15:11 18/08/2017 Giang hồ đất Cảng vốn “có tiếng” không chỉ riêng trên địa bàn thành phố. Song dù ngang tàng, manh động, xảo quyệt đến mấy, chúng cũng phải lùi bước, cúi đầu trước những chiến sỹ Cảnh sát hình sự (CSHS) can trường, bản lĩnh trên vùng đất cửa biển này.
Truyền thống vẻ vang
Để ngăn chặn, lực lượng Hình cảnh tiền thân của Cảnh sát hình sự hôm nay đã làm hết mình để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo đảm ANTT; tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia chống tội phạm; góp sức, góp của xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị kháng chiến trường kỳ.
Lực lượng cảnh sát hình sự triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi
Trong không khí sục sôi ấy, các chiến sỹ Cảnh sát xung phong đã tìm cách lọt vào những ổ lưu manh để giáo dục, cải tạo phần tử “anh, chị” giúp họ phục thiện, giúp ta điều tra, khám phá diệt trừ các ổ lưu manh, tổ chức, cá nhân gây rối trật tự an ninh.
Điển hình là các chiến công: truy quét bọn lưu manh ở các khách sạn Thiên Nhiên, Đại Đồng, Đại Nam; bắt giữ 70 tên; thu 14 súng các loại, trên 1 vạn đồng tiền Đông Dương, 44 vạn tiền Quan Kim và đô la; điều tra làm rõ vụ trộm cắp tại hiệu đồng hồ Quảng Phú Xương ở phố Trung Quốc; chống buôn lậu, thuốc phiện và thóc gạo…
Những năm từ 1955 - 1964, tình hình hoạt động của tội phạm hình sự tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là các vụ trọng án xảy ra nghiêm trọng, số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp gây ra hàng loạt vụ cướp, giết, lừa đảo…
Lực lượng Hình cảnh đã đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, chủ động tấn công trấn áp tội phạm để lập lại trật tự, tập trung đánh mạnh, đánh trúng các băng, ổ nhất là những đối tượng cầm đầu.
Thời kỳ này, lực lượng Hình cảnh đã điều tra khám phá 3.859 vụ, trong đó có 391 vụ trọng án. Tiêu biểu là chiến công phá vụ án giết hại nhà tư sản Nam Tân, các vụ tham ô của Lê Thị Quý và Vũ Minh Chuyên, vụ cướp giật tài sản của thuyền trưởng tàu Indonexia… cùng nhiều thành tích xuất sắc khác bảo đảm trật tự trị an thành phố, góp phần đắc lực bảo vệ vững chắc hậu phương, phục vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thời kỳ 1975 đến 1985, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố đã có bước trưởng thành vượt bậc, triển khai đồng bộ và toàn diện các biện pháp nghiệp vụ, kết phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tổ chức tấn công, truy quét và phát động nạnh mẽ phong trào quần chúng đấu tranh với tội phạm.
Đơn vị đã thực hiện những chiến dịch đánh mạnh, đánh trúng các đối tượng hình sự nguy hiểm. Trong 10 năm, Phòng Cảnh sát Hình sự đã điều tra, khám phá 22.109 vụ án các loại với 6.632 trọng án. Đặc biệt, “Đội Săn bắt lưu manh” ra đời đã lập nhiều chiến công xuất sắc, làm giảm nhiều vụ việc phạm pháp trên địa bàn.
Với những thành tích đó, nhiều năm liền, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an Hải Phòng được tặng danh hiệu Quyết thắng; nhiều lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng. Năm 1976, đơn vị được Bác Tôn tặng lẵng hoa, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất và Chính phủ tặng Bằng khen.
Chiến công nối tiếp chiến công
Bước sang thời kỳ đổi mới, Hải Phòng xuất hiện nhiều loại tội phạm mới. Trước tình hình trên, những người lính hình sự lại lên đường, không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, quyết tâm quét sạch các băng nhóm tội phạm, đám “anh chị” cộm cán, giữ vững TTAT xã hội trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, khi tình hình trọng án gia tăng, Đội H88 trên cơ sở “Đội Săn bắt lưu manh” ra đời, trở thành mũi nhọn, xung kích đi đầu trong đấu tranh, trấn áp tội phạm hình sự, triệt phá hàng loạt ổ tội phạm nguy hiểm.
Sau thời gian ngắn, nhiều băng nhóm tội phạm khét tiếng, từng là nỗi ác mộng của nhân dân thành phố lần lượt bị tiêu diệt như các nhóm: Tuấn “Lỳ”, Thêm “béo”, Minh “Mộc”, Phúc “sâm”... Với những thành tích xuất sắc, năm 1990, Đội H88 vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Lực lượng cảnh sát hình sự triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi
Còn nhớ vào năm 1995, địa bàn Hải Phòng xuất hiện 3 băng nhóm tội phạm cực kỳ nguy hiểm do Phạm Đình Nên, Ngô Thế Lâm, Vũ Thị Kim Dung cầm đầu. Một lần nữa, bằng quyết tâm sắt đá, những người lính hình sự đã xung trận, quét sạch 3 băng nhóm sừng sỏ, trả lại cuộc sống bình yên cho thành phố.
Những chiến công xuất sắc này đã góp phần xứng đáng để Phòng Cảnh sát Hình sự vinh dự được Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVTND.
Tiếp bước truyền thống cha anh, những chiến sỹ Cảnh sát Hình sự hôm nay vẫn đang tiếp tục ngày đêm miệt mài trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tỷ lệ điều tra, khám phá án năm sau cao hơn năm trước, nhất là các vụ trọng án hầu hết đều được điều tra làm rõ.
Trong đó, nhiều vụ việc đã được Bộ Công an đánh giá cao, chỉ đạo rút kinh nghiệm chung giữa các địa phương. Nổi bật là cuộc đấu trí với đối tượng mang biệt danh Tộ “tích”. Đây được xem là vụ án đã để lại dấu ấn với không ít CBCS lực lượng Hình sự Hải Phòng. Tộ “tích” tên thật là Mai Đức Vượng, ở quận Ngô Quyền.
Ngày 28-12-2009, Tộ “tích” cùng đồng bọn dùng dao chém, gây thương tích cho anh Trần Doãn C., ở quận Lê Chân, khiến anh bị giảm 11% sức lao động. Ngày 7-8-2001, hắn lại cùng đồng bọn dùng súng bắn anh Nguyễn Chí K., ở quận Lê Chân, khiến anh bị giảm 67% sức lao động.
Cơ quan CSĐT - Công an TP Hải Phòng đã khởi tố tên này cùng đồng bọn về tội giết người. Khi Tộ “tích” đang bị tạm giam để điều tra thì bất ngờ gia đình hắn cung cấp hồ sơ, bệnh án của một cơ sở y tế chuyên điều trị rối loạn tâm thần. Cơ quan điều tra đã tiến hành giám định tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần, Sở Y tế Hải Phòng và cũng có kết luận tương tự. Cơ quan CSĐT đã phải tạm đình chỉ điều tra, bàn giao Tộ “tích” cho Viện Pháp y tâm thần Trung ương quản lý điều trị.
Mới được tại ngoại, hắn đã gọi điện đe dọa gia đình bị hại. Tiếp đó, ngày 13-12-2015, Tộ “tích” lại bị Phòng Hình sự bắt cùng 1 khẩu súng K54 và 5 viên đạn. Nhưng lần nữa, với tấm bài là hồ sơ bệnh án, lực lượng hình sự đành trao hắn lại cho Bệnh viện Tâm thần TW dù qua công tác nghiệp vụ, các điều tra viên đều chắc chắn hắn không có bệnh. Quyết không để lọt lưới pháp luật một tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm, Phòng đã cử tổ công tác 10 đồng chí phối hợp với Viện Pháp y tâm thần TW tổ chức giám sát liên tục 24/24h, đồng thời thường xuyên trao đổi theo dõi “bệnh tình” của hắn. Ngày 14-7-2013, chiếc mặt nạ của hắn được gỡ bỏ.
Căn cứ thông báo của Viện, cơ quan Kiểm soát thành phố đã ra quyết định đình chỉ biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với Mai Đức Vượng. Ngay lập tức, Cơ quan CSĐT đã phục hồi điều tra và ra lệnh tạm giam đối với hắn về hành vi giết người, cố ý gây thương tích.
Đây chỉ là 1 trong hơn 11.000 vụ việc mà đơn vị đã điều tra, khám phá từ năm 2001 đến nay.
Để có được những chiến công xuất sắc đó là cả một nỗ lực không biết mệt mỏi, đầy gian khổ, hy sinh của cả một tập thể đoàn kết, sáng tạo, dũng cảm dám hy sinh trong đấu tranh chống tội phạm để giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân thành phố.
Minh Phương
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết