làm chủ phương tiện.
Tàu QN 90916-TS do Nguyễn Đăng Dựng (SN 1978) điều khiển và tàu QN 34085-TS do Lê Đồng Phòng điều khiển đều trú tại phường Phong Hải (Quảng Yên); và một số tàu cá không rõ biển số do Vũ Trần May trú tại phường Phong Hải (Quảng Yên), Vương Văn Chưởng (SN 1982) trú tại thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn), Trương Văn Vượng (SN 1986) trú tại thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) làm chủ phương tiện đang khai thác nhuyễn thể (ngao, sò…) bằng hình thức cào khu vực gần bờ.
Trên các tàu có hơn 100 bao ốc điếu với tổng trọng lượng khoảng 5 tấn. Lượng hải sản này do các tàu cá dùng dụng cụ cào sắt đánh bắt được. Lực lượng công an đã tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính các phương tiện nói trên với số tiền gần 32 triệu đồng; đồng thời thu giữ 10 bộ cào sắt của các chủ phương tiện dùng để khai thác, đánh bắt thủy hải sản trái phép.
Cấm hẳn dùng lồng bát quái khai thác thủy sản
Việc khai thác thủy hải sản bằng phương tiện tận diệt đã khiến nguồn lợi thủy hải sản bị giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế lâu dài của hàng nghìn ngư dân. Nhiều ngư dân ở Quảng Ninh đã bắt đầu cảm nhận sâu sắc về hệ lụy từ việc này và từng bước thay đổi phương thức đánh bắt để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản.
Một ngư dân thị xã Quảng Yên thừa nhận, “cấm lồng bát quái, chã điện là chính đáng. Điện thì sẽ ảnh hưởng đến các con tôm, con cá nhỏ. Lồng bát quái nhốt cả con tôm to tôm bé, bắt hết. Có nghĩa là tận diệt hết. Từ trước đến nay thì chã, điện hay là lồng bát quái bị cấm nên chúng tôi ở dưới đây không còn làm nữa...”.
Lồng bát quái (hay còn gọi là lờ dây, lồng xếp, rọ lồng, lưới bóng lồng…) là ngư cụ du nhập từ nước ngoài, bao gồm nhiều khung lồng có dạng hình hộp, xếp song song và liên kết với nhau bằng áo lưới (kích thước mắt dưới 10mm), dọc thân lồng có nhiều cửa hom để thủy sản đi vào nhưng không có cửa ra. Nguyên lý hoạt động là ngăn cản đường di chuyển tự nhiên của các loài thuỷ sản vốn có tập tính con bố mẹ phải vào bờ để đẻ trứng, còn con non phải ra biển để trưởng thành.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 800 tàu, thuyền hành nghề lồng bát quái, chiếm 12% tổng số tàu, thuyền khai thác thủy sản toàn tỉnh. Mỗi thuyền sử dụng từ 200 - 400 bộ lồng bát quái, tương đương chiều dài 2-3km. Với con số này, ngư dân giăng mắc 1.000km đến 1.500km lồng/ngày đêm, dài gấp 6 lần chiều dài ven biển toàn tỉnh; vây bắt trên 24.000 tấn thủy sản mỗi năm, cao hơn đến 6.000 tấn/năm so với mức sản lượng cân bằng vùng ven biển toàn tỉnh (18.000 tấn/năm).
Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Ninh, nghề lờ dây (lồng bát quái) là nghề du nhập từ Trung Quốc, nhưng chính tại nước sinh ra nó đã cấm triệt để từ rất lâu rồi. Mấy năm gần đây nghề này phát triển mạnh ở Quảng Ninh. Nguyên nhân chủ yếu là việc khai thác bằng nghề truyền thống giờ rất khó khăn, trong khi sử dụng lồng bát quái người đánh bắt không cần có kinh nghiệm, không cần mồi, chỉ việc thả cho lồng chìm xuống tầng đáy, đủ thời gian là vớt lên thu tất cả các loại hải sản to nhỏ đã mắc bẫy.
Từ ngày 1-4, Quảng Ninh cấm tuyệt đối việc sử dụng lồng bát quái để khai thác thủy sản và tăng cường kiểm tra, xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm. Việc sử dụng lồng bát quái để khai thác thủy sản vi phạm điều 6, khoản 1, Luật Thủy sản quy định “cấm mọi hành vi ngăn chặn đường di chuyển tự nhiên của các loài thủy sản tại các vụng vịnh, cửa sông”; vi phạm Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định “xử phạt đối với hành vi sử dụng các loại ngư cụ hoặc thiết bị khai thác thủy sản du nhập từ nước ngoài vào mà chưa được cơ quan có thẩm quyền khảo nghiệm và cho phép sử dụng” và vi phạm Quyết định 2418/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh về “cấm nghề lồng bát quái khai thác thuỷ sản tại vùng biển ven bờ, các vùng nước tự nhiên thuộc cửa sông và vùng nước nội địa”...
HẢI HẬU
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh