10:07 09/10/2018 Kỳ 2: Không để tín dụng đen hoành hành
Những con nợ “sống không bằng chết”
Với những ai đã trót dính vào tín dụng đen thì đúng là lao đao, “sống không bằng chết”. Có thể kể ra vài trường hợp điêu đứng, khốn khổ vì nó như trường hợp chị Phạm Thị Q (sinh 1983), ở thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ngày 29-1-2018, chị Q vay của Ngô Thành Trung, sinh 1984, ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, 100 triệu đồng, với lãi suất 5.000 đồng/ triệu đồng/ngày, cắt lãi 1 tháng trước (vay 100 triệu đồng, người vay chỉ được nhận 85 triệu đồng và phải viết giấy vay nợ 120 triệu đồng). Để hợp thức hóa việc cho vay lãi suất cao, Trung yêu cầu chị Q viết giấy biên nhận mua bán xe máy với Trung.
Do chị Q quá hạn chưa trả tiền lãi và gốc nên Trung tập hợp đàn em đi xe ô tô bịt kín biển số, mang theo hung khí de dọa con nợ. Thấy chị Q không có nhà, bọn chúng đã đuổi đánh anh Phạm Cao T (sinh 1981), là em của chị này đang ở nhà cùng với bố là ông Phạm Cao Th rồi đập phá tài sản rồi bỏ về.
Lần thứ hai tìm Q nhưng không gặp, nhóm của Trung đã đánh chị dâu Q rất dã man. Đến ngày 16-5, Trung cùng đồng bọn tiếp tục đến nhà chị Q để đòi nợ thì bị CAH Đông Anh phát hiện đưa về trụ sở đấu tranh làm rõ.
Trường hợp chị P, ở quận 11, TP Hồ Chí Minh, cũng là điển hình của tình trạng kiệt quệ vì “đỉa tín dụng đen”. Tháng 11-2017, do làm ăn thua lỗ, chị P. vào trang mạng có tên “tài chính cho vay” để liên hệ mượn tiền và được một đối tượng tên Tuấn cho vay 500 triệu đồng. Hai khoản vay này sẽ được thanh toán theo hình thức “trả góp”, chị P. phải chịu “phí dịch vụ” 20% và trả trước 2 ngày tiền, lãi suất là 60%/tháng.
Để hợp thức hoá phi vụ cho vay nặng lãi thành “giao dịch dân sự”, chủ nợ “hướng dẫn” cho chị làm hợp đồng mua xe trả góp do bọn chúng cất giữ. Theo cơ quan điều tra, tính từ thời điểm vay tiền của Tuấn cho đến tháng 7-2018, số tiền mà chị trả góp đã vượt trên 5 tỷ đồng nhưng vẫn chưa hết nợ. Trong lúc bí bách, chị P. tiếp tục được giới thiệu cho một “ông chủ” khác tên Nguyễn Huy Long. Đối tượng này tiếp tục “quăng” 500 triệu đồng cho chị P. vay “nóng”.
Các đối tượng nằm trong liên minh cho vay nặng lãi chị P. bị Công an quận Tân Phú triệt phá
Long cũng cấn trừ 20% “phí dịch vụ” cộng thêm 2 ngày đóng góp. Sau một thời gian dài đóng tiền lời, Long hưởng lợi từ con nợ trên 3 tỷ đồng. Khi đóng gần hết số tiền, còn khoảng 100 triệu đồng, y không cho chị P. trả hết số tiền đã vay mà ép buộc chị phải trả lãi hàng ngày với số tiền 3 triệu đồng/ngày. Đến khi con nợ rơi vào sức cùng lực kiệt, Long cho đàn em tên Trường tiếp tục giới thiệu cho chị P. vay 500 triệu đồng của một đối tượng khác tên Phạm Văn Khu.
Mỗi khi không có tiền trả kịp hạn, các đối tượng này lại cho đàn em kéo đến xưởng sản xuất của chị P. đe doạ cắt cổ nạn nhân và giết hết cả nhà nếu như không trả tiền đúng hẹn. Manh động hơn, các đối tương này còn mang mã tấu và kim tiêm (có bơm sẵn máu) đến nhà đòi giết chồng chị P…
Tại Hải Phòng, dư luận xã hội vẫn không quên vụ việc liên quan đến tín dụng đen làm tan nát cả gia đình. Từ cuối năm 2015 và trong suốt năm 2016, đại gia đình ông Phạm Văn Q, sinh 1958, ở phố Cầu Đất, quận Ngô Quyền, phải trải qua những tháng ngày sống trong ác mộng. Con trai ông là Phạm Thái Dương, sinh 1987, đã vay nặng lãi của nhóm đối tượng gồm: Nguyến Tuấn Anh, sinh 1988, ở 40/37 Chợ Con, phường Trại Cau, Lê Chân; Lê Duy Khoa, sinh 1987, ở 12A1 Thái Phiên, Cầu Tre, Ngô Quyền; Bùi Đức Duy, sinh 1992, ở khu tập thể Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền và Hoàng Anh Tuấn, sinh 1992, ở 49/166 Lê Lai, Máy Chai, Ngô Quyền để tiêu pha.
Để giữ an toàn cho cả nhà, tháng 12-2015, gia đình Dương đã phải trả số tiền nợ là 2,7 tỷ đồng. Bán hết nhà cửa để trả nợ cho con mà vẫn không thoát khỏi vòng nợ nần.
Từ lãi nặng đến lãi phạt, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, món nợ của Dương được nhân tới hàng chục tỷ đồng. Khi nạn nhân không còn khả năng chi trả thì các đối tượng quay ra gây sức ép không chỉ nơi ông sinh sống mà gia đình họ hàng, anh chị em của ông đều bị nhóm đối tượng trên khủng bố tinh thần bằng nhiều thủ đoạn đê hèn, tàn ác như: đổ chất bẩn (phân, mắm tôm, sơn và hóa chất…) vào trước cửa nhà (tại 6 địa điểm khác nhau ở phố Cầu Đất, phố Lê Lợi, đường Lê Hồng Phong); tung ảnh (có ghi dòng chữ “trả nợ ngay” cùng nhiều lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm) của mọi người trong gia đình, anh em nhà ông…
Không để “tín dụng đen” lộng hành
Trước tình trạng “tín dụng đen” diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước và có nhiều diễn biến diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự. Cơ quan công an đã triển khai nhiều đợt cao điểm tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh các ổ nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến hoạt động phạm tội này.
Cụ thể, ngày 23-7, lực lượng CSHS Công an quận Hà Đông đã đồng loạt kiểm tra và bắt giữ 6 đối tượng trong ổ nhóm chuyên siết nợ đều đến từ Hải Phòng gồm: Hoàng Hữu Nam (sinh 1981, ở quận Hải An), Đặng Văn Cường (sinh 1987), Hà Văn Sơn (sinh 1989) và Phạm Quyết Thắng (sinh 1990) cùng ở quận Lê Chân; Đỗ Văn Thừa (sinh 1993), ở huyện An Lão và Nguyễn Thế Công (sinh 2000), ở Kiến An.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5-2018 đến khi bị bắt, lợi dụng đêm tối nhóm này phân công nhau hóa trang, bịt mặt tiến hành 8 lượt đổ chất bẩn vào 5 căn hộ trên địa bàn các phường Quang Trung, Phú La, Vạn Phúc, La Khê và Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) để de dọa, khủng bố tinh thần "con nợ". Quá trình bắt giữ, lực lượng công an thu giữ tại nơi trọ của các đối tượng 128 hồ sơ vay nợ, 8 quyển sổ ghi chép nội dung thống kê vay tiền, 2 thùng giấy chứa 5.000 tờ rơi quảng cáo cho vay tài chính chuẩn bị đi dán ở các điểm công cộng...
Chiều 19-7, Công an quận Tân Phú, TP HCM cho biết, ngoài 11 đối tượng có liên quan tới các đường dây tín dụng “đen” đã bị bắt trước đó; cơ quan công an còn tiếp tục bắt 5 đối tượng khác để phục vụ công tác điều tra mở rộng chuyên án 718V, nâng tổng số đối tượng bị bắt giữ lên 16 người.
Cầm đầu đường dây mới này là Nguyễn Khắc Đức (sinh 1980, quê Hà Nội) - cũng là một trong những chủ nợ của chị P. (nạn nhân đã đề cập ở phần trên). Tại cơ quan điều tra, Đức khai vào tháng 4-2018, y có cho chị P. mượn 100 triệu đồng với lãi suất hơn 60%/tháng. Sau khi cấn trừ 20% tiền phí làm hồ sơ và lấy trước 5 ngày tiền lãi, số tiền thực chất Đức đưa cho chị P. chỉ là 70 triệu đồng.
Sau khi Đức thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nêu trên, ngay trong tối 19-7, hai tổ công tác nhanh chóng được cử đến nơi cư trú của băng này để khám xét, thu giữ tang vật. Tại chung cư The Star (phường Tân Tạo, quận Tân Bình – là nơi Đức ở), cảnh sát phát hiện và thu giữ hàng trăm bộ hồ sơ, chứng từ thể hiện việc đối tượng này và các đàn em có liên quan tới việc tổ chức cho vay nặng lãi.
Ngoài những tài liệu thu giữ được ở đây, tại chung cư The Rubik (phường 15, quận Tân Bình), cảnh sát còn thu giữ thêm hồ sơ, sổ sách quan trọng khác thể hiện hoạt động cho vay tín dụng đen trải rộng trên nhiều quận – huyện, tỉnh – thành của băng này.Điều tra bước đầu của cơ quan công an cũng cho thấy, hoạt động cho vay nặng lãi được Đức tổ chức từ hơn 2 năm nay. Trung bình, số tiền bất chính mỗi tháng mà y và “chân rết” bóc lột từ túi người dân có khi lên tới cả tỷ đồng.
Tại Hải Phòng, ngày 21-6 vừa qua, TAND TP đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo: Nguyến Tuấn Anh, Lê Duy Khoa, Bùi Đức Duy và Hoàng Anh Tuấn (đã nêu ở trên). Căn cứ vào chứng cứ, tình tiết có liên quan, kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Tuấn Anh 6 năm tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và 14 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, tổng 20 năm tù; Lê Duy Khoa 5 năm tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” 13 năm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, tổng 18 năm tù; Bùi Đức Duy và Hoàng Anh Tuấn cùng lĩnh 5 năm tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, 12 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, tổng 17 năm tù.
TAND TP Hải Phòng xét xử nhóm Nguyến Tuấn Anh, Lê Duy Khoa, Bùi Đức Duy, Hoàng Anh Tuấn cho vay cá độ bóng đá dẫn đến gia đình nạn nhân tán gia, bại sản
Đối với hành vi chơi cá độ bóng đá của Phạm Thái Dương và những đối tượng khác, dẫn đến việc Dương vay nợ của Nguyễn Vũ Hoàng Anh, Nguyễn Phạm Duy, Nguyễn Huy Tú và Trịnh Minh Hiệp; cùng với việc một số đối tượng khác đến đe dọa, khủng bố tinh thần, khiến ông Phạm Q. uất ức, tự tử chết ngày 9-4-2016, cơ quan điều tra CATP tiếp tục xác minh làm rõ để xử lý trước pháp luật.
Từ những vụ việc nêu trên cho thấy, mặc dù đã có rất nhiều trường hợp tán gia bại sản vì tín dụng đen nhưng loại hình này vẫn có đất sống do quy luật có “cầu ắt có cung.”, trong khi pháp luật vẫn còn chưa đầy đủ và chi tiết để có thể giải quyết những hậu quả mà tín dụng đen mang lại.
Để ngăn chặn “tín dụng đen” hoành hành, các cơ quan quản lý, nhất là lực lượng công an địa phương phải quản lý chặt chẽ các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi; theo dõi, thu thập chứng cứ để xử lý theo quy định. Vận động nhân dân hoặc nạn nhân của “tín dụng đen” cung cấp chứng cứ về hành vi cho vay nặng lãi để kịp thời xử lý.
Mặt khác, các tổ chức tín dụng cần đơn giản tối đa các thủ tục cho vay, tiện lợi, nhanh chóng để người dân có khó khăn về tài chính được tiếp cận với nguồn vốn. Khuyến khích tổ chức, cá nhân dùng khoản tiền nhàn rỗi của mình để cho vay, giúp nhau sản xuất, kinh doanh hoặc giúp đỡ người vay vượt qua khó khăn, hoạn nạn… với lãi suất hợp lý, phù hợp với pháp luật; khi phát sinh tranh chấp thì giải quyết theo quy định của pháp luật.
Triệu Oanh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết