21:35 27/10/2017 Chế tác đá vốn là nghề truyền thống của vùng núi Voi (An Lão). Trước kia nghề này tính về quy mô chỉ kém huyện Thủy Nguyên, nơi có vùng nguyên liệu khổng lồ. Nhưng nhìn về góc độ hàng hóa, sản phẩm đá núi Voi lại có phần trội hơn về sự đa dạng, độ bền và màu sắc.
Kết cấu đã mỹ thuật Núi Voi góp mặt tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc ở Ngũ Đoan (Kiến Thụy)
Một thời “đá hóa thành cơm”
Theo ông Nguyễn Văn Bảo - một thợ gia truyền ở xã Trường Thành, thì đá núi Voi có đặc điểm không nhiều thớ liền như đá ở Thủy Nguyên hay ở vùng khác, nhưng có màu xanh thẫm và rắn hơn nhiều nên đòi hỏi người thợ phải tỷ mẩn từng nhát đục, có lẽ chính vì thế mà trước đây, tay nghề của thợ núi Voi luôn được đánh giá cao. Cũng nhờ tính chất liệu đó mà văn bia từ đá núi Voi cũng vượt trội, các nét hoa điêu, chữ chạm khắc có độ bền lâu, ít bị phong hóa theo năm tháng. Những sản phẩm từng là truyền thống cách đây vài chục năm như chày cối, trục lúa, bia chữ, bia mộ, vỉa sân, cầu ao… từ đá núi Voi cũng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng.
Một thời gian dài nghề đá đã nuôi sống biết bao gia đình ở khu vực quanh núi Voi. Chẳng thế mà những cái nên núi Một, núi Độc, núi Chu… tức là những ngọn núi lẻ rải rác trong quần thể giờ chỉ còn là ký ức, vì đã bị thợ đá xóa sổ. Đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi xu hướng mở cửa phát triển, núi Voi được quy hoạch thành vùng du lịch (núi voi được công nhận di tích “danh thắng lịch sử” cấp quốc gia năm 1962). Cũng thời kỳ này, khi nhiều vật liệu khác được phổ biến, cùng với sự phát triển của công nghệ hàng tiêu dùng, sản phẩm công cụ từ đá không còn phù hợp, nên nghề đá núi Voi bắt đầu thoái trào. Ông Bảo nhớ lại: “Lúc đó đá núi Voi bị cấm khai thác, nguyên liệu không có, trong khi hàng hóa thì tiêu thụ chậm, nên hầu hết thợ đá trong vùng phải bỏ nghề…”.
Ngỡ tưởng, nghề chế tác đá Núi Voi sẽ như bị triệt tiêu. Bởi những năm sau đó, lớp thợ già dần từng người khuất bóng, thế hệ cuối cùng của vùng nghề nay đều đã bước vào tuổi trung niên. Nhưng dư âm của thương hiệu đá núi Voi vẫn còn, nhiều người vẫn hoài niệm về quãng thời gian nghề đá đã giúp hàng ngàn hộ dân sống dư ăn đủ mặc, một niềm mơ ước của thời bao cấp khăn khó.
Vùng nghề tái xuất
Trong thế hệ cuối cùng của nghề đá truyền thống núi Voi, nổi lên người thợ trẻ tên là Trần Minh Tuấn. Ông sinh năm 1968 tại xã An Tiến), từ nhỏ đã theo cha vào chân núi đẽo đá, cái nghề “đục, đục… chát, chát” thấm sâu vào tuổi thơ, nên khi việc không còn nhưng nghề thì cứ đau đáu mãi theo ông suốt những năm tháng sau này. Năm 22 tuổi, với những kiến thức học hỏi được cùng với tư chất bẩm sinh và hoài niệm về thủa hàn vi, ông Tuấn đem tất cả tâm huyết quyết phục hồi nghề đá, nhưng là đá mỹ nghệ.
Đá núi Voi không được khai thác, nguyên liệu phải chuyển từ vùng khác về, lại lọ mọ với nghề “đục… chát”, ông Tuấn cho ra đời những sản phẩm điêu khắc nghệ thuật đầu tiên. Trời không phụ lòng người, các tác phẩm của Trần Minh Tuấn được chọn tham gia những triển lãm danh tiếng như Triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ IV, Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, Trại sáng tác điêu khắc quốc tế Phú Thọ… đều vào năm 2005 và mang lại thành công lớn. Năm 2007, tác phẩm “Tiếng gọi” của ông đã được chọn tham gia Trại sáng tác điêu khắc quốc tế Đồ Sơn. Năm 2009, ông đã ghi dấu ấn của mình với bộ 15 tác phẩm nghệ thuật đá tại công viên Cát Bà. Chưa kể nhiều tác phẩm ấn tượng khác tượng chân dung lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh; bản mẫu tượng tại đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn (Thái Sơn - An Lão); bản mẫu tượng các Vua nhà Mạc tại Khu tưởng niệm vương triều Mạc (Ngũ Đoan - Kiến Thuỵ)…
Với những thành công gây tiếng vang, năm 2016 vừa qua Trần Minh Tuấn trở thành một trong 9 nghệ nhân của Hải Phòng được Chủ tịch nước phong tặng “Nghệ nhân ưu tú”. Nhưng điều thiết thực hơn cả là ông Tuấn đã khơi dậy nghề đá ở An Lão theo xu hướng mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Để giờ đây, trong điều kiện vùng đá ở huyện Thủy Nguyên được quy hoạch thành vùng nguyên liệu, An Lão được đánh giá là trung tâm chế tác đá nghệ thuật lớn bậc nhất Hải Phòng. Sản phẩm đá núi Voi thế hệ mới có mặt ở nhiều công trình không chỉ riêng ở Hải Phòng.
Phát triển hướng nào cho phù hợp?
Mấy năm gần đây, đình chùa, nhà thờ, nhà tưởng niệm đua nhau mọc mới, đồng nghĩa với nhu cầu “chuộng cổ” tăng cao, kiến trúc đá được phen tái triển. Nhìn những dãy hàng ngút mắt nằm dọc quốc lộ 10, bằng mắt thường thấy rõ những sản phẩm đá hiện nay của An Lão chủ yếu phục vụ cho thế giới tâm linh. Các loại lăng mộ bằng đá, với tính trường tồn mà thời trước chỉ có nhà giàu mới dám mơ ước, thì nay dù ở cấp độ kinh tế nào, người ta cũng phấn đấu cho bằng được. Ông Thụy - một chủ xưởng đá cho biết, một bộ lăng đá toàn phần loại nhỏ bình quân cũng từ 15 triệu đồng, loại lớn hơn từ 30 triệu đồng trở lên.
Dù kinh tế khó khăn, nhưng lăng tẩm đá vẫn là mặt hàng bán rất chạy, nên chỉ có vài năm mà số lượng xưởng đá ở đây phát triển với tốc độ chóng mặt. Theo ông Đào Văn Tần – Trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện An Lão, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 100 cơ sở chế tác đá theo mô hình doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, tập trung nhiều nhất dọc quốc lộ 10. Trên quãng đường kéo dài khoảng 3km từ xã Trường Thành đến xã An Tiến, hình ảnh những sản phẩm đá cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của nghề này ở huyện An Lão. Các sản phẩm cũng đi vào tinh xảo hơn nhiều, với những hoa văn phong phú trên khung diện lớn như lăng mộ, cột kèo hay đường nét tinh tế của các pho tượng. Điều khác nữa là công nghệ cũng được hiện đại hóa, nhờ sự hỗ trợ của các dụng cụ điêu khắc tiên tiến, nên việc tiếp cận nghề cũng trở lên dễ dàng hơn.
Phải nói nghề đá An Lão đang đảm bảo công việc ổn định với thu nhập khá cho một bộ phận dân cư, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong một phân khúc hàng hóa đặc biệt. Tuy nhiên cơ bản nghề này đang ở dạng tự phát, đặt ra bài toán khó trong quy hoạch phát triển của huyện, đồng thời cũng gây ra không ít nhức nhối về cảnh quan, môi trường, an toàn lao động… Ông Đào Văn Tần chia sẻ, từ mấy năm trước, huyện An Lão đã có dự tính quy tụ lại dưới dạng làng nghề, đưa vào quản lý có tính định hướng. Tuy nhiên do nhiều lý do nên đề án này đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Về vấn đề nay, Chủ tịch UBND xã Trường Thành Nguyễn Duy Miện cho biết, hiện xã có 25 cơ sở chế tác đá, được bố trí khu vực sản xuất tập trung cách khá xa khu dân cư nhưng vẫn tiện lợi cho sản xuất kinh doanh. Chính quyền địa phương thường xuyên tăng cường các biện pháp giám sát, nhắc nhở cơ sở tuân thủ nghiêm túc vấn đề an toàn lao động, bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, đó mới là cơ chế cục bộ tạm thời, trong tương lai rất cần một khu tập trung mô hình làng nghề cho chế tác đá ở An Lão, như thành phố đã thành công đối với làng nghề đúc Mỹ Đồng ở huyện Thủy Nguyên.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết