21:15 06/04/2018 Dậy từ 2-3h sáng, có lúc phải đứng liên tục 5-6 giờ đồng hồ, nhịn quá bữa là chuyện thường tình. Công việc của một thợ trang điểm thường được coi là nghề cho thu nhập khá cao, tuy nhiên để kiếm được tiền của thiên hạ, những người làm nghề “dâu trăm họ” cũng phải đối mặt với không ít nhọc nhằn, vất vả…
Cuối tuần vừa rồi Phương Lan - cô bạn thân của tôi chính thức “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Và vì là đôi bạn “con chí cắn đôi” nên tôi được giao trọng trách đưa cô đi trang điểm. Lấy chồng tận Nghệ An, giờ đón dâu lại sớm nên từ 2h sáng, tôi cùng cô dâu đã phải lục tục đèo nhau đến ảnh viện áo cưới trên đường Hai Bà Trưng để kịp giờ trang điểm.
Đường phố quang quẻ và lặng như tờ, chỉ có ánh đèn cao áp vàng vàng lặng lẽ tỏa sáng như báo cho chúng tôi vẫn còn nó đang thức cùng. Vừa xuýt xoa cài lại cái áo khoác để ngăn những cơn gió lạnh len lỏi, Lan vừa thì thầm: “Mình đi sớm thế này không biết thợ trang điểm đến chưa. Hay là gọi trước cho chắc ăn nhỉ?!”. Đúng 2h15 chúng tôi có mặt ở ảnh viện, vậy mà từ xa đã thấy ánh đèn qua ô cửa kính sáng trưng. Đón chúng tôi bằng cái ngáp dài không che giấu, Nguyễn Thị Trang – người trang điểm – giục giã: “Các chị vào đi, có nhớ mang theo sữa nước không đấy. Trang điểm xong là không ăn được đâu, chỉ uống sữa thôi nhé!”.
Nghề trang điểm cô dâu cũng có những nhọc nhằn riêng (ảnh minh họa)
Ngỏ ý hỏi Trang đã chờ chúng tôi lâu chưa thì nhận được câu trả lời: “Nghề của bọn em mà chị, chỉ được phép đến sớm chứ không được đến muộn hơn cô dâu. Trang điểm cho cô dâu cũng phải mất từ 2-3 tiếng. Nếu vì mình mà làm muộn giờ đón dâu của khách thì chúng em chỉ có nước thất nghiệp thôi. Chị cưới vào dịp này là còn vãn khách đấy, mùa cao điểm tầm này cửa hàng nhộn nhịp lắm, ít nhất từ 10-15 cô dâu một ngày cơ. Tha hồ luôn chân, luôn tay”.
Vừa nhịp nhàng tỉ mẩn thao tác trang điểm cho cô dâu, Trang vừa tâm sự, có những khách lấy chồng tỉnh ngoài tận Nghệ An, Hà Tĩnh. Trời mùa hè sợ mồ hôi ra làm lem lớp trang điểm nên họ yêu cầu thợ trang điểm đi cùng. Vậy là bọn em khăn gói đi theo, mười mấy tiếng chạy xe trên đường. Từ tờ mờ sáng hôm nay đến mờ sáng hôm sau mới về đến nhà.
Đằng sau khuôn mặt rạng ngời trong ngày cưới hay vẻ đẹp không tì vết trong những bức hình thời trang, ít ai biết được người thợ trang điểm đã phải vất vả như thế nào trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Nghề trang điểm cô dâu thoáng nghe tưởng là công việc nhẹ nhàng nhưng thực ra nghề này cũng có những vất vả riêng của nó và không phải ai cũng làm được. Để có thể tự đứng ra làm, thợ trang điểm phải theo một khóa học ít nhất 6 tháng, sau đó là thời gian tập sự. Ai có năng khiếu thì nhanh làm nghề, còn không thì ít nhất cũng phải một vài năm trở lên.
Theo chị Trần Thị Vân – một thợ trang điểm trên đường Lê Lợi – thì nếu không đầu quân cho các cửa hàng chuyên về cưới hỏi thì thợ tự do ban đầu phải bỏ ra một khoản đầu tư lên tới vài triệu để sắm sửa đồ trang điểm. “Các cửa hàng, siêu thị về mỹ phẩm mới liên tục. Mình cũng phải cập nhật hàng thường xuyên bởi đời sống ngày càng nâng cao, yêu cầu của khách cũng ngày càng lớn, không thể dùng mấy thứ mỹ phẩm rẻ tiền mà đánh cho khách được đâu”.
Chị Thu Hằng – một người chuyên nhận trang điểm tại nhà cho các đám hỏi, dạ tiệc, hội nghị, sự kiện - tâm sự: “Kiếm được đồng tiền từ nghề này cũng không phải dễ đâu. Hiện nay mùa cưới diễn ra gần như quanh năm, trong tháng lại có những ngày đẹp nhất định nên thợ trang điểm khá vất vả. Việc thường xuyên đi sớm về hôm là chuyện thường. Có những hỷ sự, thợ cùng êkip chụp ảnh theo khách đi chụp tại tỉnh ngoài như Nha Trang, Phan Thiết hay Vũng Tàu phải 3-4 ngày mới về. Với những sự kiện đó, để tiết giảm chi phí, thợ trang điểm không chỉ đơn thuần đánh mặt mà buộc phải học thêm cách làm tóc, chuẩn bị phục trang. Gặp được khách hàng dễ tính không sao, chứ gặp phải khách khó chiều thì mình phải lựa để tránh mất lòng khách. Có lần đi trang điểm, cô dâu yêu cầu mình theo đúng kiểu tóc mà cô ấy thích. Tuy nhiên, kiểu tóc đó lại không hợp với khuôn mặt cô dâu chút nào, nếu chiều theo ý họ thì khi lên ảnh sẽ không đẹp, lần sau sẽ mất khách. Vậy là phải ngọt nhạt thuyết phục mãi cô dâu mới chịu đổi kiểu”.
Chị Hằng cũng tâm sự thêm, vào mùa cưới, phải đi sớm về hôm không có điều kiện chăm sóc con cái cũng thấy áy náy. Những ngày đó chị buộc phải gửi con ở hẳn nhà ông bà ngoại để lo việc cơm nước, đưa đón con đến trường. Ăn uống lại khá thất thường, nhiều khi tranh thủ ăn qua quýt hoặc uống sữa cầm hơi, đến lúc rảnh thì quá bữa. Nhiều khi đứng nhiều hay giữ tư thế lâu nên về đến nhà rã rời chẳng thiết ăn uống. Vì vậy cũng có người bị đau dạ dày do ăn uống thất thường đấy”.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng chị Hằng trang điểm cho 7-10 cô dâu. Bên cạnh đó, chị còn nhận làm đẹp cho các bạn chụp ảnh kỉ yếu, chụp ảnh đi chơi, đi sự kiện, cho mẫu ở studio hay hoá trang trong các dịp đặc biệt. Công việc ổn định với lượng khách dồi dào giúp chị mỗi tháng có thu nhập khoảng 15 triệu. Cao điểm nhất là khi mùa cưới trùng với mùa kỉ yếu. Có ngày chị nhận được đến 15 khách đặt hàng nhưng tối đa một ngày chị chỉ nhận trang điểm cho khoảng 10 người. Chị Hằng chia sẻ: "Phải từ chối yêu cầu của khách hàng thì mình cũng tiếc lắm nhưng phải đảm bảo chất lượng nên không thể làm qua quýt cho người này rồi sang trang điểm cho người kia được".
Qua tìm hiểu, nghề trang điểm cô dâu khá đắt khách, đặc biệt là những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Mức giá trang điểm cũng không cố định, tùy vào tay nghề cũng như yêu cầu của khách hàng.
Đối với trang điểm cô dâu trong lễ ăn hỏi, mức giá dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/cô dâu; trang điểm cô dâu trong lễ cưới có mức giá dao động từ 1 triệu – 2 triệu/cô dâu. Ngoài ra nếu nhận trang điểm cho người thân trong gia đình cô dâu, mỗi mặt có mức giá khoảng 200.000 đồng.
Nghề trang điểm cô dâu cũng như nghề làm dâu trăm họ, lúc nào cũng phải đặt khách hàng lên hàng đầu. Khách hàng mỗi người một sở thích nên những người làm nghề này phải thật kiên trì và khéo léo thì mới khiến khách hàng hài lòng và tạo được thương hiệu riêng cho bản thân.
Ngân Hạnh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết