15:06 16/03/2022 Cùng với việc sửa đổi, bổ sung quyền, nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực cư trú, so với Luật Cư trú năm 2006 thì Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung một điều quy định về quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú.
Cụ thể, tại Điều 10, Chương II, Luật này quy định cụ thể 6 quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú như sau:
1. Những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột thì có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo hộ gia đình.
2. Người không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp theo quy định của Luật này thì được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào cùng một hộ gia đình.
3. Nhiều hộ gia đình có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp.
4. Chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định.
Trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó là chủ hộ.
5. Chủ hộ có quyền và nghĩa vụ thực hiện, tạo điều kiện, hướng dẫn thành viên hộ gia đình thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú và những nội dung khác theo quy định của Luật này; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú về việc trong hộ gia đình có thành viên thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24, khoản 1 Điều 29 của Luật này.
6. Thành viên hộ gia đình có quyền và nghĩa vụ thống nhất đề cử chủ hộ; thực hiện đầy đủ quy định về đăng ký, quản lý cư trú”.
Như vậy, quy định này không hoàn toàn là mới mà được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định về chủ hộ, thành viên hộ gia đình tại Điều 25 Luật Cư trú năm 2006.
Luật Cư trú năm 2020 tiếp tục xác định quyền đăng ký thường trú, tạm trú theo hộ gia đình được thực hiện khi những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp trong mối quan hệ gia đình.
Những người không trong mối quan hệ nêu trên có thể đăng ký hộ gia đình khi đủ điều kiện là có sự đồng ý của chủ hộ trong các trường hợp đặc biệt như: người cao tuổi, người chưa thành niên, người được giám hộ…
Luật quy định chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử.
Ngoài ra, Luật bổ sung quy định xác định trách nhiệm đề cử chủ hộ và trách nhiệm của thành viên trong chủ hộ; bổ sung quy định trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định; xác định chủ hộ trong trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó đồng thời là chủ hộ.
Việc bổ sung quy định này khắc phục được khó khăn trong việc xác định chủ hộ, tạo điều kiện để giải quyết những vụ việc có liên quan, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền cư trú của công dân qua đăng ký thường trú, tạm trú.
Chủ hộ có quyền và nghĩa vụ thực hiện, tạo điều kiện, hướng dẫn thành viên hộ gia đình thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú và những nội dung khác theo quy định của Luật này; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú về việc trong hộ gia đình có thành viên thuộc trường hợp xóa đăng ký thường trú, tạm trú. Các nội dung này cơ bản thống nhất với quy định về chủ hộ, hộ gia đình của Bộ luật Dân sự và quy định của các luật có liên quan.
KC
09:45 21/11/2024