Vương vấn chợ hoa đêm

13:23 16/04/2018

Đằng Hải trước đây nổi tiếng khắp vùng bởi từng là làng hoa của cả thành phố. Ngày ấy đi giữa đường làng, người ta không chỉ thấy rạo rực trước muôn vàn hồng tía của hoa, của nụ mà còn bị níu chân bởi hương hoa nồng nàn tỏa lan trong gió.

Hơn chục năm nay, tốc độ đô thị hoá quá nhanh khiến cho diện tích trồng hoa dần thu hẹp, những ngôi nhà, biệt thự thi nhau mọc trên đất hoa để lại không ít tiếc nuối cho những người hoài cổ. May mắn thay, với sự tồn tại của chợ hoa Đằng Hải mà người dân thường quen gọi chợ hoa Lũng - dường như nơi đây vẫn còn vương vấn lưu giữ dấu ấn xưa không thể phai mờ…

Cô bạn thân ở cái tuổi gần “ế sắc” lấy chồng, gia đình mừng như vớ được vàng nên chủ trương “từ trên” đưa xuống cưới hỏi phải chỉn chu, hoàn hảo. Trước ngày ăn hỏi chừng 1 tuần, cô ngồi cặm cụi lên chương trình, lập sổ sách tính toán. Sau một hồi gạch gạch xóa xóa, cô tròn mắt quay sang tôi bảo: “Nếu theo đúng kế hoạch thì tốn nhiều hoa lắm đây!”.

Tôi tò mò ghé xem, hồng nhung 200 bông, hồng bạch 200 bông, salem 10 bó, bibi 10 bó, lá măng 5 bó… “Mua gì mà nhiều thế, để đâu cho hết?”. Cô bạn khẽ khàng: “Lại chẳng hết à. Đám hỏi dự định chỉ dùng hồng Đà Lạt. Cắm 20 lọ cho 20 bàn, mỗi bàn khoảng 15 bông. Rồi còn ban thờ, chỗ đặt sính lễ. Đấy là chưa tính cổng kết hoa tươi cho đẹp nữa”.

Chợ hoa đêm còn là nơi lưu giữ một nét đẹp văn hóa đặc biệt của người dân thành phố (ảnh minh họa)

Ờ, ờ, thế thì quả là hết nhiều thật. Thấy 2 bà chị ngẩn ngơ tính toán, cậu em vốn là thổ dân làng Lũng cười ha hả: “Gớm các bà, chưa chi mà đã lo thế. Vừa qua đợt thanh minh, lại liên tiếp những ngày lễ lớn, mua từng đấy hoa ở shop có mà hết cả hồi môn. Thôi chịu khó ngủ ít đi 1 tý. Sát ngày thằng em dẫn đi chợ hoa Lũng cho mà chọn. Đảm bảo hoa sẽ nhiều gấp đôi mà tiền chỉ bằng nửa chỗ các chị đang tính thôi”.

 Nghe lời cậu em, 2h30 sáng sát ngày ăn hỏi, ba chị em xùm xụp mũ áo lọ mọ đi chợ hoa. Đường vắng hoe, đất trời tối mịt. Sang tháng tư mà cái rét ngọt vẫn bủa vây tứ phía. Mất khoảng hai mươi phút xuýt xoa vì rét từ nhà đến chợ, từ xa tôi đã được cậu em chỉ cho vùng sáng rực ánh điện kia chính là chợ hoa đầu mối. Chẳng hiểu do ánh vàng ấm áp của đèn điện hay tâm trạng háo hức khi lần đầu mục sở thị chợ hoa lớn nhất thành phố mà chúng tôi cảm thấy dường như cái lạnh giá của đêm cũng dần tan đi.

Những ai chưa một lần đi chợ hoa có lẽ khó mà cảm nhận được hương vị đặc biệt của những buổi chợ này. Cả chợ như một vườn hoa khổng lồ rực rỡ sắc màu của hoa và sực nức hương thơm. Hoa ly ngào ngạt, hoa hồng nồng ngọt, cúc vàng thoang thoảng, dành dành sực nức… Tất cả những mùi thơm ấy quyện trong không khí lành lạnh của buổi sớm mai tạo ra một không gian khiến cho những ai đặt chân đến đây đều cảm thấy vô cùng thư thái, dễ chịu.

Vì chợ họp vào ban đêm đan xen những gam màu sáng tối, đẹp rực rỡ và huyền ảo, làm lay động tất thảy những tâm hồn yêu cái đẹp. Chợ hoa đêm nhẹ nhàng, không ồn ào, xô bồ như những khu chợ khác.

Trên những khoảng đất rộng, người ta bày la liệt đủ các loại hoa. Hàng ngày, chúng ta vẫn thường trông thấy những bình hoa, những bát hoa hay những lẵng hoa được cắm vừa phải trong những phòng khách, những đại sảnh thì nay cũng hoa ấy, cũng lá ấy đang được bày ê hề trên phản, trên mẹt, chất đầy trong những xe tải nhỏ, trên những rọ xe hay những tấm nilon trải san sát trên mặt đất. Xanh của lá, đỏ của hoa, rồi tím, rồi vàng, rồi hồng, cam, trắng… hoa xếp thành bó, thành ôm, thành chồng thành đống, phủ phê màu sắc.

 Chợ họp rất sớm, tầm 2 giờ sáng đã bắt đầu. Người đi chợ thì đông vô kể, chủ yếu là chủ các cửa hàng, gánh hàng hoa khắp thành phố, thị xã, thị trấn, vùng ven ngoại thành Hải Phòng và khách buôn các tỉnh lân cận như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên… Tò mò hỏi thử một khách thấy ôm bó hoa nho nhỏ, hóa ra chị cũng có người nhà chuẩn bị đám cưới. Và việc tìm đến chợ hoa để thoải mái lựa chọn theo tiêu chí ngon – bổ - rẻ chính là sách lược hàng đầu không chỉ của cô bạn thân tôi.

Do là chợ đầu mối nên hoa ở đây bán buôn theo bó hoặc ôm lớn. Một bó hồng chừng 50-100 bông. Đồng tiền Hà Lan mỗi bó khoảng 20-30 bông. Ly bán theo cành chừng hai ba chục cành một. Thạch thảo, bi bi, salem… bán theo từng ôm lớn.

Dưới ánh sáng của đèn điện, người ta chen nhau hỏi giá, ngã giá, rồi ôm từng bó hoa lớn rực rỡ sắc màu ấy mà sang hàng khác lựa chọn. Vào dịp tết, mùng 1 hay ngày rằm, chợ hoa đông đúc hơn những ngày thường do lượng hoa tiêu thụ tăng cao.

Đặc biệt những ngày cận tết, chợ đón một lượng khách không nhỏ coi việc đi chợ là một cách thưởng hoa, chơi tết, hoài cổ về một làng hoa đã từng có tiếng chốn Hải thành.

Theo các chủ buôn, thời kì trước hoa ở chợ chủ yếu là do làng Lũng cung cấp, nay đất trồng hoa bị thu hẹp nên ngoài hoa do làng Lũng còn có hoa từ các địa phương khác buôn về như Đà Lạt, Hưng Yên, Hà Nội… Vì vậy mà chủng loại cũng đa dạng và phong phú hơn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Hơn 4 giờ sáng, tôi cùng bạn ra về với một ôm lớn nào hồng, nào đồng tiền, bibi, thạch thảo… Trời hơi rõ mặt người, đã thấy khách buôn chở đùm lớn đùm bé sắc màu trên những chiếc xe máy tỏa đi khắp nẻo đường. Qua khu chợ gần nhà, thấy cô hàng hoa cần mẫn lúi húi xếp từng ôm hoa tươi rói chuẩn bị cho buổi chợ mới. Chợ giờ chắc cũng vãn dần.

Với những người Hải Phòng, chợ hoa đêm Đằng Hải không chỉ là đầu mối cung cấp hoa cho cả thành phố mà còn là nơi lưu giữ một nét đẹp văn hóa, nét đẹp tinh thần chẳng thể nào phai trong tâm trí những ai đã từng một lần ghé qua.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông