17:33 04/04/2022 Ngoài trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 (Trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con), Luật Cư trú năm 2020 bổ sung điều mới so với quy định của Luật Cư trú năm 2006 quy định về các địa điểm không được đăng ký thường trú mới. Đây là những nơi ở không an toàn, không thể ở lâu dài hoặc nếu cho phép đăng ký thường trú mới tại chỗ ở đó sẽ phát sinh thêm phức tạp liên quan đến ANTT, quy hoạch phát triển địa phương. Do đó, cần yêu cầu công dân không được đăng ký thường trú mới vào những địa điểm này.
Cụ thể, tại Điều 22, Chương IV, Luật Cư trú năm 2020 quy định địa điểm không được đăng ký thường trú mới như sau:
Một là: Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ QP-AN, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.
Hai là: Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.
Ba là: Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bốn là: Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Năm là: Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Các địa điểm không được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú mới quy định trong Luật Cư trú năm 2020 là những nơi không bảo đảm an toàn về điều kiện sinh sống, nơi có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an ninh, quốc phòng hoặc những nơi đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng vào các mục đích khác, không thể tiếp tục sinh sống ổn định, lâu dài để người dân có thể chuyển đến cư trú, phù hợp với quy định của các luật khác có liên quan như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Di sản văn hóa, Luật Phòng, chống thiên tai...
Bên cạnh đó, một số địa điểm quy định tại Điều 23 thuộc loại đang có tranh chấp về pháp lý, đang được di dời để giải phóng mặt bằng hoặc đang bị kê biên, tịch thu… nên việc giữ nguyên hiện trạng về cư trú là cần thiết nhằm tránh làm phức tạp thêm các quan hệ pháp lý có liên quan, ảnh hưởng đến công tác tổ chức di dời thực tế hộ đang cư trú và tránh việc lợi dụng trong quá trình thực hiện các chính sách khác của Nhà nước (ví dụ như trong đền bù, tái định cư...).
Do đó, quy định về việc không được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú mới và ngay cả việc không được tách hộ tại các địa điểm này là cần thiết để bảo đảm yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, bảo đảm quyền cư trú của công dân một cách thực chất.
KC
09:55 05/11/2024
14:35 31/10/2024