Bộ Công an tổng kết cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT

16:49 25/10/2022

Chiều 24-10, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT theo Kế hoạch số 299/KH-BCA-C08. Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Thứ trưởng và lãnh đạo các Cục nghiệp vụ. Tại điểm cầu Hải Phòng, tham dự Hội nghị có Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an thành phố cùng đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các quận, huyện; chỉ huy các Đội, Trạm trực thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt và Phòng Cảnh sát Đường thủy...
Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc CATP chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng

Với tinh thần làm việc khẩn trương, hội nghị thống nhất đánh giá: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT theo Kế hoạch số 299/KH/BCA-C08 ngày 13-6-2022, Công an các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã xây dựng các phương án, tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp bao gồm: điều tra cơ bản, nắm tình hình tuyến, địa bàn để bố trí lực lượng, phương tiện kiểm tra, xử lý các nhóm hành vi vi phạm theo yêu cầu.

Trong đó, Công an các địa phương đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tích cực phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mục tiêu Kế hoạch 299 đã đề ra.

Trong suốt đợt cao điểm ra quân lần này, Bộ Công an đã tiến hành sơ kết tình hình, kết quả theo từng tháng nhằm đánh giá, ra soát lại toàn bộ các nhiệm vụ đã phân công; bổ sung, điều chỉnh các biện pháp mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, ngày 13-7-2022, Bộ trưởng Bộ Công an có Công điện số 76/HT gửi Công an các địa phương chỉ đạo tăng cường hơn nữa các biện pháp cụ thể nhất là chấn chỉnh công tác TTKS của lực lượng CSGT để Kế hoạch 299 thực sự đi vào thực tiễn.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn

Kết quả, sau 3 tháng thực hiện Kế hoạch 299, Công an toàn quốc đã tiến hành điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn (đường bộ, đường thủy nội địa). Theo đó, cả nước hiện có 12.271 kho bãi, mỏ khai thác khoáng sản, cảng hàng hóa, nhà máy, cơ sở cá nhân; 25.473 doanh nghiệp và 98.480 phương tiện kinh doanh vận tải.

Lực lượng CSGT đã vận động 5.933 doanh nghiệp, hộ cá thể tự giác tháo, cắt thùng xe cơi nới làm thay đổi kết cấu thiết kế ban đầu. Toàn quốc có 2.78 tuyến giao thông tồn tại các phương tiện chở hàng hóa quá tải trọng cho phép; 762 tuyến đường, khung giờ thường có xe vi phạm tốc độ; 31.327 nhà hàng, quán bar, vũ trường, quán ăn, khu du lịch...

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ, Công an các tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; vận động hơn 31.000 chủ cơ sở kinh doanh ăn uống nhắc nhở khách hàng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; yêu cầu hơn 25.000 doanh nghiệp, 2.030 nhà máy, 5.545 chủ bến bãi, 3.792 xưởng cơ khí sửa chữa ô tô và 190.489 cá nhân cam kết bốc xếp, vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng thiết kế, không “cơi nới” thùng xe...

Trên lĩnh vực đường thủy nội địa, lực lượng Cảnh sát Đường thủy cũng đã yêu cầu 6.736 chủ doanh nghiệp, chủ bến bãi ký cam kết không bốc xếp hoàng hóa, chở hàng hóa quá vạch mớn nước và tuân thủ các quy tắc an toàn đường thủy, vận chuyển hàng phải có hóa đơn chứng từ...

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn

Cũng trong 3 tháng thực hiện đợt cao điểm (từ 20-6-2022 đến 20-9-2022), Công an toàn quốc đã tổ chức 306.413 tổ công tác, 1.242.788 lượt CBCS thực hiện nhiệm vụ TTKS. Qua đó, phát hiện, xử lý 788.607 trường hợp vi phạm TTATGT; phạt tiền 1.384,7 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 134.064 trường hợp; tạm giữ 189.045 phương tiện. So với thời gian liền kề trước đó, số lượt bị xử phạt tăng 20.232 trường hợp; tiền phạt tăng 436,3 tỷ đồng.

Cụ thể, lĩnh vực đường bộ đã kiểm tra, xử lý 773.467 trường hợp vi phạm; phạt tiền 1.358,4 tỷ đồng. Đường thủy nội địa kiểm tra, xử lý 15.140 trường hợp, phạt tiền 26,1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số này có 110774 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 14,32% tổng số vi phạm), tăng 47.315 trường hợp; 112.337 trường hợp vi phạm tốc độ trên đường bộ (chiếm 14,52% tổng số vi phạm), tăng 26.668 trường hợp; 47.224 trường hợp phương tiện vận tải cơi nới thành thùng xe, chở quá tải trọng cho phép, xếp hành hóa quá khổ giới hạn, tăng 27.006 trường hợp so với thời điểm liền kề trước đó.

Lĩnh vực đường thủy nội địa, các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, xử lý 11.205 trường hợp chở hàng hóa quá vạch mớn nước an toàn; 71 trường hợp chở quá số người số quy định; 16 trường hợp chở hàng hóa không hóa đơn chứng từ; 406 trường hợp không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật, PCCC; 55 trường hợp bến thủy nội địa hoạt động không giấy phép.

Kết quả trên đóng góp tích cực vào việc kiểm soát các chỉ số về TNGT trên cả nước. Cụ thể, trong 3 tháng thực hiện cao điểm, toàn quốc đã giảm 12,18% về số vụ, giảm 14,53% về số người chết và giảm 7,49% về số người bị thương so với 3 tháng liền kề trước đó.

Tại Hải Phòng, trong 3 tháng thực hiện Kế hoạch 299, Giám đốc CATP đã ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo tập trung vào xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, quá tải trọng, quá khổ giới hạn; tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ. Kết quả, các đơn vị, địa phương đã kiểm tra phát hiện, xử lý 16.192 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt 44,23 tỷ đồng; tước ước 5.479 GPLX, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 660 ôtô; 5.671 môtô và 10 phương tiện khác.

Riêng lĩnh vực đường thủy nội địa, Phòng Cảnh sát Đường thủy đã huy động 1.488 tổ công tác, 4.464 lượt CBCS làm nhiệm vụ TTKS trên các tuyến, qua đó, đã lập biên bản 508 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy, phạt tiền theo lỗi 1,714 tỷ đồng. So với 3 tháng liền kề trước đó, số vi phạm bị phát hiện, xử lý tăng 98 trường hợp (tương ứng 23,9 %).

Kết luận Hội nghị, Đại tướng Bộ trưởng Tô Lâm, đã ghi nhận đánh giá cao những kết quả của lực lượng Công an toàn quốc trong đợt tổng ra quân thực hiện Kế hoạch 299. Bộ trưởng nhấn mạnh, kết quả trên đã đáp ứng yêu cầu quan trọng trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tiếp theo. Việc ban hành Kế hoạch 299 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm TTATGT, TTATXH nhất là trước yêu cầu kiểm soát, giảm các chỉ số về TNGT nhằm đưa hình ảnh đất nước an toàn, thân thiện đến với bạn bè quốc tế, thu hút đầu tư, du lịch…

Đợt cao điểm cũng đã thực sự tạo chuyển biến tích cực về tư duy, nhận thức, trách nhiệm của lực lượng Công an trong công tác giữ gìn TTATGT, đồng thời tạo ra sự đồng thuận giữa doanh nghiệp, chủ bến bãi, chủ phương tiện, người lái xe và đông đảo người dân với lực lượng Công an trong trọng trách bảo đảm TTATGT. Đặc biệt, đợt thực hiện cao điểm đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho các tầng lớp nhân dân.

Đại tướng Tô Lâm đã khẳng định quan điểm nhất quán là xử lý triệt để các hành vi vi phạm TTATGT, đặc biệt là lỗi trực tiếp gây ra tai nạn. Nhiệm vụ giữ gìn TTATGT không chỉ riêng của lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Đường thủy, Cảnh sát Trật tự mà phải là của toàn Ngành, toàn lực lượng. Do đó, thủ trưởng các Vụ, Cục – Bộ Công an; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phải nhất quán trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát cấp dưới thực hiện nghiêm túc hiệu quả. Bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không có ranh giới riêng. CBCS Công an thực thi nhiệm vụ phải gương mẫu nêu cao ý thức, trách nhiệm, xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an đẹp trong lòng dân.

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông