16:04 15/08/2017 Thành phố Điện Biên Phủ nằm uốn mình theo dòng sông Nậm Rốm trong nắng ban mai, bên cánh đồng Mường Thanh thơm ngát hương lúa mới, nhà nối nhà, san sát. Ai đã từng lên mới thấy, giữa núi rừng Tây Bắc đại ngàn, Điện Biên là vùng đất có bề dày lịch sử. Người Điện Biên tự hào rằng, cả một khu “lòng chảo” rộng và đẹp, trù phú nhất giữa mênh mông núi rừng là nơi được các dân tộc anh em Thái, Mường, Khơ Mú, Phù Lá, Hà Nhì, Si La, Lô Lô... hội tụ.
Họ từ khắp các vùng về đây sinh cơ lập nghiệp, dựa vào nhau, yêu thương nhau và cùng đi qua những ngày tháng khó khăn nhất. Người dân bản địa ở đây kể lại, ban đầu, lòng chảo này là có tên là vùng đất Mường Theng, hay đọc theo âm Hán Việt là Mường Thiên, có nghĩa là Mường Trời.
Rồi dần dần, họ gọi tên thung lũng là Mường Thanh chính bởi giữa trùng trùng điệp điệp núi rừng lại lọt thỏm một vùng đất bằng phẳng và rộng lớn với chiều dài ước chừng hơn 16km và chiều rộng 6km. Địa hình bằng phẳng, thiên nhiên ưu ái, bởi thế Mường Thanh trở thành một điểm đặc biệt trên bản đồ vùng Tây Bắc.
“Lòng chảo” Điện Biên Phủ giờ đây đã trở thành một thành phố mới, trẻ trung và năng động. Những con đường rộng thênh thang rợp bóng hoa ban tô sắc như một minh chứng cho sức mạnh, tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc miền Tây Bắc của tổ quốc.
“Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu, đèo cao bao khó khăn vượt qua/ Bộ đội ta vâng lệnh Cha già/ Về đây giải phóng quê nhà…”. Thật kỳ lạ và tự hào khi 63 năm trôi qua, ca khúc nổi tiếng “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sỹ Nguyễn Thành cùng với “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận vẫn cứ vang mãi trong mỗi nếp nhà sàn, ở khắp các nhà hàng đón khách du lịch nằm sâu trong tâm khảm mỗi người người dân nơi đây. Vẫn còn đó rực sáng những địa chỉ đỏ đã đi vào lịch sử như những huyền thoại, những chứng tích không thể nào quên.
Đó là các đồi: A1, C1, C2, D1, E1, Him Lam; là hầm Đờ Cát thấp thoáng dáng tướng giặc cúi đầu. Đó là Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ với những vật dụng thô sơ nhất đã làm nên chiến thắng lịch sử trước các trang bị hiện đại của một đội quân viễn chinh tàn bạo giữa thế kỷ 20. Rồi nữa, đó là thành Hoàng Công Chất ở Bản Phủ, di tích Noong Nhai và Mường Phăng - Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên...
Để xây dựng tại đây một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiểu “Véc - đoong” nổi tiếng trong học thuyết quân sự thời ấy, quân Pháp với sự viện trợ đến tận răng của Mỹ đã tập trung tăng cường, đưa đến Điện Biên Phủ nhiều binh, hỏa lực và các phương tiện, vũ khí mới nhất cùng các binh chủng, tướng mạnh nhất.
Tổng số binh lực ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc đó là trên 16.000 tên, bố trí thành 49 cứ điểm nhỏ nằm trong 8 cụm cứ điểm được tổ chức liên hoàn với nhau. Mỗi cụm cứ điểm là một “trung tâm đề kháng”, có lực lượng cơ động và phòng ngự mạnh cùng hệ thống hỏa lực riêng, xung quanh có nhiều hàng rào dây thép và kẽm gai được cài mìn xen kẽ.
Thế nhưng chỉ sau 56 ngày đêm chiến đấu, trải qua 3 đợt tiến công quân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm “mạnh” nhất châu Á, “pháo đài không thể công phá” kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương, buộc chúng phải ký hiệp định Giơnevơ tháng 7-1954, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Nằm lặng lẽ bên tượng đài lừng lững, uy nghiêm giữa lòng thành phố Điện Biên là 3 Nghĩa trang liệt sỹ: Độc Lập, A1 và Him Lam với hàng ngàn ngôi mộ những người con ưu tú của non sông đất Việt đã nằm xuống trong cuộc chiến năm xưa đã được quy tập lại. Trong đó, Nghĩa trang Độc Lập rộng khoảng 5ha, là nơi an nghỉ của 2.432 liệt sĩ.
Đây cũng là nghĩa trang có diện tích lớn nhất trong 3 nghĩa trang nói trên. Cả khu vực như một khu công viên cây xanh lớn được chăm sóc hết sức cẩn thận và chu đáo.
Còn Nghĩa trang liệt sĩ A1 nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 chỉ vài trăm mét về phía Nam, được xây dựng năm 1958. Nơi đây có 644 ngôi mộ của chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh trong 56 ngày diễn ra những trận chiến ác liệt trong suốt chiến dịch.
Hầu hết, các mộ chí bia đều để trắng, chỉ có 4 ngôi ghi tên các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Đặc biệt, trên đồi A1 hiện vẫn còn một ngôi mộ tập thể vô danh, bên cạnh là chiếc xe tăng của Pháp do chính các liệt sĩ này bắn cháy vào sáng 1-4-1954.
Trước đó, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội Pháp được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, trong đó có 10 chiếc xe tăng được máy bay đưa lên. Tại sân bay Mường Thanh, một kíp công binh 25 người của quân Pháp có nhiệm vụ cứ trong 3 ngày phải lắp xong 1 chiếc xe tăng mới nhằm đối phó trước sự tấn công mãnh liệt của ta.
2 chiếc xe tăng trong số đó đã được đưa lên đồi A1. Nhưng sáng ngày 1-4-1954, một chiếc đã bị 4 chiến sĩ ta tiêu diệt, chiếc còn lại hoảng loạn tháo chạy. Cả 4 chiến sĩ dũng cảm, thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 đã anh dũng hy sinh. Đến năm 1994, khi quy tập các hài cốt chiến sỹ ta để đưa về nghĩa trang, bộ đội ta phát hiện bên cạnh 4 bộ hài cốt vẫn còn khẩu súng bazoka.
Một điều gây xúc động mạnh cho chúng tôi là phía trước Nghĩa trang A1 có 2 bức tường lớn, ghi tên các liệt sĩ hi sinh ở Điện Biên. Tên được khắc ghi bằng đồng, xếp theo tỉnh, từng hàng chữ, từng con số cứ nối dài bất tận đến buốt lòng từ Nghệ An, Thái Bình, Điện Biên đến Hà Nam, Hải Phòng...
Anh Phạm Hoài Nam, Phó Trưởng Phòng Chính sách người có công, Sở LĐTB&XH tỉnh Điện Biên xúc động giải thích, giữa tên của các anh hùng liệt sĩ không ngăn cách mà nối liền bởi theo ý tưởng thiết kế là biểu tượng của một đoàn quân bất diệt, ngày đêm hành quân, chiến đấu không ngừng nghỉ.
Các anh sinh ra ở mỗi vùng quê khác nhau, nhưng đều nằm xuống tại mảnh đất Điện Biên vì chung một ý chí quyết tử vì độc lập - tự do của dân tộc. Và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để làm nên một chiến thắng vang dội lịch sử, lừng lẫy năm châu, đã có hơn 5.400 anh hùng, liệt sĩ hy sinh.
Trong đó có 213 liệt sĩ là những người con của Hải Phòng có tên trong bảng vàng ghi danh. Hải Phòng với khí phách kiên trung, bất khuất nơi đầu sóng ngọn gió, xứng đáng là tiền đồn canh giữ cửa biển thiêng liêng của Tổ quốc, khí phách ấy như bản hùng ca bất hủ, reo vang suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
9 năm kháng chiến trường kỳ, quân và dân Hải Phòng luôn ngẩng cao đầu, viết nên trang sử vàng truyền thống với những chiến thắng “Sở Dầu, Cát Bi rực lửa”, “Đường 5 quật khởi”… chia lửa với chiến trường Điện Biên.
Trong khói hương trầm mặc, tất cả đều lặng người trước hàng nghìn ngôi mộ của các chiến sĩ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Có lẽ bởi thế nên trong mỗi bước chân của những chiến sỹ trẻ chúng tôi về Điện Biên hôm nay càng như có gì thôi thúc, càng thấy trong lòng trào dâng lên những cảm xúc rất lạ…
Điện Biên - như “Tấm huân chương trên ngực” của Tổ quốc. Mỗi nắm đất, mỗi rừng cây, ngọn cỏ nơi đây như vẫn rì rầu muôn tiếng hát, “như những lời xưa nói vọng về” một trong những chiến tích oai hùng nhất trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Dẫu cuộc sống hôm nay có đổi thay, người xe đông đúc nơi phố thị vùng cực Tây Bắc xa vợi thì trong sâu thẳm hồn thiêng, Điện Biên vẫn là một bảo tàng sống lưu giữ mãi những giá trị muôn đời của khát vọng “không gì quý hơn độc lập, tự do” và ý chí bất khuất của cha ông.
Cảm xúc ấy khi ngước nhìn tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1, chúng tôi ai cũng thực sự cảm thấy thiêng liêng và thật khó diễn tả bằng lời.
ĐH
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết