10:35 15/11/2017 Sau hơn một năm rưỡi triển khai, Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 29-3-2016 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ, giải pháp thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích đã dần đi vào cuộc sống. Hàng trăm địa điểm vi phạm đã bị phát hiện, kiến nghị xử lý. Tuy vậy để sớm chấm dứt tình trạng “trải chiếu chiếm chỗ” của các doanh nghiệp thì các ngành chức năng cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.
Địa điểm Sở TNMT đề nghị thu hồi
Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, xử lý 40/40 địa điểm nằm trong danh mục kèm theo Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 29-3-2016 của Hội đồng nhân dân thành phố, kết quả xử lý cụ thể như sau: Tham mưu UBND TP ban hành Quyết định thu hồi đất đối với 7 địa điểm, tương đương với 17,5%; trong đó đã giao 5 địa điểm cho địa phương, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc nhà đầu tư khác quản lý, sử dụng.
Bên cạnh đó, ngành cũng trình UBND TP xem xét, quyết định thu hồi đất đối với 12 địa điểm. Đồng thời, đề xuất xem xét, gia hạn tiến độ sử dụng đất đối với 4 địa điểm. Còn lại 17 địa điểm đã kiểm tra, lập biên bản xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
Mặt khác, ngoài 40 địa điểm trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND các quận, huyện, Sở, ngành rà soát bổ sung 207 địa điểm có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về đất đai. Từ đó đề nghị UBND TP ban hành Quyết định thu hồi đất đối với 9 địa điểm; xem xét, thu hồi 9 địa điểm; chấm dứt thực hiện dự án đối với 38 địa điểm; xem xét, chấm dứt thực hiện dự án đối với 11 địa điểm. Còn lại 140 địa điểm đang tiếp tục kiểm tra để xác định hành vi vi phạm, tổng hợp hồ sơ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xử lý theo quy định.
Có thể thấy, thông qua kiểm tra, rà soát đã phát hiện hàng trăm tổ chức sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Một số khu đất có vị trí đắc địa mà các doanh nghiệp từ lâu không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, UBND TP đã ban hành quyết định thu hồi để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị. Đặc biệt, thông qua việc thu hồi đã tạo được quỹ đất sạch cho thành phố để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tốt, thúc đẩy KT-XH thành phố.
Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, để tồn tại tình trạng vi phạm pháp luật đất đai như trên là do công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai trong nhiều năm bị buông lỏng. Có dự án ít thì 3-5 năm, nhiều thì đến cả chục năm chưa đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ dự án chậm so với tiến độ đã cam kết. Cũng vì chưa xử lý kịp thời hoặc biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe nên các tổ chức sử dụng đất còn xem nhẹ việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Theo phản ánh của các Tổ công tác về thu hồi đất thì trong quá trình kiểm tra, xử lý gặp không ít khó khăn. Đối tượng có đất bị thu hồi đất không phối hợp trong việc kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, cung cấp hồ sơ, thậm chí không phối hợp làm việc với đoàn kiểm tra. Nhiều trường hợp chủ sử dụng đất không còn sinh sống, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp đã đổi tên, giải thể nhưng không báo cáo với cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý, dẫn đến tình trạng không liên lạc được với doanh nghiệp.
Cá biệt, trong quá trình kiểm tra, phát hiện sai phạm và tiến hành các thủ tục thu hồi đất, một số doanh nghiệp còn có hành vi chống đối, không chấp hành quyết định của UBND TP, thậm chí còn thuê cả “xã hội đen” để lăng mạ, đe doạ Tổ công tác thực thi nhiệm vụ, như trường hợp Cty TNHH Hiến Thành, ở xã Quang Trung, huyện An Lão. Bên cạnh đó, chủ đầu tư của một số dự án vẫn còn nhu cầu sử dụng đất thực sự, nhưng năng lực thực hiện dự án còn hạn chế, đang kêu gọi sự hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp khác. Nếu phải thu hồi đất sẽ gây khó khăn rất lớn cho nhà đầu tư.
Cty Hiến Thành không hợp tác với cơ quan chức năng
Tại cuộc giám sát mới đây của Hội đồng nhân dân thành phố về công tác thu hồi đất, sau khi chỉ rõ những nguyên nhân từ phía các tổ chức sử dụng đất và cả từ chính những cơ quan quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Đình Bích một lần nữa khẳng định: Nghị quyết số 06 thể hiện ý chí của đông đảo cử tri và của nhân dân thành phố, do vậy việc thu hồi đất vi phạm là tất yếu, việc phải làm.
Tuy vậy, việc thu hồi đất trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương. Cụ thể như Sở KH&ĐT cần nắm thông tin về thời hạn, tiến độ đầu tư; Sở Xây dựng quản lý về quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình; Cục thuế rà soát về nghĩa vụ tài chính; Sở Tư pháp tham mưu về trình tự, thủ tục thu hồi đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Thực tế, thời gian qua việc thiết lập hồ sơ thu hồi đất còn chưa chặt chẽ, còn có những kiến nghị của doanh nghiệp. Bởi vậy, sự phối hợp của các ngành chuyên môn là cần thiết để doanh nghiệp phải tâm phục, khẩu phục và việc thu hồi đất vi phạm sẽ sớm chấm dứt tình trạng “trải chiếu chiếm chỗ” của các doanh nghiệp.
Kim Oanh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết