14:43 04/10/2017 Rong ruổi trên những chặng đường dài, đằng sau những chiếc vô lăng là vô vàn những khó khăn, vất vả mà người lái taxi gặp phải. Đặc biệt với những “bóng hồng” hiếm hoi của nghề thì những khó khăn mà họ gặp phải càng nhân lên gấp bội. Nhưng với lòng yêu nghề, họ đều cố gắng vượt qua tất cả để gắn bó với nghiệp vốn được cho là chỉ dành cho những cánh mày râu này.
Trong câu chuyện tâm sự, khi được hỏi tài nữ thường phải đối mặt với những khó khăn gì, Hằng trầm ngâm: “Nhiều vất vả chị ạ. Trước hết là chuyện đi đêm về hôm. Nhiều hôm gần hết ca tối, 9h mới nhận được điều động đưa khách lên Hà Nội. Chở khách đến nơi lúc quay về thì đã quá khuya.
Buồn ngủ díp cả mắt, tài nam có thể tạt vào lề đường chợp mắt chứ tài nữ thường không dám dừng vì sợ đêm khuya vắng vẻ có thể xảy ra những bất trắc khó lường. Vậy là phải tiếp tục rong ruổi. Lúc không chịu được nữa thì dừng lại, lấy nước vã lên mặt cho tỉnh ngủ rồi chạy tiếp. Chở khách thời điểm khuya với người có con cái lớn còn đỡ, với em con mới 3 tuổi nên nhiều lúc cũng thấy oải lắm. Rồi có những chuyến đi xa ra tỉnh ngoài vài ngày, chuyện khách quỵt tiền, để quên đồ, chỉ sai đường khiến xe chạy lòng vòng khách tiếc tiền cũng gọi điện về hãng phàn nàn không phải là hiếm”.
Thế nhưng với Hằng, chuyện đi đêm về hôm không đáng nhớ bằng kỷ niệm lần đầu tiên cô phải tự thay lốp xe. Hôm đó trời mưa như trút nước, đường vắng tanh không sao tìm ra được “viện binh”.
Bộ dụng cụ thay lốp thì có sẵn, lý thuyết thì đã được học qua nhưng kinh nghiệm thì chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Mưa chẳng biết bao giờ dừng mà việc thì không thể đợi, vậy là một mình cô “chiến đấu”. Cũng kích lốp, tháo nắp trục bánh xe, tháo ốc ở bánh, nâng kích tháo bánh hỏng, lắp bánh mới... Tất cả được cô lọ mọ làm trong cái xối xả của cơn mưa lớn không kịp vuốt mặt.
Trong cuộc trò chuyện với chị Vũ Thị Kim Oanh, đôi lúc câu chuyện chợt lắng lại nhường chỗ cho những khoảng trống của cảm xúc. Chị Oanh tâm sự, làm cái nghề “đàn ông” này cũng nhiều nỗi gian truân. Đó là những ngày đầu mới theo nghề, chị bị một nhóm thanh niên khoảng 5 người chạy làng.
Tiền cước mà khách xù khoảng 70.000 – 80.000 đồng vào thời điểm đó khá lớn. Khi chị đòi tiền, một người trong nhóm đó giả vờ say rượu, cầm gạch đập vào xe khiến chị sợ quá liền lái xe bỏ chạy. Vừa chạy xe, vừa ức đến bật khóc. Cũng may sau đó được anh em đồng nghiệp an ủi, động viên nên chị cũng thấy yên tâm và lại tiếp tục đi công việc..
Mặc dù phải đối mặt với nhiều áp lực của công việc nhưng nhiều chị em vẫn quyết tâm theo đuổi nghề đã chọn (ảnh minh họa)
Chuyện tài nữ bị “chạy làng” không phải là chuyện hiếm, nhưng đó chưa phải là rủi ro duy nhất. Chị em còn có đặc thù là “phái yếu” lái xe nên còn tiềm ẩn những rắc rối buộc chị em tài xế phải rất linh hoạt trong ứng xử. Với kinh nghiệm của người 15 năm theo nghề, chị Oanh tâm sự:
“Gặp khách nam say rượu trêu chọc là chuyện không hiếm, nhưng do theo nghề lâu có kinh nghiệm nên giờ với chị giờ trở thành chuyện bình thường. Tùy vào tình huống, có thể nhẹ nhàng khuyên họ để mình tập trung tay lái, bảo đảm an toàn cho chính mình và khách hoặc tìm chỗ đông người dừng xe, kiên quyết “yêu cầu” xuống”.
Với chị Huyền, ở Vĩnh Niệm, Lê Chân, tài xế của hãng taxi Hoàng Anh, ngoài những vất vả trong công việc, chị còn gánh thêm trọng trách trụ cột gia đình. Chị chia sẻ: “Chồng mất sớm, một mình chị phải gánh vác việc gia đình từ A đến Z. Vì vậy dù theo quy định của hãng chỉ cần làm đến 21h sẽ được nghỉ nhưng chị vẫn cố “cày” thêm tí nào hay tí đấy. Tất cả cũng chỉ mong con đỡ thiệt thòi với bạn với bè mà thôi. Được cái tính cách chị khá mạnh mẽ nên chẳng ngại va chạm. Có lần chở khách chuyến tối muộn gặp khách hàng khiếm nhã, ngồi bên cạnh mà cứ “muốn tựa”, chị liền dừng xe và tống thẳng ra ngoài”.
Nghề lái taxi là một nghề dịch vụ, thời gian không cố định nên những nữ tài xế thường không có nhiều thời gian ở bên gia đình, con cái. Với chị Huyền, sáng nào cũng vậy, khi con đi học thì chị cũng đi làm. Do con nhỏ nên sáng nào chị cũng tranh thủ dậy sớm nấu cháo cho con rồi tiện thể cắm luôn cho mình nồi cơm để trưa tranh thủ về ăn. Tối lại đón con gửi ông bà rồi đi làm cho đúng ca kíp.
Chạy ban đêm, khách hàng say xỉn hay giả vờ say xỉn đề dọa dẫm, sàm sỡ hoặc xù tiền. Cũng đã có nhiều trường hợp lái xe bị “điều” ra chỗ vắng để “trấn” tiền, “trấn” điện thoại, những sự cố tai nạn khi tham gia giao thông... là những chuyện hàng ngày mà các chị phải đối mặt.
Với tài nữ, họ không chỉ chịu áp lực cạnh tranh giữa các hãng taxi mà còn ngay chính các đồng nghiệp trong cùng một hãng. Khi có thông báo đón khách ở một địa điểm, vậy là sẽ có một cuộc đua ngầm giữa những taxi cùng hãng đang di chuyển gần đó. Ai nhanh người đó sẽ được chở khách. Và trong cuộc đua tranh đó sẽ không có khái niệm nhường cho đồng nghiệp nữ.
Giao thông căng thẳng cũng là một áp lực đối với các tài nữ
Cuộc sống của những nữ tài xế hàng ngày cứ xoay vòng trong những áp lực của công việc, của doanh số, định kiến của không ít người trong gia đình, xã hội. Trước những áp lực đó, nhiều chị em đã không chịu nổi đã phải bỏ nghề, từ giã đam mê. Với Hằng, sau khi lập gia đình, cô đã từng theo lời khuyên của chồng bỏ nghề đi tìm một công việc khác “lành” hơn, thế rồi được mấy tháng bị “bó chân bó tay” ngồi một chỗ, cuối cùng cô lại trở về với đam mê ban đầu của mình.
Nghề nào cũng có những đặc thù riêng, chứa đựng trong đó niềm vui khi được làm việc, có thu nhập nhưng cũng không hiếm những nỗi buồn, những lo lắng chỉ người trong nghề mới hiểu được. Nghề lái taxi cũng như thế, đối với những chị em đã kiên tâm gắn bó với nghề sau hàng chục năm đối mặt trước những áp lực của công việc và xã hội, qua trò chuyện tôi cảm nhận được tình yêu với công việc mà họ đã lựa chọn.
Chia tay Hằng, chị Oanh hay chị Huyền, điều để lại ấn tượng trong tôi nhất có lẽ là sự bần thần trong ánh mắt của họ khi bảo giả định phải bỏ nghề đi tìm việc khác. Có lẽ, cái nghiệp sau bánh vô lăng đã trở thành niềm đam mê không thể nào dứt được của họ.
Bùi Hạnh – Phạm Ngân
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết